Mãi tỏa sáng tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có bài viết, bài nói nào trực tiếp bàn về tư tưởng nhân văn nói chung, tư tưởng nhân văn quân sự nói riêng, song toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, thân thế, sự nghiệp và các tác phẩm Người để lại cho Đảng và nhân dân ta đã toát lên chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó, tư tưởng nhân văn quân sự của Người chiếm một vị trí rất quan trọng.

Trong tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh, vấn đề con người trong chiến tranh; vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt. Điều này vừa thể hiện tình cảm yêu thương chân thành, ấm áp của Người đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện chiều sâu tư tưởng chiến lược về chính trị-quân sự, sự chỉ dẫn hành động cụ thể, thiết thực đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, thể hiện rõ thái độ và quan điểm nhân văn, nhân đạo đối với tù hàng binh và kẻ thù của cách mạng. Chính sự quan tâm chăm lo của Người dành cho bộ đội và nhân dân- những người ở tuyến đầu chống quân xâm lược đã đặt vị Lãnh tụ của Đảng, Chủ tịch nước trở thành Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời, là người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào trọn đời chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

 Bác Hồ thăm một đơn vị miền Nam tập kết năm 1957. Ảnh tư liệu.

Bác Hồ thăm một đơn vị miền Nam tập kết năm 1957. Ảnh tư liệu.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh thể hiện nhất quán quan điểm đề cao con người trong chiến tranh cách mạng, thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột, bất công, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân. Vì vậy, trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ, sức lực và tình cảm của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mà ở đó những giá trị làm người chân chính được trân trọng, được bảo vệ, gìn giữ và có điều kiện phát triển toàn diện. Điều sâu sắc ấy thể hiện ngay từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước với một khát vọng lớn lao, cháy bỏng: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta"(1). Với Người, tìm đường cứu nước, cứu dân, quyết tâm làm cách mạng là để cái thiện được lên ngôi, cái ác được loại trừ, để cho người dân Việt Nam thoát khỏi cảnh bần cùng, cơ cực, chấm dứt cuộc đời nô lệ lầm than; được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó là cội nguồn sức mạnh tư tưởng nhân văn quân sự của Người và là tài sản thiêng liêng, vô giá của dân tộc ta.

Sự thống nhất giữa tính bao quát và tính cụ thể về quan niệm con người trong đấu tranh giải phóng dân tộc là điểm đặc trưng rất quan trọng trong tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh. Người cho rằng con người trong đấu tranh giải phóng dân tộc không phải là khái niệm chung chung, trừu tượng, mà là những thân phận cụ thể gắn với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam; đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào; là mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ, dân quân và du kích - những người đang “ăn gió nằm sương”, chịu đựng khó khăn, gian khổ, đổ máu, hy sinh; chịu nhiều đau thương, mất mát vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì thế, Người luôn thấu hiểu, chia sẻ với đồng bào và đồng chí; cán bộ và chiến sĩ, coi mong ước lớn nhất đời mình là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành.

Quan tâm chăm lo đời sống bộ đội và nhân dân là làm sao cho từng hạt gạo, viên thuốc, tấm áo sớm đến tay bộ đội và người dân vùng địch tạm chiếm; qua đó, vun đắp cho tình quân-dân ngày càng bền chặt, chắc chắn là trách nhiệm cao cả và là sứ mệnh thiêng liêng của Đảng, Chính phủ; chính nó là lý do tồn tại của cách mạng, là mục đích phấn đấu không mệt mỏi của Đảng ta. Vì vậy, Người đặt công việc chăm lo con người, đặc biệt là chăm lo cho đời sống bộ đội và nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở vị trí “đầu tiên” đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị, nhất là việc giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta. Đó không chỉ là tình cảm ấm áp Người dành cho những người đang ở tuyến đầu chống quân xâm lược mà còn là sự đền đáp cho niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân dành cho Đảng và Chính phủ.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh hàm chứa nhiều nội dung mới, độc đáo và sâu sắc; trong đó vấn đề con người tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc được đặt trong mối quan hệ mật thiết với vai trò lãnh đạo của Đảng, của xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; uy tín và vị thế của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy bộ đội và sức mạnh đoàn kết quân-dân. Theo Người, nhân cách người cộng sản có mối quan hệ mật thiết với nhân cách người cách mạng, chính nó tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, gắn bó mật thiết Quân đội với Đảng và nhân dân; chung đúc mục tiêu, lý tưởng và lẽ sống vì Tổ quốc phụng sự, vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Đây vừa là điểm khởi phát, vừa là điểm ưu tiên trong các chủ trương, chính sách của Đảng, vừa là nội dung cốt lõi trong tư tưởng nhân văn quân sự của Người.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh quy tụ, kết tinh và lan tỏa tình yêu thương và lòng bao dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Cốt lõi tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh đọng lại ở mục tiêu, lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng “đồng bào” để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giải phóng giai cấp là để đồng bào ta từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc vào Nam được xum họp trong một đại gia đình thống nhất, được tự do, bình đẳng, không còn cảnh người áp bức, bóc lột, nô dịch người, làm cho con người với con người trở nên thân thiện, gắn bó; là đồng chí, đồng bào, là anh em ruột thịt của nhau. Giải phóng xã hội là nấc thang cao nhất giải phóng con người, là biện pháp tối ưu để khắc phục các hạn chế do chế độ cũ để lại; nhờ đó mà tìm thấy và đem lại các giá trị chân chính của con người để trả lại cho nhân dân. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh ấy, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn ở tuyến đầu, gánh vác trọng trách lớn lao nhưng có niềm vinh dự, tự hào vẻ vang là chiến đấu kiên cường, dũng cảm, chẳng tiếc máu xương vì nghĩa lớn, quyết đem lại nền hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự yêu thương, quý trọng cán bộ, chiến sĩ không phải là một sáo ngữ, mà là một tấm lòng bao dung, độ lượng, một tôn chỉ hành động cách mạng chắc chắn; nó gắn với sự hy sinh xương máu, sự cống hiến vì hạnh phúc của đồng bào. Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh tỏa sáng cốt cách, phẩm giá, lương tâm, trách nhiệm, niềm tin và lý tưởng của người cách mạng, giúp họ vứt bỏ cái xấu, cái thấp hèn; làm cho cái tốt, cái đẹp được nảy nở, đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái.

Không ít lần, Người căn dặn cán bộ các cấp phải có biện pháp cụ thể để thực hiện đúng trách nhiệm chăm lo đời sống bộ đội và nhân dân. Trước hết, Người dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Người chỉ rõ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”; “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"(2).

Quan tâm, chăm lo cho những người đã cống hiến, hy sinh máu xương của mình cho Tổ quốc là nghĩa vụ của Đảng ta, Chính phủ; thể hiện truyền thống đạo lý quý báu của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến cả những giá trị vật chất và tinh thần, gói gọn ở việc chăm lo thiết thực nhất về nơi ăn, chốn ở, việc làm, thu nhập, mức độ được hưởng thành quả cách mạng. Về tinh thần, phải ghi nhận sự đóng góp, hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ để nhân dân đời đời tưởng nhớ, biết ơn.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, nhi đồng. Ảnh tư liệu.

Yêu thương bộ đội và nhân dân không chỉ là một trạng thái tâm lý mà còn là một phẩm chất được kết tinh từ sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với người lính vâng mệnh quốc dân đồng bào đi đánh giặc, cứu nước. Bởi thế, yêu thương bộ đội và nhân dân luôn gắn liền với sự bao dung, độ lượng; khả năng chấp nhận và dung hợp những khiếm khuyết, hạn chế của mỗi người, biết chia sẻ, giúp đỡ và nâng họ lên tầm cao mới, thay vì ghét bỏ, chối từ. Phẩm chất ấy được trải nghiệm thực tiễn, thấm đẫm tình người. Đây là một trong những điểm độc đáo nổi bật của nhân cách Hồ Chí Minh, thể hiện xuyên suốt cuộc đời, sự nghiệp nhân hậu luôn “dĩ công vi thượng” của Người; quyết đánh kẻ chạy đi, không đánh người quay lại.

Bao dung là nét đặc sắc của tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh. Đối với những tù binh chiến tranh và nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người dạy rằng, Nhà nước “vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện"(3). Người coi họ là “nạn nhân” chiến tranh chứ không phải “thủ phạm”, càng không phải “kẻ thù” gây chiến tranh. Giúp đỡ họ, cải tạo họ cũng là trách nhiệm của Đảng, của cách mạng. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là bất cứ ai, gánh vác trọng trách, cương vị gì, hễ là người Việt thì đều thuộc “dòng dõi tổ tiên ta”, là “con Lạc, cháu Hồng”. Đối với những người lầm đường lạc lối, ta phải lấy tinh thần thân ái mà cảm hóa họ. Đối với bạn bè quốc tế, “giúp bạn là tự giúp mình”. Có làm như thế, kháng chiến mới thành công, xây dựng mới đoàn kết, “có đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang"(4).

Nhờ có lòng bao dung, độ lượng, nhân từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ ràng nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình với những kẻ diều hâu, hiếu chiến trong chính quyền Mỹ. Người “không đánh đồng” bọn xâm lược Mỹ với nhân dân Mỹ. Người luôn dành sự biết ơn của mình đối với tất cả bè bạn quốc tế đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, trong đó có nhân dân Mỹ. Mong ước của Người là khi đất nước kết thúc chiến tranh, thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta"(5).

Từ thực tiễn cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự khoan dung, độ lượng cho kẻ thù của dân tộc. Người thương yêu họ trên khía cạnh một con người; mà đã là con người thì ai cũng biết đau thương, ai cũng có cha, có mẹ, có gia đình. Người quan niệm máu của người Việt Nam hay máu người Pháp, người Mỹ cũng đỏ như nhau. Đối với nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Khi Mỹ thất bại và phải ngồi vào bàn đàm phán với ta, Người yêu cầu mọi người không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả. Người yêu cầu” Chính sách tù binh phải nhân đạo"(6). Người cho rằng, không được tận diệt, cốt đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do. Do vậy, trong bài thơ Chúc Tết năm 1969, Người viết: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh thể hiện rõ niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của bộ đội và nhân dân. Người không chỉ nêu lên sức mạnh vĩ đại của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích và nhân dân lao động ở miền xuôi, miền núi, Người tin tưởng rằng nhân dân là một lực lượng khổng lồ, sức mạnh vô địch chiến đấu và nhất định chiến thắng thù trong, giặc ngoài, kể cả chiến thắng mọi hư hỏng trong xã hội để xây dựng những cái gì tươi sáng nhất, văn minh và văn hóa nhất. Trước công việc khôi phục và kiến thiết đất nước sau chiến tranh “rất to lớn, nặng nề và phức tạp”, Người tin tưởng chiến thắng bằng sức mạnh vĩ đại của nhân dân.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh còn thể hiện ở niềm tin vào khả năng, năng lực và tính hướng thiện của con người. Người tin tưởng những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong sẽ trở thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta"(7). Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải tuyệt đối tin tưởng vào nhân dân, dựa vào sức mạnh to lớn của nhân dân để có đủ sức đương đầu với mọi khó khăn, thử thách của công cuộc kháng chiến, kiến quốc với sự khẳng định: "Có nhân dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết”.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc sự động viên, thúc đẩy mỗi người không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thiện bản thân mình. Người hết mực yêu thương cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bao dung, độ lượng, tin tưởng ở sức mạnh của con người, song cũng luôn yêu cầu, đòi hỏi và tạo điều kiện để mỗi người vươn lên làm chủ bản thân, ngày càng hoàn thiện mình hơn, trở thành những người có ích hơn cho xã hội, cho quân đội.

Với thương binh, những người đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc, Người mong muốn tạo điều kiện để họ có thể “dần dần tự lực cánh sinh"(8). Với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân, Người yêu cầu Đảng và Chính phủ phải lựa chọn và đào tạo họ “thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc"(9); với phụ nữ là mục tiêu có thể tham gia mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo... Điều đó cho thấy sự sâu sắc trong tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh.

Người luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..., Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước phải “tìm mọi cách”, “mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người”; với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thì chính quyền địa phương “phải giúp đỡ họ”; với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong thì Đảng và Chính phủ cần “chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo”.

Vì vậy, sự quan tâm của Người với bất kỳ đối tượng nào cũng đều hết sức gần gũi, thiết thực. Trong sự quan tâm, yêu thương của Người, ai cũng cảm thấy những giá trị làm người của mình được nâng lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu rất cao việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; “… phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"(10).

Rõ ràng là, việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trước nhân dân, với tiêu chuẩn cao hơn nhân dân, đồng thời phải kiên trì, bền bỉ hơn nhân dân, khắc nghiệt hơn nhân dân vì quân đội ta có kỷ luật thép; mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng, nhận thức rõ nhiệm vụ “vì nước quên thân vì nhân dân phục vụ”, vì bạn bè quốc tế mà “sẵn sàng chiến đấu”. Có làm tốt điều đó, quân đội ta mới xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG

1. Theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 616.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 617.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 280.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 621.

6. Theo sách Trung tướng Đoàn Chương, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2011, tr. 472.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 617.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 617.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 617.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tr.622.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dang-cam-quyen-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/mai-toa-sang-tu-tuong-nhan-van-quan-su-ho-chi-minh-618076