Malaysia: 'Chúng tôi không muốn bị coi là bãi rác của thế giới'

Ở những núi rác nhựa cao hơn 4m tỏa ra mùi hóa chất dưới cái nóng 37 độ C, có thể dễ dàng nhìn thấy tem giảm giá của chuỗi cửa hàng Mỹ hay bao bì sản phẩm Mỹ. Chúng có thể đã đi qua hành trình 16.000 km để đến bãi rác tự phát ở khu công nghiệp tại Ipoh, tây bắc Malaysia.

Xuất khẩu chất thải nhựa bất hợp pháp

Các quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với việc phế liệu từ các quốc gia phát triển ồ ạt đổ về khu vực. Phế liệu nhập khẩu vào các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia năm 2018 chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Bỉ và Canada.

Bãirác ở Ipoh, Malaysia.

Bãirác ở Ipoh, Malaysia.

"Chúng tôi không muốn bị coi là bãi rác của thế giới", Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 17/5. Trung Quốc tháng 1/2018 ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy.

Động thái này khiến rác đổ về Đông Nam Á nhiều hơn, tiêu biểu là Malaysia, nước nhập 750.000 tấn rác nhựa năm 2018, so với 316.000 tấn năm 2017 và 168.500 tấn năm 2016. Trong khi đó, lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ hơn 600.000 tấn một tháng năm 2016 xuống còn 30.000 tấn một tháng kể từ tháng 1/2018.

"Vì lệnh cấm rác nhựa của Trung Quốc, các quốc gia khác đã biến Malaysia thành địa điểm chính để xuất khẩu chất thải nhựa bất hợp pháp", Bộ trưởng Malaysia Yeo Bee Yin nói.

"Rác thải nhựa từ các nước phát triển đang nhấn chìm các cộng đồng ở Đông Nam Á, biến những nơi từng sạch và có tiềm năng phát triển thành bãi rác độc hại", Cameron Von Hernandez, từ liên minh các nhóm phi chính phủ Break Free from Plastic, nói.

"Thật là bất công khi các quốc gia và cộng đồng có ít khả năng và nguồn lực xử lý ô nhiễm lại bị biến thành nơi thải nhựa của các nước phát triển".

Một số quốc gia Đông Nam Á đã có những hành động để hạn chế nhập khẩu rác. Kuala Lumpur bắt đầu mạnh tay với rác nhựa sau khi phát hiện 24 lô rác nhựa từ Tây Ban Nha được nhập lậu vào cảng Klang, Selangor bằng cách sử dụng tờ khai hải quan giả.

Tháng 10/2018, Kuala Lumpur ban hành lệnh cấm nhập rác nhựa. Hồi tháng hai, Malaysia cho biết đã đóng cửa 139 nhà máy tái chế nhựa không có giấy phép kể từ tháng 7/2019. Bà Yeo hôm 21/5 thông báo sẽ trả lại phế liệu nhựa không thể tái chế cho các nước phát triển.

"Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi", bà nói. Tại Thái Lan, cơ quan chức năng giảm hạn ngạch nhập khẩu rác nhựa từ vài trăm nghìn tấn xuống còn 70.000 tấn và chỉ cho phép nhập nhựa tốt, có thể tái chế.

Theo Báo cáo Tái chế năm 2018 của tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace, lượng nhập khẩu rác nhựa của Thái Lan tăng lên mức 75.000 tấn mỗi tháng vào đầu năm 2018, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Mỹ và Hong Kong. Khi các tác động môi trường ngày càng trở nên rõ rệt ở các vùng nông thôn Thái Lan, chính phủ nước này đẩy mạnh xử lý các nhà máy tái chế nhựa trái phép.

Giữa năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan ra lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa trong vòng sáu tháng và cho biết họ có kế hoạch cấm hoàn toàn nhập khẩu phế liệu nhựa, kể cả có thể tái chế, trước năm 2020.

Những động thái quyết liệt

Vấn đề rác thải đã đè nặng lên quan hệ ngoại giao giữa Canada và Philippines. 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt được vận chuyển từ Vancouver tới Phillippines trong giai đoạn 2013 - 2014. Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines.

Tuy nhiên, các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo. Các container này được dán nhãn là nhựa tái chế nhưng thực chất lại bao gồm cả rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình ở Canada.

Các ý kiến phản đối cho rằng lô hàng là bất hợp pháp theo Công ước Basel, một hiệp ước quốc tế mà Canada đã ký kết nhằm ngăn chặn các nước giàu đổ rác sang các nước đang phát triển. Canada cũng nỗ lực nhằm truy cứu trách nhiệm của công ty vận tải tư nhân từng chuyển rác sang Philippines, nhưng công ty này đã ngừng hoạt động.

Philippines đã nhiều lần phản đối bằng biện pháp ngoại giao đối với Canada sau một phán quyết của tòa án Philippines năm 2016 rằng Ottawa phải nhận lại số container chứa rác. Mới đây, Philippines triệu hồi đại sứ từ Ottawa về nước vì Canada chưa nhận lại những container rác thải. Philippines cảnh báo rằng nếu Canada không hợp tác, họ sẽ mang rác đến đổ ở vùng lãnh hải của Canada.

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 22/5 đã yêu cầu cấp dưới tìm đơn vị vận chuyển và tuyên bố sẽ đổ các container rác này xuống vùng biển Canada. "Hãy ăn nó nếu muốn", Duterte nói.

Việc triệu hồi đại sứ ở Ottawa cho thấy "chúng tôi không chỉ nhìn nhận vấn đề này rất nghiêm túc mà còn cảnh báo Canada rằng chúng tôi sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu họ không hành động", phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo Jr. nói. Bộ trưởng Môi trường Canada, Catherine McKenna sau đó cho biết chính phủ nước này đã ký hợp đồng trị giá 1,14 triệu USD với công ty vận tải khổng lồ của Pháp, Bollare Logistics, để vận chuyển về nước 69 container rác đang nằm tại cảng Subic, Philippines suốt sáu năm qua.

"Canada coi trọng mối quan hệ sâu sắc, lâu dài với Philippines và hợp tác chặt chẽ với chính quyền nước này, nhằm tìm ra giải pháp chấp nhận được cho cả đôi bên", bà McKenna nói, đồng thời cho biết các chất thải sẽ được xử lý theo tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe của Canada, song không giải thích các tiêu chuẩn đó là gì hoặc số chất thải có đang gây nguy hiểm cho Philippines hay không.

Theo kế hoạch, toàn bộ số container sẽ được đưa trở lại Canada vào cuối tháng 6 tới và sẽ được xử lý đúng cách tại nước này trước khi mùa hè kết thúc, nữ bộ trưởng cho hay. Cuộc kiểm kê gần đây nhất cho thấy hầu hết các container rác đều có thể vận chuyển được bằng đường biển, trừ một container đã bị mối mọt xâm nhập, tuy nhiên vẫn có cách xử lý để chuyển về Canada.

Tháng này, 187 quốc gia đã thông qua sửa đổi Công ước Basel, hiệp ước năm 1989 nhằm giảm việc di chuyển nhựa và chất thải nguy hại xuyên biên giới. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, yêu cầu các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải xin phép các nước nhận rác.

"Công dân của các nước phát triển cần yêu cầu chính phủ của họ minh bạch về cách theo dõi chất thải. Họ cần biết rõ rác và nhựa của họ sẽ đi về đâu", bà Yeo Bee Yin nói.

"Điều khiến tôi bất bình là sự bất công khi thấy người dân ở các nước đang phát triển phải chịu đựng rác bắt nguồn từ các nước phát triển. Tôi không nghĩ rằng công dân của các quốc gia này biết chuyện gì đang xảy ra, thậm chí có thể các nhà lập pháp của họ cũng không biết", bà nói thêm.

Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu 35.000 tấn chất thải nhựa mỗi tháng từ Đức, Australia và Mỹ vào cuối năm 2018, tăng mạnh từ mức 10.000 tấn hàng tháng vào cuối năm 2017.

Nước này hiện chưa có biện pháp mạnh tay với rác nhựa vì lợi ích kinh tế. Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto tháng 11 năm ngoái cho biết Jakarta được hưởng thặng dư thương mại 40 triệu USD bằng cách xuất khẩu nhựa tái chế.

Rosa Vivien Ratnawati, lãnh đạo ban quản lý rác thải tại Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, nói rằng rác nhựa mà họ nhập khẩu không độc hại và có thể tái chế.

Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường đã bày tỏ lo ngại rằng các công ty địa phương kiếm lời bằng cách nhập lậu rác. Họ cáo buộc các nhà máy không có giấy phép đốt bừa bãi rác nhựa không thể tái chế.

"Một số người kiếm lợi từ những hành động đó nhưng họ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì chất thải sẽ đe dọa sức khỏe cộng đồng", Prigi Arisandi, người sáng lập nhóm bảo vệ môi trường Ecoton nói.

Các nhà hoạt động Indonesia cũng nói rằng có chất thải sinh hoạt lẫn trong những lô hàng giấy đã qua sử dụng mà các nhà máy Indonesia nhập khẩu để tái chế.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia đã loại bỏ chất thải sinh hoạt bằng cách xuất khẩu chúng lẫn trong giấy đã qua sử dụng", Prigi nói. Ecoton ước tính 70% giấy được nhập để tái chế bị nhiễm bẩn từ chất thải nhựa.

Kim Tuyến (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/malaysia-chung-toi-khong-muon-bi-coi-la-bai-rac-cua-the-gioi-d98319.html