Mãi thương những gánh hàng rong

Đến Hà Nội vào bất kỳ mùa nào trong năm, chúng ta cũng đều thấy thấp thoáng những gánh hàng rong trên phố. Ở mảnh đất Hà thành, hàng rong như nhịp cầu thời gian, kết nối muôn kiếp nhân sinh với những điều thú vị dấu yêu.

Mỗi sớm mai xuống phố, ta sẽ gặp những chiếc xe ăm ắp hương hoa “trôi” bồng bềnh trong làn sương hư ảo. Mùa nào hoa đó. Những người bán hoa không khi nào cất tiếng rao, nhưng dường như có một sự kết nối lạ kỳ giữa họ và người yêu hoa. Dường như, họ chở cả mùa đi trên phố với những sự kỳ ảo biến chuyển đa sắc màu của các loài hoa.

Những người lớn tuổi ở Hà Nội luôn nhớ tới những hàng phở gánh, tào phớ, nộm, lục tào xá... Với họ, hàng rong là những hoài niệm về một thời xưa cũ. Phở gánh không cầu kỳ nhưng đã xuất hiện trong văn hóa ẩm thực của mảnh đất Hà thành từ rất sớm.

Có bác lớn tuổi kể với tôi về hàng phở gánh gần nhà với hai cái tủ con, nan thưa, cao ngang thắt lưng người bán. Một bên tủ là bát đũa, thìa, âu... được xếp gọn gàng, bên kia là nồi nước dùng sôi sùng sục.

Phở gánh thường bán từ đêm muộn tới gần sáng. Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ tiếng rao của người bán văng vẳng trong đêm cùng mùi nước phở thơm thơm trong gió.

Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

Hàng rong ở Hà Nội rất phong phú. Ta có thể bắt gặp đủ loại hoa trái, thực phẩm từ mọi vùng quê rong ruổi cùng những đôi chân của các bà, các chị đến với mọi người. Khi đi trong phố cổ Hà Nội, ta sẽ bắt gặp hình ảnh các bà các chị thảnh thơi ngồi trước bậc thềm nhà, đợi gánh hàng rong quen thuộc đi qua để mua hàng. Người mua, người bán thân thiết, hiểu rõ thói quen, tính nết của nhau như người nhà.

Những người bán hàng rong thường là người dân ngoại thành Hà Nội hoặc từ nơi khác đến. Giữa dòng đời hối hả, các mẹ các chị cần mẫn gánh hàng trên vai len lỏi vào từng con ngõ nhỏ. Họ miệt mài đi bán hàng bất kể ngày nắng như đổ lửa hay mưa dầm gió bấc.

Người bán hàng rong thường vốn ít, không có tiền để thuê cửa hàng. Vì không có chỗ bán cố định nên dường như công việc của họ phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn. Không phải khi nào họ cũng bán hết hàng. Đôi khi, các bà các chị “ế” hàng và những khách quen lại mua “ủng hộ” cho họ.

Trong những gánh hàng rong trên phố, có những người mẹ gánh cả tương lai của con mình trên vai. Còn nhớ, khi văn phòng cơ quan ở phố Nhà Chung, tôi thường ăn bún của một chị gánh hàng rong. Mến nhau vì món ăn của chị ngon, sạch sẽ và cách bán hàng ân cần.

Sau này, khi đã thân quý, chị chia sẻ về sự nhọc nhằn khi phải một mình bươn chải lo tiền ăn học cho các con. Hai cậu con trai của chị rất thương mẹ nên cháu nào cũng bắt đầu đi làm thêm khi học đến năm thứ 2 đại học. Khi kể về các con, tôi nhận thấy ánh mắt chị lấp lánh niềm vui, sự tự hào và dường như bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn không còn hiện hữu.

Những người bạn xa xứ của tôi thường nhớ về tiếng rao của hàng quà đêm loang dài trên phố vắng. Có những ngày nơi xứ lạ, chúng tôi cùng nhớ về ngày còn nhỏ, khi tiếng rao “phá xa...a...” cất lên trong đêm lạnh, được mẹ cho vài hào để mua ít lạc rang, hạt hướng dương, cả nhóm cùng cắn tí tách dưới ánh đèn vàng ấm áp. Đôi khi, kỷ niệm chỉ bình dị vậy thôi mà in sâu trong tâm trí.

Hàng rong ở Hà Nội trở thành hình ảnh rất đỗi thân quen trong tâm trí những người đã từng sống tại đây. Với riêng tôi... dù năm tháng trôi, dẫu đi xa bao lâu, tim mãi thương về những gánh hàng rong...

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mai-thuong-nhung-ganh-hang-rong-219914.html