Malaysia hoan nghênh thông qua nghị quyết về quyền phủ quyết của HĐBA

Malaysia đang hối thúc các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thực thi việc sử dụng quyền phủ quyết theo quy định và quốc gia Đông Nam Á này ủng hộ việc hướng tới công cuộc cải tổ toàn diện HĐBA.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ) ngày 27/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ) ngày 27/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 29/4 nêu rõ nghị quyết mới nhất được Đại hội đồng LHQ thông qua hôm 26/4 phù hợp với quan điểm của Malaysia nhằm tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp giữa Đại hội đồng LHQ và HĐBA về hòa bình và an ninh.

Tuyên bố dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nêu rõ “Việc thông qua nghị quyết trên đánh dấu bước phát triển tích cực liên quan đến việc các thành viên thường trực của HĐBA sử dụng quyền phủ quyết. Nghị quyết thể hiện một sự cải tiến nhỏ, nhưng đáng kể đối với phương thức làm việc của HĐBA".

Nghị quyết A/RES/76/262 do Liechtenstein đề xuất được gần 100 nước ủng hộ và bảo trợ, trong đó có Mỹ, một trong 5 nước ủy viên thường trực của HĐBA trước khi được đưa ra Đại hội đồng LHQ thông qua. Một trong những điểm cốt lõi của nghị quyết này là Đại hội đồng LHQ sẽ có quyền họp phiên toàn thể thảo luận về vấn đề mà một hay nhiều nước thành viên thường trực của HĐBA sử dụng quyền phủ quyết để cản trở HĐBA ra nghị quyết liên quan. Phiên họp này sẽ được tiến hành trong vòng 10 ngày kể từ khi quyền phủ quyết được đưa ra.

Mặc dù không thay đổi được quyền phủ quyết của các nước thành viên thường trực của HĐBA, song nghị quyết trên được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch của HĐBA và buộc các nước có quyền phủ quyết phải thận trọng hơn khi sử dụng quyền này.

Kể từ năm 1946 tới nay, quyền phủ quyết của các nước thành viên thường trực của HĐBA đã được sử dụng 295 lần, trong đó Nga là nước sử dụng quyền này nhiều nhất với 143 lần. Trong cơ chế hiện nay của LHQ, chỉ cần một trong 5 nước thành viên thường trực của HĐBA dùng tới quyền phủ quyết thì hội đồng này sẽ không thể ra được quyết sách gì cho dù là vấn đề khẩn cấp.

Hằng Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/malaysia-hoan-nghenh-thong-qua-nghi-quyet-ve-quyen-phu-quyet-cua-hdba-20220429173859693.htm