Mái trường của tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Lào

Trường Trung cấp Biên phòng 1 là cái nôi đào tạo nghiệp vụ biên phòng cho hàng nghìn lượt học viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Mái trường này cũng chính là nơi đã đào tạo các lưu học sinh của Lào trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Thượng tướng Sụ Vông Luông Bun Mi (thứ 7 từ trái qua), nguyên học sinh Trường T2, chụp ảnh cùng các đại biểu trước Nhà lưu niệm truyền thống nguyên lưu học sinh Lào tại Trường Trung cấp Biên phòng 1. Ảnh: Phạm Chí Thịnh

Thượng tướng Sụ Vông Luông Bun Mi (thứ 7 từ trái qua), nguyên học sinh Trường T2, chụp ảnh cùng các đại biểu trước Nhà lưu niệm truyền thống nguyên lưu học sinh Lào tại Trường Trung cấp Biên phòng 1. Ảnh: Phạm Chí Thịnh

Chở che lưu học sinh Lào

Trường Trung cấp Biên phòng 1 (tiền thân là Trường Hạ sĩ quan Biên phòng) đứng chân trên địa bàn xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Trường được thành lập ngày 1-6-1981, có nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ biên phòng trình độ sơ cấp, trung cấp; đào tạo ngoại ngữ (tiếng Trung Quốc, tiếng Lào); bồi dưỡng văn hóa nguồn dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng.

Cùng với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, Trường Trung cấp Biên phòng 1 còn thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Khu vực đóng quân của nhà trường hiện nay từng là nơi học tập của nhiều lưu học sinh Lào.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hàng nghìn lưu học sinh Lào tốt nghiệp ra trường, trưởng thành, sau này trở thành lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước CHDCND Lào như các đồng chí: Samane Vinhaket, Chủ tịch Quốc hội Lào; Bounnhang Vorachith, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào; Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ Lào; Tiến sĩ Kikeo Khaythamphithun, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào...

Tri ân tình cảm của các thầy cô và nhớ về những kỷ niệm đã qua, hằng năm đều có các đoàn cán bộ cấp cao, lưu học sinh Lào, các bạn sinh viên đang học tập, công tác tại Việt Nam đến thăm Trường Trung cấp Biên phòng 1. Đặc biệt, trong năm 2012, Nhà lưu niệm truyền thống nguyên lưu học sinh Lào được xây dựng trong khuôn viên của trường. Cũng trong dịp này, thể hiện sự trân trọng đối với nhà trường, Chủ tịch nước CHDCND Lào đã tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào cho Trường Trung cấp Biên phòng 1 và Huân chương Lao động hạng Ba cho Đại tá Nguyễn Khắc Lâm, nguyên Hiệu trưởng nhà trường.

Trung bình mỗi năm, nhà trường đón tiếp từ 5 đến 10 đoàn khách nước bạn Lào đến thăm. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên và học viên của trường đã vinh dự đón tiếp đoàn cán bộ cao cấp nước CHDCND Lào sang thăm trường.

Chứng kiến sự phát triển của ngôi trường thân yêu, ngắm những bức ảnh của thầy và trò treo trang trọng trong nhà lưu niệm, các cán bộ, lưu học sinh Lào còn được gặp và tri ân những thầy giáo, cha nuôi, mẹ nuôi đã che chở, cưu mang mình trong những năm chiến tranh.

Lan tỏa yêu thương

Đường biên giới Việt Nam – Lào dài khoảng 2.337km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững là nội dung hết sức quan trọng đối với hai nước. Do đó, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Trường Trung cấp Biên phòng 1 đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin cho cán bộ QĐND Lào.

Cùng với đó, nhà trường còn giảng dạy, bổ túc tiếng Lào (từ giảng dạy 6 tháng nâng lên 1 năm) và các chuyên ngành biên phòng cho nhiều đối tượng quân nhân chuyên nghiệp trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tăng cường đối ngoại biên phòng trên tuyến biên giới.

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu nhà trường, 100% học viên các khóa đào tạo đạt yêu cầu, trong đó, 70 đến 75% khá, giỏi. Học viên tốt nghiệp đáp ứng tốt nghiệp vụ chuyên môn, từng bước sử dụng thành thạo tiếng Lào trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng sát với nhiệm vụ trên biên giới, nhà trường đã thường xuyên cử các giáo viên đi thực tế tại các đồn Biên phòng, chủ yếu là tuyến biên giới Việt Nam - Lào để nắm lại trình độ của đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Đồng thời, tìm hiểu thực tiễn sử dụng ngôn ngữ của người dân trên tuyến biên giới để điều chỉnh hồ sơ bài giảng sát thực tế.

Thời gian đã qua đi, ngôi trường xưa nay đã được thay bằng ngôi trường bề thế, khang trang với khuôn viên rộng rãi, các phòng học hiện đại, khu vui chơi, thể thao... Tại ngôi nhà lưu niệm truyền thống của lưu học sinh Lào, ngoài đón các đoàn lưu học sinh từng học tập tại trường, Trường Trung cấp Biên phòng 1 còn có các đoàn cán bộ, học viên của Lào đang học tập, công tác tại Việt Nam. Phần lớn là các bạn trẻ muốn tìm hiểu về truyền thống ngôi trường, về quá trình học tập của các thế hệ trước đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước bạn Lào.

Phạm Chí Thịnh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mai-truong-cua-tinh-doan-ket-huu-nghi-viet-lao/