Malaysia điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm nhựa polyme nhiệt dẻo từ Việt Nam

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, Cục Phòng vệ thương mại (Bọ Công Thương cho biết, vừa qua Bộ Thương mại và công nghiệp Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhựa polyme nhiệt dẻo từ Việt Nam.

Sản phẩm Polyethylene Terephthalate, được gọi là PET, PETE hoặc PETP hoặc PET-P (là loại nhựa polyme nhiệt dẻo phổ biến nhất của polyeste và được sử dụng trong sợi may quần áo, hộp đựng chất lỏng và thực phẩm, khuôn đúc nhựa và kết hợp với sợi thủy tinh sản xuất nhựa kỹ thuật)

Cụ thể, ngày 28/12/2020, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Ma-lai-xi-a (MITI) đã ra thông báo kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhựa polyethylene terephthalate có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Theo đó, MITI quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn sự thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong vòng 120 ngày, kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2020.

Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 0% đến 57,75% cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc, In-đô-nê-si-a, Hàn Quốc. Hiện nay Cục Phòng vệ thương mại đang tìm hiểu và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về mức thuế cụ thể dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ, do có lượng nhập khẩu vào Ma-lai-xi-a không đáng kể, MITI quyết định chấm dứt điều tra với hai nước này.

Kết luận cuối cùng trong vụ việc sẽ được ban hành muộn nhất vào ngày 23/4/2021.

Trước đó, ngày 28/7/2020, MITI đã khởi xướng điều tra vụ việc trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất nội địa.

Với tư cách là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện Phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan:

Liên lạc với MITI để đăng ký làm bên liên quan và nhận Kết luận sơ bộ.

Nghiên cứu các lập luận trong Kết luận sơ bộ của MITI, rà soát một cách có hệ thống thông tin dữ liệu đã cung cấp và chuẩn bị tốt công tác thẩm tra tại chỗ.

Đây là cơ sở quan trọng để trình bày lập luận có lợi trước MITI. Việc thẩm tra tại chỗ có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuối cùng của vụ việc.

Và "Liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời", Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/malaysia-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-mot-so-san-pham-nhua-polyme-nhiet-deo-tu-viet-nam-20210101145733346.htm