Malala Yousafzai: Người đấu tranh cho giáo dục nữ

Sinh ra ở Pakistan, Yousafzai sớm nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục từ người bố, một giáo viên ở trường nữ sinh. Khi Taliban nắm quyền kiểm soát thị trấn nơi cô ở vào năm 2008, họ đã cấm các cô gái đi học. Yousafzai công khai lên tiếng chống lại bất chấp bị tấn công ảnh hưởng tới tính mạng.

Sau nhiều tháng hồi phục và chuyển đến Vương quốc Anh cùng gia đình, cô quyết không ẩn mình trong sợ hãi, và đã sử dụng tiếng nói của mình để lập nên Quỹ Malala, một tổ chức từ thiện dành riêng để đảm bảo mọi cô gái đều có cơ hội đi học. Năm 17 tuổi, cô trở thành người trẻ nhất nhận giải Nobel Hòa bình.

Dấn thân từ năm lớp 7

Malala Yousafzai sinh ngày 12-7-1997 trong một gia đình người Pashtun, theo Hồi giáo Sunni. Cô sống cùng với bố mẹ và hai em trai ở Mingora. Bố của Yousafzai, ông Ziauddin Yousafzai là người dạy dỗ cô nhiều nhất. Ông là một nhà thơ, hiệu trưởng và là một nhà hoạt động giáo dục. Ông đứng đầu một chuỗi trường học có tên là Trường Công lập Khushal. Trong một buổi phỏng vấn, Yousafzai nói rằng ban đầu cô ước mơ làm bác sĩ, tuy nhiên bố là người động viên cô theo lối đi của một nhà hoạt động chính trị. Ông xem con gái mình là một người đặc biệt, ông thường nói về những chuyện liên quan đến chính trị với Yousafzai khi hai em trai đã đi ngủ.

Yousafzai nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014.

Yousafzai có bài phát biểu về quyền giáo dục từ tháng 9-2008, tại một câu lạc bộ báo chí ở địa phương. Em nói: "Tại sao Taliban lại dám tước lấy quyền được giáo dục cơ bản của tôi?". Lời phát biểu này sau đó được đăng tải lên các báo trong nước và các kênh truyền hình.

Cuối năm 2008, nhà báo Aamer Ahmed Khan của trang web BBC tiếng Urdu cùng các đồng nghiệp đã tìm một nữ sinh ở quận Swat để kể lại ảnh hưởng của Taliban đang gia tăng tại đấy. Họ đã liên lạc được với giáo viên Ziauddin Yousafzai, tuy nhiên không nữ sinh nào dám làm điều đó vì theo gia đình họ, việc đó quá nguy hiểm. Cuối cùng ông Yousafzai đã đề xuất con gái mình, Malala Yousafzai, lúc đó em mới 11 tuổi.

Khi quân đội Taliban (chỉ huy là Maulana Fazlullah) chiếm làng Swat, chúng cấm người dân tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, âm nhạc, cấm việc dạy học cho nữ và cấm phụ nữ không được đi mua sắm… Ban đầu một nữ sinh Aisha đang học ở trường của ông Ziauddin Yousafzai đồng ý viết blog cho BBC, tuy nhiên sau đó gia đình cô bé do lo ngại Taliban nên đã từ chối. Cuối cùng BBC cũng đồng ý cho Malala viết blog, lúc đó em mới học lớp 7.

Ngày 15-1-2009, Taliban ra sắc lệnh cấm nữ giới đi học, chúng đốt cháy hơn 100 trường học cho nữ và phá hủy nhiều trường học trong khu vực. Ngày 24-1-2009, Malala tiếp tục viết blog, trong đó cô nói rằng vẫn sẽ tiếp tục việc học. Các trường học dành cho nữ vẫn bị đóng cửa. Ngoài ra các trường tư thục cho nam cũng bị đình trệ.

Ngày 7-2, Yousafzai cùng em trai trở lại quê nhà Mingora, khi cô bé tới nơi các đường phố đều hoang vắng và "im lặng tới kỳ lạ". Khi cô tới siêu thị để mua quà cho mẹ thì siêu thị đóng cửa, tất cả các cửa hàng khác cũng trong tình trạng như thế. Nhà cửa bị tàn phá và ti vi bị cướp đi mất.

Bị ám sát

Sau khi các trường học được mở cửa trở lại, Taliban tiếp tục hạn chế việc dạy học cho nữ giới và tiếp tục đóng cửa các trường học cho nữ giới, cho dạy học cả nam lẫn nữ. Malala kể lại rằng chỉ có 70 học sinh có mặt trên tổng số 700 học sinh được ghi danh.

Ngày 15-2, báo chí Pakistan đưa tin rằng chính phủ và Taliban sẽ ký hiệp ước hòa bình vào ngày sau đó. Tối hôm đó, Taliban công nhận hiệp ước hòa bình trên Đài FM Radio.

Ngày 18-2, Malala Yousafzai xuất hiện trên chương trình Capital Talk để phản đối các chính sách đương thời của Taliban. Ba ngày sau, thủ lĩnh Maulana Fazlulla của Taliban xác nhận sẽ dỡ bỏ những cấm vận của việc dạy học cho nữ giới, tuy nhiên khi nữ giới đến trường phải mang mạng che mặt.

Yousafzai trong thời gian điều trị tại nước Anh

Khi Yousafzai được nhiều người biết đến đồng nghĩa với những mối nguy hiểm đối mặt với cô tăng lên từng giờ - cô bị đe dọa giết chết…

Vào ngày 9-10-2012, một tay súng Taliban đã bắn vào đầu Yousafzai khi cô đang lái xe về nhà sau khi tham gia một kỳ thi tại Thung lũng Swat ở Pakistan. Yousafzai chỉ mới 15 tuổi vào thời điểm đó. Hai cô bạn đi cùng Yousafzai bị thương là Kainat Riaz và Shazia Ramzan.

Yousafzai được đưa đến một bệnh viện quân sự ở Peshawar. Sau ca mổ kéo dài 5 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật đã phải cắt bỏ một phần sọ.

Ngày 15-10, Yousafzai được đưa đến Anh để điều trị. Nhờ đã đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, Yousafzai có cơ hội hồi phục hoàn toàn mà không bị tổn thương não. Yousafzai đã viết vào tháng 7-2014 rằng dây thần kinh mặt của cô đã phục hồi tới 96%.

Nhận giải Nobel Hòa bình

Vụ ám sát đã gây chú ý toàn thế giới, tạo ra một làn sóng cảm thông và tức giận. Các cuộc biểu tình đã diễn tại một số thành phố của Pakistan, và hơn 2 triệu người đã ký vào bản kiến nghị của chiến dịch Quyền Giáo dục, dẫn đến việc phê chuẩn Đạo luật Quyền Giáo dục đầu tiên tại Pakistan.

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã mô tả vụ nổ súng như một cuộc tấn công vào "những người văn minh". Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi đó là "hành động ghê tởm và hèn nhát". Ngoại trưởng Anh William Hague gọi là "dã man" và nó đã "gây sốc cho Pakistan và thế giới". Ca sĩ người Mỹ Madonna đã dành riêng bài hát "Human Nature" cho Yousafzai tại một buổi hòa nhạc ở Los Angeles vào ngày cô bị ám sát, ca sĩ cũng có hình xăm Malala tạm thời trên lưng. Nữ diễn viên người Mỹ Angelina Jolie đã tặng 200.000 đô la cho Quỹ Malala để giáo dục nữ giới.

Ehsanullah Ehsan, phát ngôn viên của Taliban Pakistan, tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công, nói rằng Yousafzai "là biểu tượng của những kẻ ngoại đạo và khiêu dâm", và nói rằng nếu em sống sót, chúng sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu.

Vào ngày 12-10-2012, một nhóm gồm 50 giáo sĩ Hồi giáo ở Pakistan đã ban hành một phán quyết của luật Hồi giáo chống lại các tay súng Taliban, những người đã cố gắng giết Yousafzai. Các học giả Hồi giáo từ Hội đồng Sunni Ittehad công khai tố cáo những nỗ lực của Taliban Pakistan để gắn kết những lý lẽ tôn giáo cho việc bắn Yousafzai và 2 người bạn cùng lớp.

Ngày 15-10-2012, Đặc phái viên LHQ về Giáo dục Toàn cầu Gordon Brown, cựu Thủ tướng Anh, đã đến thăm Yousafzai trong bệnh viện, và khởi xướng một đơn thỉnh nguyện tên cô và "ủng hộ những gì Malala đã chiến đấu". Khẩu hiệu "Tôi là Malala", yêu cầu chính của kiến nghị là không có đứa trẻ nào bị bỏ học năm 2015, với hy vọng rằng "những cô gái như Malala ở khắp mọi nơi sẽ sớm đi học".

Ông Brown cho biết ông nộp đơn thỉnh nguyện cho Tổng thống Zardari tại Islamabad vào tháng 11. Đơn thỉnh nguyện có 3 yêu cầu: (1) Kêu gọi Pakistan đồng ý với kế hoạch cung cấp giáo dục cho mọi trẻ em. (2) Kêu gọi tất cả các quốc gia không phân biệt đối xử ngoài vòng pháp luật với các cô gái. (3) Kêu gọi các tổ chức quốc tế đảm bảo 61 triệu trẻ em ngoài trường học trên thế giới được đi học vào cuối năm 2015.

Vào ngày 12-7-2013, đúng sinh nhật lần thứ 16 của Yousafzai, cô có bài phát biểu tại LHQ để kêu gọi tiếp cận giáo dục toàn cầu. LHQ đã đặt tên cho sự kiện là "Ngày Malala". Ngày 10-10-2014, Yousafzai là người đồng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014 vì cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp của trẻ em và thanh thiếu niên và quyền được giáo dục của tất cả trẻ em. Yousafzai là người đoạt giải Nobel trẻ nhất.

Phương Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/malala-yousafzai-nguoi-dau-tranh-cho-giao-duc-nu-520927/