Malaysia chào đón 'buổi bình minh' chính trị

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9-5 tại Malaysia, chấm dứt 60 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng bầu cử. Chiến thắng này mở ra hy vọng cho sự thay đổi lâu dài ở Malaysia cũng như chữa lành các rạn nứt của đất nước.

Ông Mahathir Mohamad (giữa) mừng chiến thắng tại cuộc họp báo. Ảnh: Reuters

Kết quả kiểm phiếu chính thức từ Ủy ban bầu cử cho thấy, Liên minh Hy Vọng (PH) giữa đảng đối lập Pakatan Harapan của ông Mahathir với một đảng liên minh khác ở bang Sabah trên đảo Borneo, đã giành được 121 trong tổng số 222 ghế tại Quốc hội, trong khi phe chiến thắng chỉ cần 112 ghế là có quyền thành lập chính phủ mới.

BN cầm quyền của Thủ tướng Najib chỉ giành được gần 80 ghế, kém xa con số giành được ở kỳ bầu cử lần trước. Trong khi đó, đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) chỉ giành được 18 ghế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu giành tới 40 ghế của họ. Ngoài chiến thắng ở cuộc bầu cử Hạ viện, PH còn chiến thắng áp đảo ở các tiểu bang khi giành tổng cộng tới 223 ghế tại tiểu bang so với 166 của liên minh cầm quyền. PH đã giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ ở các bang quan trọng của Malaysia như Johor, Selangor hay Penang.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, ông chấp nhận "phán quyết của người dân" sau khi BN thất bại trong việc đảm bảo đa số tối thiểu trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 9-5. Nhà vua Malaysia cũng đã quyết định đề nghị ông Mahatir thành lập chính phủ liên bang tiếp theo trong ngày 10-5.

Căng thẳng chủng tộc

Chiến thắng của PH cũng đánh dấu kết thúc hơn 60 năm cầm quyền của BN, và thúc đẩy sự thay đổi hoàn toàn về nhiều vấn đề như chống tham nhũng, các chính sách chủng tộc...

"Sóng thần của người dân", tờ báo Sinar Harian bằng tiếng Malay giật tít ở trang đầu. Ông Keith Leong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Tập đoàn tư vấn KRA, cho rằng: "Chúng ta đang chứng kiến lịch sử được tạo ra ở đất nước này". Tuy nhiên, trang mạng chuyên phân tích chính trị Malaysiakini.com cho rằng, tương lai đất nước vẫn chưa rõ ràng.

Malaysia, một quốc gia đa văn hóa, ngày càng bị chi phối bởi sự căng thẳng về chính trị và chủng tộc dưới sự lãnh đạo của ông Najib. Tình trạng này càng trầm trọng hơn sau vụ bê bối tham nhũng 1MDB. Trong suốt nhiệm kỳ 1981-2003, ông Mahathir cũng bị hoen ố bởi sự phản đối của đối thủ và sự thống trị chính trị của người Hồi giáo Malay, chiếm đa số của đất nước, trước người thiểu số Hoa và Ấn.

"Bây giờ công việc khó khăn chỉ mới bắt đầu. Không ai có thể khẳng định rằng chính phủ mới sẽ có thể đảo ngược sự thối rữa đã bắt rễ trong nhiều thập kỷ", trang mạng trên cho biết trong một bài xã luận. "Đối với một quốc gia bị phân chia như vậy, sẽ mất nhiều thời gian để chữa lành vết thương cũng như xây dựng lại niềm tin đã mất của người Malaysia".

Malaysia sẽ có nữ Phó Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử

Cùng với tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã tiết lộ sơ bộ về thành phần Nội các mới.

Phát biểu trong một cuộc họp tại thành phố Petaling Jaya, ông Mahathir tuyên bố sau khi nhậm chức, ông sẽ bổ nhiệm Chủ tịch Đảng Công lý Nhân dân (PKR) Wan Azizah Wan Ismail làm Phó Thủ tướng. Theo đó, đây sẽ là nữ Phó Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Malaysia.

B.N

Khi ông Mahathir trở lại

Với chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Malaysia, tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 92 tuổi, ông sẽ là một trong những nguyên thủ quốc gia có tuổi cao nhất thế giới.

Ông Mahathir bất ngờ tuyên bố trở lại chính trường để chống lại chính người từng là học trò của mình, đương kim thủ tướng Najib Razak. Điểm khác biệt là lần này ông tranh cử cùng đảng đối lập, vốn chưa từng được nắm quyền trong hơn nửa thế kỷ qua, từ lúc Malaysia độc lập vào năm 1957. Ông Mahathir là lãnh đạo BN trong 22 năm, từ năm 1981 đến lúc ông rút lui vào năm 2003.

Giai đoạn ông Mahathir nắm quyền là thời kỳ Malaysia hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế. Tòa tháp đôi Petronas, khánh thành năm 1993, là biểu tượng cho giai đoạn thịnh vượng kinh tế của Malaysia dưới thời ông Mahathir. Nhà báo Tom Plate, người nổi tiếng qua loạt sách đối thoại với các lãnh đạo Châu Á, xếp ông Mahathir vào nhóm "Những người khổng lồ Châu Á" cùng cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hay cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Khi được hỏi về việc có định truy cứu tiếp trách nhiệm của Thủ tướng Najib trong vụ bê bối quỹ nhà nước 1MDB hay không, ông Mahathir trả lời: "Chúng tôi không muốn trả thù, chúng tôi chỉ muốn khôi phục pháp quyền". Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera vào năm 2016, ông Mahathir nói rằng ông quyết định quay lưng với trò cũ vì ông Najib đã "đi trật đường". "Ông ấy đã làm rất nhiều chuyện thật sự sai. Ông ấy đặt đất nước vào một vị thế tệ hại, cả về chính trị lẫn kinh tế. Ông ấy mang tiếng khắp thế giới. Ông ấy phải ra đi".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_182965_malaysia-chao-don-buoi-binh-minh-chinh-tri.aspx