Malaysia: Ca bại liệt đầu tiên xuất hiện sau 30 năm

Bệnh bại liệt tái xuất tại Malaysia chỉ vài tháng sau khi Philippines hồi tháng 9 vừa qua công bố trường hợp mắc bại liệt đầu tiên ở nước này kể từ năm 1993.

Được biết bệnh nhi kém may mắn 3 tháng tuổi đến từ thành phố Tuaran, bang Sabah trên đảo Borneo đã có xét nghiệm dương tính với bệnh bại liệt sau khi nhập viện với các triệu chứng bị sốt và yếu cơ.

Trong một tuyên bố, quan chức hàng đầu Bộ Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah cho biết đây là trường hợp mắc bệnh bại liệt đầu tiên sau gần 3 thập kỷ.

Ông Abdullah cho biết bệnh nhi này hiện đang được điều trị cách ly và trong tình trạng ổn định, song vẫn cần tới sự hỗ trợ của máy thở.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giới chức y tế Malaysia đã tiến hành kiểm tra tại khu vực sinh sống của bệnh nhân và kết quả cho thấy 23 trong tổng số 199 em từ 2-15 tuổi tại khu vực này không được tiêm chủng phòng bại liệt. Ông Hisham khuyến cáo các bậc phu huynh cho con trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.

Trước đó, tại Angola và Philippines cũng xuất hiện ca mắc bại liệt đầu tiên. Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo khách du lịch cần được chủng ngừa đầy đủ trước khi tới Angola trong thời gian này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2 trong số 3 dòng virus bại liệt hoang dại đã bị tiêu diệt. Năm 2018, cả thế giới ghi nhận 33 ca nhiễm virus bại liệt hoang dại trong khi các ca nhiễm virus bại liệt có nguồn gốc vaccine đôi khi vẫn xảy ra tại một số vùng của châu Phi và châu Á.

Bệnh bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Khi bị nhiễm vào cơ thể, virus sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, phần mềm cấp tính và gây ra chứng bại liệt. Chúng có tốc độ lây lan nhanh gây ra các di chứng liệt và trong một số trường hợp hiếm có thể dẫn tới tử vong.

Trong 19 năm qua, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt (năm 2000 WHO tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc (không còn một người bệnh bại liệt nào do virus bại liệt hoang dại gây nên).

Ảnh minh họa

Mặc dù bệnh bại liệt đã được thanh toán ở hầu hết các quốc gia nhưng một số nước vẫn phát hiện những ca mắc bệnh bại liệt hoang dại. Trong xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế như hiện nay, vẫn có nguy cơ xâm nhập các ca bại liệt nếu không có biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1988 là năm mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu được đưa ra, trên thế giới vẫn còn khoảng 350.000 người mắc bệnh bại liệt hoang dại tại 125 quốc gia.

Ðến năm 2018, số ca bại liệt hoang dại chỉ còn 33 ca và hầu hết các nước được xác nhận thanh toán bệnh bại liệt hoang dại.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, trên thế giới vẫn phát hiện 66 người nhiễm virus bại liệt hoang dại tại Pakistan và Afghanistan.

Theo An ninh Nhân Dân, nguyên nhân chính do ảnh hưởng của nhiều năm bất ổn về chính trị với tỷ lệ uống vaccine phòng bệnh OPV ở quốc gia này rất thấp.

Tính riêng 8 tháng đầu năm 2019 đã có 53 ca tại một vài quốc gia châu Á và châu Phi. Ðây là các trường hợp mắc bại liệt do virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine uống, đào thải qua phân ra môi trường bên ngoài và biến đổi kiểu gien, có khả năng gây bệnh trở lại ở những cộng đồng có tỷ lệ uống/tiêm vaccine bại liệt thấp.

Mặc dù tỷ lệ này là rất nhỏ (chỉ 3,4 ca/1.000.000 liều) nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dịch tại cộng đồng.

Minh Anh(Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/malaysia-ca-bai-liet-dau-tien-xuat-hien-sau-30-nam-a459080.html