Mai một nghề rèn thủ công truyền thống

Nghề rèn thủ công ở ấp Thống Nhất (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) là một trong những nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn lao động nông nghiệp, gắn liền với công cuộc khai phá, mở mang vùng đất phương nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề rèn thủ công ở nơi này ngày càng mai một...

Thị trấn Ngan Dừa hiện chỉ còn lò rèn của ông Năm hoạt động xuyên suốt.

Nghề cha truyền con nối

Ông Nguyễn Văn Năm năm nay 65 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn miệt mài với việc sản xuất các loại nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lớn lên trong một gia đình có cha và ông nội đều từng là những thợ rèn giỏi, ngay từ khi còn nhỏ, ông Năm đã tiếp xúc với hơi nóng của lò lửa, tiếng đục, tiếng mài. Chia sẻ về nghề, ông Năm cho biết: “Trước đây nghề rèn ở đây làm ăn rất khá bởi tất cả vật dụng từ sinh hoạt tới làm ruộng đều cần thợ rèn. Mỗi ngày một lò rèn... bỏ túi trên 1 triệu đồng là chuyện rất dễ dàng. Nay nông cụ sản xuất phần lớn đã làm bằng máy móc nên rất tinh xảo, giá cả lại cạnh tranh nên nghề rèn thủ công thu hẹp dần. Giờ đây, mỗi lò rèn ở đây kiếm được 200.000 đồng/ngày đã là “hên”. Làm nghề này vừa cực, vừa nóng nực, nặng nhọc, vất vả. Suốt ngày ngồi một chỗ với cây búa, bếp lửa mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên không còn thu hút thanh niên...”.

Ông Năm có 4 người con, nhưng chỉ có anh Nguyễn Văn Hiếu (47 tuổi) nối nghiệp cha. Được hỏi nghề rèn đã thoái trào, sao anh không chọn một nghề khác? Anh Hiếu cười, nói: “Dù sao đây cũng là nghề truyền thống ba đời do cha ông truyền lại. Tuy có cực, vất vả nhưng chính nó đã nuôi sống nhiều thế hệ gia đình chúng tôi. Với tôi, nghề rèn chẳng thể mang lại một cuộc sống sung túc, song hơi ấm bếp lửa trở thành động lực để tôi bám trụ với nghề”.

Qua thời vang bóng

Lò rèn của ông Phạm Văn Phố cũng đã tồn tại ba đời, nhưng có nguy cơ sắp phải đóng cửa. Hơn 1 năm nay, khách đến đặt hàng, trui rèn dao ngày càng thưa dần. Ông Phố chạnh lòng nói: “Tôi theo nghề này từ năm 17 tuổi. Từ nhỏ đến lớn chỉ biết có mỗi cái nghề gõ chan chát này. Ruộng nương, vườn tược không có, cả nhà 5 người gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đều trông vào nghề rèn. Giờ công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, chắc tôi phải đóng cửa để tìm kế sinh nhai khác”.

Ông Nguyễn Phi Vũ - 54 tuổi, chủ lò rèn Tư Vũ - trầm ngâm nhìn ra bến sông đón các con đang đi rèn dạo trở về sau 5 ngày lênh đênh trên sông nước. Trước tình cảnh ngày càng ế ẩm, ông Vũ đóng chiếc phà nhỏ đi rèn dạo theo các tuyến sông, nhờ vậy lò rèn của ông mới duy trì được hoạt động đến nay. “Cơ ngơi” của ông Vũ vỏn vẻn chỉ hơn 3 mét vuông, nhưng có đầy đủ các loại máy hàn, tiện, lò khè. Tất cả đã cũ kỹ theo thời gian giống như vẻ khắc khổ của ông Vũ... “Đa phần thợ rèn ở đây đều theo nghề cha truyền con nối. Nhưng hiện nay đứng trước nguy cơ mai một, e rằng mai này không còn ai theo đuổi nghề này nữa. Có lẽ không lâu nữa, thợ rèn, lò rèn chỉ còn là những hoài niệm...” - ông Vũ buồn bã nói.

HOÀNG TÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/trang-dbscl/mai-mot-nghe-ren-thu-cong-truyen-thong-567294.ldo