Mai Takabian: Hoành tráng và lạ lẫm ở trời Âu

Họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình Hoàng Mai - tức Mai Takabian, trưởng nữ của nhà dân tộc học Nguyễn Tùng - đang gây xôn xao dư luận với triển lãm Vật thể nổi trôi (objets flottants) tại Pháp

Đây là triển lãm cá nhân về nghệ thuật đương đại lớn đầu tiên của Mai Tabakian từ ngày 2-2 đến 23-3 trong một tiểu giáo đường thuộc lâu đài cổ kính khá đồ sộ (được xây từ thế kỷ XII) của TP Châteaugiron, thuộc vùng Bretagne. Các nhà phê bình nghệ thuật châu Âu đã có nhận định: "Bốn tác phẩm hoành tráng của Mai gợi lên câu hỏi về sự trôi nổi, trong không gian và trong ẩn dụ. Chúng phản ánh một suy tư vừa sâu sắc vừa có tính giải trí về việc tìm kiếm một trạng thái cân bằng cần thiết nhưng di động và mong manh của con người…".

Tên gọi của triển lãm được lấy cảm hứng từ khái niệm "vật thể nổi trôi" như một liệu pháp trong tâm lý học. Hình thức trị liệu này không chỉ quan tâm đến cá nhân mà còn cả môi trường của cá nhân như là một "hệ thống" bao gồm các vật thể đầy tính biểu tượng, nói lên một câu chuyện về cá nhân, gia đình và xã hội. Do đó, trong trị liệu cũng như trong nghệ thuật, vật thể trôi nổi là một "không gian trung gian", giữa nó với chính nó, giữa thực tại và hoang tưởng.

Tuy nhiên, các tác phẩm của Mai Tabakian vẫn giữ được chiều cạnh giải trí, với các hình thể gợi nhục cảm, với sắc độ gay gắt của chúng và với các yếu tố văn hóa dân gian. Như trong tranh mộc bản Ukiyo-e (phù thế hội) của Nhật Bản, sự nhẹ nhàng phản ánh sự không bền vững của kiếp nhân sinh.

Theo nhận định của các nhà phê bình nghệ thuật và nghiên cứu về giao thoa văn hóa, trong các tác phẩm của Mai Tabakian, ta cũng tìm thấy ảnh hưởng của nghệ sĩ người Pháp gốc Hungary Victor Vasarely (op art, tức nghệ thuật quang học), của nhà điêu khắc người Mỹ Alexander Calder (điêu khắc di động), của nghệ sĩ người Nhật Katsushika Hokusai (tranh in mộc bản), của nhà toán học người Ba Lan Waclaw Sierpinki (các tam giác phân hình), của mỹ học kỹ thuật số…

Tác giả Mai Takabian và một tác phẩm trong triển lãm

Tác giả Mai Takabian và một tác phẩm trong triển lãm

Áp phích quảng bá triển lãm “Vật thể nổi trôi” trên đường phố Pháp

Bằng một ngôn ngữ nghệ thuật đương đại và kỹ thuật công nghệ cao, trên 2 bức tường bên của tiểu giáo đường, tác giả Mai Tabakian treo 4 tác phẩm lớn mà cô gọi là "blason-code" (tạm dịch: mã blason), vì đã áp dụng nghệ thuật huy hiệu (blason) của Pháp vào thời Trung cổ và mã QR (tức mã 2 chiều) để tạo ra những huy hiệu đương đại. Các huy hiệu này không những nhắc đến một cá nhân mà cả dòng dõi, gia đình và tôn chỉ của cá nhân ấy. Đặt trên sàn nhà của gian giữa, "Con đường lớn" (gồm 63 ô vuông) là một công trình hoành tráng dài gần 8 m và rộng hơn 4 m. Đây là ẩn dụ về "con đường của sự sống" phản ánh phần đóng góp của sự tình cờ thuần túy trong hành trình thụ pháp, cũng là một hành trình của nội tâm.

Treo lơ lửng trong gian giữa của tiểu giáo đường, 16 quả cầu giống như 16 "đồng tử" đồ sộ đang nhìn xuống chúng ta. Mai Tabakian gọi chúng là "những người bảo vệ", phải chăng vì chúng hướng dẫn và bảo vệ chúng ta theo cách của Mắt Oudjat của Ai Cập cổ đại? Phải chăng chúng theo dõi chúng ta như con mắt của Thượng đế? Hoặc có lẽ đó là hóa thân của con mắt toàn tri của một vị thần nào đó?

"Điểm thăng bằng" (balance point) là một công trình điêu khắc rất hoành tráng, gồm 18 hình tam giác "phân hình" (fractal), thường được gọi là "tam giác Sierpinki". "Điểm thăng bằng" đạt đến một đỉnh cao của sự tìm kiếm màu sắc: Nó triển khai một "colorama" chính xác giữa các màu "nóng" và màu "lạnh". Cơ bản đây là sự tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế và có lẽ bấp bênh - rõ ràng là không ổn định và đầy rủi ro, tác phẩm được tạo thành bởi các yếu tố độc lập có thể di động mỗi khi có một gợn gió nhỏ nhất thoảng qua. Điểm thăng bằng luôn ở trong sự tái tạo vĩnh viễn và thường trực trong cuộc sống của chúng ta.

Tờ báo lớn và uy tín Ouest-France đã dành 2/3 trang cỡ lớn để mô tả cuộc triển lãm này là một sự "lạ lẫm và hoành tráng" từ chất liệu vải và kỹ thuật đùn ép ra những hình khối. Mai Takabian cho biết nguồn gốc Quảng Nam - Đà Nẵng và làng quê làm nghề dệt của cha mình đã ảnh hưởng đến cô khi bước chân vào nghệ thuật. Nhìn quá trình từ con tằm, cái kén đến những sợi tơ rồi vải, cô nghiền ngẫm hành trình sinh nở của tự nhiên. Vải không chỉ để mặc mà còn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Học ngành luật ở Pháp và lại đi theo con đường sáng tạo nghệ thuật độc đáo, Mai Takabian luôn tâm niệm "Nghệ thuật luôn phải mang theo một trách nhiệm đạo đức trong cuộc sống".

Bài và ảnh: Trương Điện Thắng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mai-takabian-hoanh-trang-va-la-lam-o-troi-au-20190212205250727.htm