'Mai vàng nhân ái' thăm nhà thơ Trúc Thông và nhạc sĩ Trọng Bằng

Ngày 15-1, Chương trình Mai Vàng nhân ái do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nhà thơ Trúc Thông và nhạc sĩ Trọng Bằng.

Ngày 15-1, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nhà thơ Trúc Thông tại Hà Nội.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại miền Bắc, đã trao cho bà Minh Nguyệt, vợ nhà thơ Trúc Thông, số tiền 5 triệu đồng của chương trình, chúc nhà thơ sớm hồi phục sức khỏe. Thay mặt gia đình, bà Minh Nguyệt cám ơn chương trình "Mai vàng nhân ái" đã quan tâm đến nhà thơ cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại miền Bắc, đã trao cho bà Minh Nguyệt, vợ nhà thơ Trúc Thông, quà của chương trình, chúc nhà thơ sớm hồi phục sức khỏe.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại miền Bắc, đã trao cho bà Minh Nguyệt, vợ nhà thơ Trúc Thông, quà của chương trình, chúc nhà thơ sớm hồi phục sức khỏe.

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940, quê quán Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Sau đó ông tham gia Ban biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Độc giả yêu mến thơ Trúc Thông thường nhắc tới bài thơ lục bát "Bờ sông vẫn gió" viết tặng mẹ nổi tiếng của ông: "Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối… một lần về cuối thôi/ Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh/ Lệ xin giọt cuối để dành/ Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha/ Cây cau cũ, giại hiên nhà/ Còn nghe gió thoảng sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi". Bài thơ này được giới phê bình văn học coi là một trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Nhà thơ Trúc Thông trước khi bị bệnh tật quật ngã

Gia tài tác phẩm của nhà thơ Trúc Thông gồm các tập thơ và lý luận: Chầm chậm tới mình, Maratong, Một ngọn đèn xanh, Văn chương ngẫu luận, Vừa đi vừa ở, Mẹ và em… Ông nhận Giải thưởng Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 – 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000. Ông cũng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 5 - năm 2016

Nhà thơ Trúc Thông bị tai biến mạch máu não vào năm 2008, phải nằm cấp cứu nhiều tháng liền ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Sau đó, ông còn bị tai biến thêm 5-6 lần nữa nhưng may mắn, ông có một người vợ tận tụy và đảm đang, suốt đời lo lắng, chăm sóc cho chồng, con, nên đã qua được cơn hiểm nghèo. Nhà thơ vẫn có thể nhúc nhắc đi lại, người thân hỏi câu gì ông vẫn có thể đáp lại bằng cử chỉ, ánh mắt hoặc cố gắng nói dù khó khăn. Nhưng tháng 8-2020, cơn tai biến tiếp theo đã quật ngã ông, khiến nhà thơ phải nằm một chỗ.

Cùng ngày, đại diện Báo Người Lao Động cũng đã đến thăm và tặng quà Giáo sư - Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội. Từ nhiều năm nay, ông bị tai biến và hiện phải chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Đại diện gia đình, anh Nguyễn Bình, con trai nhạc sĩ Trọng Bằng, thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn chân thành đến chương trình Mai vàng Nhân ái và Báo Người Lao Động. "Chúng tôi thật sự xúc động trước sự quan tâm của chương trình tới bố tôi" - anh Nguyễn Bình chia sẻ.

Nhạc sĩ Trọng Bằng

Giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm còn là học sinh các trường Trung học thời kháng chiến ở Liên khu IV cũ. Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ, 1963). Từ 1972-1978, ông chính thức là chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, sau được cử làm Phó Giám đốc kiêm Chỉ đạo Nghệ thuật (1975). Từ 1978-1984, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng do chính ông được Bộ Văn hóa ủy nhiệm thành lập. Từ 1984-1996, ông là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đã góp phần quan trọng trong việc đưa Nhạc viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín ở trong nước và quốc tế.

Trọng Bằng là nhạc sĩ có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Ông đã từng chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng Moscow và Tasken trong đợt "Những ngày Văn hóa Việt Nam" tại Liên Xô cũ năm 1985, dàn nhạc Electone ở Tokyo (Nhật Bản) mùa hè 1995...

Ông Trần Thế Dũng trao quà của chương trình tới anh Nguyễn Bình, con trai nhạc sĩ Trọng Bằng, tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô

Trọng Bằng còn là một nhạc sĩ sáng tác có tên tuổi. Ông có nhiều bài hát đã in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước như: Tình quê hương, Tây Bắc sáng lại, Nhịp máy khoan, Những dũng sĩ Núi Thành, Bài hát bên cầu phao, Trăng sáng trên tuyến đường, Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi, Bão nổi lên rồi, Pháo ta gầm, Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân, Tiếng hát gửi Vàng Danh, Quê hương vang lên tiếng hát tự hào...

Các tác phẩm khí nhạc của ông cũng có vị trí vững chãi trong lịch sử khí nhạc trẻ tuổi của Việt Nam như Vũ khúc viết cho cello và piano, ouverture Chào mừng, giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui viết cho dàn nhạc giao hưởng...

Cả về sáng tác thanh nhạc lẫn khí nhạc, ông đều nhận được nhiều giải thưởng.

Nhạc sĩ Trọng Bằng từng là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa X. Năm 2013, ông được trao Huân chương Độc lập hạng nhì.

Bài và ảnh: Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/mai-vang-nhan-ai-tham-nha-tho-truc-thong-va-nhac-si-trong-bang-20210115180126001.htm