Mai này còn ai nhớ 'Nhà thương làng 5'?

Một công trình bệnh viện do người Pháp xây dựng từ thế kỷ trước, không chỉ có lối kiến trúc độc đáo, công trình còn có giá trị lớn về lịch sử.

 Công trình kiên cố, kiến trúc độc đáo, nhưng hoang phế, xuống cấp. Ảnh: Hoàng Phú.

Công trình kiên cố, kiến trúc độc đáo, nhưng hoang phế, xuống cấp. Ảnh: Hoàng Phú.

Đó là bệnh viện Đa khoa Lộc Ninh, còn có tên khác là Nhà thương Làng 5, ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Mặc dù được công nhận là “Di tích lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh, nhưng nhiều năm nay, công trình đã bị lãng quên, đang xuống cấp mỗi ngày.

Chứng nhân lịch sử

Khu di tích nằm gần QL13, cách cửa khẩu quốc tế Hoa lư vài cây số, nằm trong quần thể di tích Quốc gia gồm Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Tà Thiết, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chiến thắng Dốc 31 và di tích khảo cổ quốc gia Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2.

Trong đó, phần lớn các di tích lịch sử vốn hình thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Riêng công trình bệnh viện được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Tính ra, công trình đã có tuổi thọ cả trăm năm.

Công trình có lối kiến trúc khá lạ, nếu không có cái bảng hiệu phủ mờ rêu phong lên dòng chữ “Bệnh viện Lộc Ninh”, khó mà biết đây từng là một bệnh viện.

Bên trong khuôn viên, sau cánh cổng sắt nặng nề, đã hoen rỉ, là những tòa ngang dãy dọc, được xây dựng theo lối kiến trúc mái vòm bê tông, uốn lượn mềm mại, nhưng vẫn uy nghi, trầm lặng trên cây hoang, cỏ dại.

Từng khối nhà nhấp nhô, cao thấp, không theo một mô tuýp chung nào, nhưng không phá vỡ cảnh quan chung. Đây được coi là công trình kiến trúc cổ, lạ mắt duy nhất ở vùng Đông Nam Bộ.

Bên trong, tấm bảng "Kiến trúc cổ người Pháp" bằng sắt cũng siêu vẹo, hoen rỉ. Ảnh: Phúc Lập.

Dưới các mái vòm là dải xê nô uốn lượn mềm mại, dẫn nước mưa xuống hệ thống các ống thoát nước. Hệ thống ống thoát nước được đúc bằng bê tông sỏi cốt thép nối từ xê nô xuống đất. Cách đỉnh vòm 4,2m là các mái hiên uốn lượn bằng gạch, nền xi măng.

Công trình gồm 3 dãy nhà, mỗi dãy 2 nhà dài được nối với nhau bằng các hành lang có mái vòm che bên trên, bảo đảm cho người bệnh đi lại không bị ảnh hưởng của mưa, nắng. Ở cuối của khuôn viên gần 1km có con suối dùng để lấy nước phục vụ bệnh viện. Toàn bộ di tích có hàng rào bao quanh.

Mặt tiền đường Quốc Lộ 13, khu vực phía Bắc thời Pháp thuộc, hàng rào được trồng bằng hoa giấy, các mặt còn lại có hàng rào bằng trụ bê tông, dây kẽm gai. Khu vực phía Nam Quốc Lộ 13 bốn mặt là hàng rào làm bằng cột bê tông, dây kẽm gai.

Bên trong hành lang bệnh viện. Ảnh: Hoàng Phú.

Về nghệ thuật, đây là một công trình kiến trúc dân dụng được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc nhà mái vòm, chống chọi được với khí hậu nhiệt đới của khu vực miền Đông Nam Bộ. Nhờ hệ thống mái vòm, mùa mưa dễ thoát nước và giữ nhiệt làm cho không gian ấm áp, mùa nắng mát mẻ vì đã có hệ thống mái bê tông sỏi dày 5cm cách nhiệt, mái hiên vòm uốn lượn có chiều rộng 1,8m, có tác dụng tránh ánh nắng và tránh mưa hắt khi có giông lốc. Hệ thống cửa sổ bố trí hợp lý, tạo được không gian thoáng mát.

Theo lời ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Phước, năm 1907 sau khi trồng thử nghiệm thành công cây cao su tại Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, người Pháp bắt đầu mở rộng trồng cao su tại Lộc Ninh bằng cách thành lập công ty cao su Xét - Xô, và mộ phu từ khắp nơi vào làm. Nhiều Công ty cao su được thành lập sau đó.

Để tạo dựng cơ sở cho chính sách khai thác thuộc địa lâu dài, đảm bảo điều kiện sinh sống, phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí, tôn giáo, tâm linh, khám chữa bệnh cho tư bản Pháp, tay sai và cả phu cao su.

Nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: nhà thờ, kho bãi, nhà máy chế biến mủ cao su, sân vận động, bệnh viện, văn phòng làm việc, chợ, đường sắt, nơi ở cho phu cao su…

Đến những năm thập niên 30, thế kỷ 19, tại Lộc Ninh đã có 10 ngôi làng được đánh số thứ tự từ 1-10, làm nơi ở cho phu cao su.

Cũng từ đây, mâu thuẫn giữa giới chủ đồn điền và phu cao su ngày càng gay gắt do họ phải sống trong cảnh lầm than cơ cực, đói khát, bệnh tật, bị đối xử tệ…

Rất nhiều cuộc đấu tranh, đình công của phu cao su đã nổ ra để đòi quyền lợi, trong đó có quyền được chăm sóc y tế…

Nhằm “hạ nhiệt” những mâu thuẫn, người Pháp đã cho xây dựng bệnh viện lấy tên là “Hopital de Loc Ninh” lại làng 5 (ấp 5B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh ngày nay), để chăm sóc sức khỏe cho phu, đồng thời, cũng là nơi khám chữa bệnh cho chủ đồn điền, tay sai, phu cao su và một bộ phận nhân dân thuộc các đồn điền chúng quản lý.

Bệnh viện được người dân trong vùng gọi là Nhà thương làng 5, Bệnh viện Cinp gen hay Bệnh viện Lộc Tấn.

Công trình xuống cấp ngày càng trầm trọng

Năm 1972, huyện Lộc Ninh được giải phóng, chính quyền tiếp quản đổi và tên là Bệnh viện Lộc Ninh, đưa vào sử dụng theo mô hình quân - dân y kết hợp, là điểm cứu thương, khám chữa bệnh cho lực lượng vũ trang, kiều bào Campuchia về lánh nạn diệt chủng Pôn Pốt trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Bên trong, giữa 2 dãy bệnh viện là cỏ mọc hoang. Ảnh: Phúc Lập.

Năm 2008, Bệnh viện Lộc Ninh được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng tại một địa điểm khác. Công trình bệnh viện cũ trở thành di tích lịch sử.

Cũng từ đó, cảnh hoang phế bao trùm khuôn viên. Các mái vòm, cột trụ hành lang với kết cấu bê tông, cốt thép bắt đầu bong chóc từng mảng, trơ lõi sắt rỉ sét, nhiều cánh cửa không còn...

Người dân tận dụng đất khuôn viên để canh tác làm phá vỡ cảnh quan công trình. Tháng 5/2012, UBND tỉnh Bình Phước công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Bệnh viện Lộc Ninh - Công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và bắt đầu cho trùng tu, tôn tạo.

Đem câu chuyện về công trình bệnh viện hỏi đại tá Võ Tấn Phương, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cảnh vệ 180, đơn vị bảo vệ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, Lộc Ninh, ông trầm ngâm: “Đây là công trình rất có giá trị lịch sử, tiếc là hiện nay công tác duy tu, bảo tồn chưa được chú trọng, nên xuống cấp nặng. Nếu không có kế hoạch bảo vệ, một ngày không xa nữa, công trình sẽ hư hỏng nặng hơn”.

Một phần công trình nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Phú.

Theo đại tá Phương, bệnh viện Lộc Ninh từng là nơi cứu chữa cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ ở khắp khu vực miền Đông thời kháng chiến chống Mỹ.

Xét về mặt thời gian thì đây là công trình có chiều dài lịch sử gần 1 thế kỷ, là công trình không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có cả giá trị khoa học nghệ thuật.

Về lịch sử, đây là một trong những công trình đánh dấu quá trình khai thác thuộc địa mà thực dân Pháp xây dựng còn tồn tại trên vùng đất miền Đông Nam Bộ.

Một công trình xây dựng vào thời gian mà các cuộc đấu tranh đòi quyền lời của giai cấp công nhân mà cụ thể là công nhân cao su ở các đồn điền trong đó có đồn điền cao su Lộc Ninh – Phú Riềng diễn ra rất quyết liệt khi tổ chức tiền phong của giai cấp công nhân – Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ( 03/02/1930).

Một công trình y tế có quy mô lớn, được xây dựng kiên cố, có giá trị nghệ thuật tiêu biểu trên vùng đất Bình Phước.

Mặc dù vậy, nhiều góc công trình vẫn còn kiên cố, chắc chắn. Ảnh: Hoàng Phú.

Đại tá Võ Tấn Phương (tay phải), người hiểu rất sâu về công trình bệnh viện cổ thời Pháp, trò chuyện cùng phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hoàng Phú.

Sau khi Lộc Ninh được giải phóng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ (7/4/1972), nơi đây trở thành Thủ phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là điểm tập kết mọi nguồn lực cho chiến trường miền Nam.

Nơi đóng chân của Căn cứ Quân ủy và Bộ Chỉ huy các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Công trình được chính quyền cách mạng tiếp quản, làm bệnh viện quân dân y kết hợp; trở thành trung tâm khám, chữa bệnh cho rất nhiều chiến sĩ, thương bệnh binh bao gồm cả lực lượng vũ trang địa phương và các sư đoàn chủ lực như: Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5…và nhân dân trong vùng cho đến năm 1976.

“Bệnh viện Lộc Ninh là quần thể kiến trúc cổ thời Pháp được giao cho UBND huyện Lộc Ninh quản lý, hằng năm có xin nguồn kinh phí của Trung ương và UBND tỉnh để tôn tạo. Di tích là công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao. Chưa kể di tích nằm ngay trên QL13, rất thuận tiện trong việc tham quan, phát triển du lịch, nên trước mắt UBND huyện Lộc Ninh đã lên kế hoạch để trùng tu”, ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước.

Phúc Lập - Hoàng Phú

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mai-nay-con-ai-nho-nha-thuong-lang-5-d263679.html