Mai một làng mộc Quảng Cư?

Làng mộc Quảng Cư (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) từng có một thời vàng son khi mang lại cuộc sống no ấm cho người dân. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, làng mộc này đang đứng trước nguy cơ mai một do nguồn nguyên liệu, nhu cầu sử dụng đồ gỗ của người dân giảm dần.

Một thời vàng son

Làng mộc Quảng Cư nằm bên ngã ba sông Kiến Giang (thuộc tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy). Thợ mộc Quảng Cư ngày xưa nổi tiếng khắp nơi vì làm tốt, làm đẹp mọi sản phẩm, như: tủ đứng, tủ chè, giường, bàn ghế, sập (rương)... Đặc biệt, thợ mộc Quảng Cư gần như "độc quyền" việc làm đình, chùa, nhà rường tinh xảo thời đó.

Làng mộc Quảng Cư nằm bên ngã ba sông Kiến Giang.

Làng mộc Quảng Cư nằm bên ngã ba sông Kiến Giang.

Ông Nguyễn Văn Ngụy (86 tuổi), một thợ mộc của làng Quảng Cư kể: "Trong chiến tranh, bom đạn của quân thù đã phá hủy nhà cửa, làng mạc, cầu cống... khiến nhiều người dân phải tản cư. Trong khó khăn đó, những người thợ mộc Quảng Cư vẫn quyết tâm bám làng, bám nghề để duy trì sản xuất, phục vụ đời sống của người dân, xây dựng lại nhà cửa cho bà con".

Trong những thập niên 60 của thế kỷ trước, khi phong trào hợp tác xã phát triển mạnh, làng Quảng Cư được thành lập một tổ mộc, rèn với nhiều nghề khác nhau, như: nghề cưa xẻ gỗ, chế biến gỗ, làm các nông cụ phục vụ sản xuất cho làng và các vùng lân cận. Đặc biệt, nghề mộc của làng đóng góp thêm trong việc xây dựng lại cầu cống, trường học, bệnh viện… phục vụ cho bà con.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, trong làng xuất hiện thêm nhiều xưởng mộc. Các mặt hàng mộc ngày càng có chất lượng bền, chắc, đẹp, mẫu mã phong phú đa dạng hơn. Các nghệ nhân làng mộc Quảng Cư còn góp công sức tô đẹp thêm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy. Trải qua mấy đời làm mộc, các thế hệ con cháu làng Quảng Cư nối tiếp nhau cần cù sáng tạo, xây dựng nên nghề mộc truyền thống vàng son.

Níu giữ nghề

Một thời vàng son là thế, nhưng giờ đây, làng mộc Quảng Cư đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Nguyễn Văn Hoàn, 71 tuổi là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc Quảng Cư chia sẻ: “Trước đây, nghề mộc ở làng tôi rất nổi tiếng, cả làng có trên 50 xưởng mộc, mỗi xưởng có từ 10 đến 20 người. Đoàn thợ của chúng tôi cũng như các đoàn khác đi khắp vùng Lệ Thủy để dựng nhà rường, làm các sản phẩm nội thất, như: tủ, giường, bàn ghế… cho người dân. Nhưng giờ đây, cả làng chỉ còn khoảng 15 hộ làm mộc, nhưng chỉ có 5 hộ có xưởng với khoảng 30 thợ chính, hoạt động cầm chừng”.

Nghề mộc Quảng Cư đang gặp nhiều khó khăn và giảm dần các xưởng là do địa phương nằm ở vùng trũng, hàng năm phải đối diện với nhiều trận lũ lớn. Nếu dùng đồ gỗ nặng thì khó di chuyển, lau chùi, dễ hư hỏng mỗi khi bị ngập nước. Mặt khác, nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên khan hiếm và giá rất cao, gỗ nhập khẩu cũng có giá đắt đỏ. Còn gỗ rừng trồng thì ít được người dân ưa chuộng vì chịu mối mọt, chống nước kém do chưa qua xử lý.

Một cơ sở sản xuất mộc ở làng Quảng Cư vẫn đang hoạt động nhưng thiếu nguồn nguyên liệu, đơn đặt hàng cũng giảm dần.

Xu thế hiện nay, đa số người dân làm nhà xây nên nhu cầu về gỗ cũng đang giảm dần. Đặc biệt, các sản phẩm đồ nhựa, nhôm kính, gỗ ép và nhiều sản phẩm thay thế khác cùng các mặt hàng gia dụng từ nơi khác nhập về với giá rẻ khiến các sản phẩm mộc của Quảng Cư khó cạnh tranh. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến cho làng nghề dần bị co cụm lại. Thế hệ trẻ trong làng cũng ít người mặn mà với nghề nên người làm mộc cũng dần ít đi…

Trước nguy cơ làng nghề truyền thống có hàng trăm năm đang dần bị mai một, nhiều thợ mộc Quảng Cư đang cố níu giữ nghề khi đầu tư mua trang thiết bị máy móc, nguyên liệu, tuyển thêm thợ để tiếp tục duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương.

Ông Mai Văn Tiến, một thợ mộc ở tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang trăn trở: “Để duy trì nghề mộc, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, gọi thêm 4 thợ về làm cùng. Tuy nhiên, ngày công của thợ thấp, đơn đặt hàng dần ít nên anh em thợ cũng không mấy mặn mà. Chưa biết về lâu dài, xưởng mộc của tôi có còn duy trì được nữa hay không!”.

Sản phẩm mộc của người thợ làng Quảng Cư có nét đẹp, độ tinh xảo riêng.

Hiện làng Quảng Cư vẫn còn khá nhiều người cao tuổi đam mê và muốn níu giữ nghề mộc. Vì vậy, họ vẫn cố gắng làm ra những sản phẩm mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ đẹp mắt, phong phú, đa dạng và mang dấu ấn riêng của người thợ mộc Quảng Cư.

Ông Mai Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang cho biết: “Để làng nghề mộc Quảng Cư phát triển thịnh vượng như xưa thì rất khó. Bởi muốn phát triển cần phải có quỹ đất để thành lập hợp tác sản xuất tập trung. Tuy nhiên, quỹ đất của địa phương đang ngày càng hạn hẹp, nhu cầu sử dụng đồ gỗ của người dân cũng đang giảm dần. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn động viên bà con cố gắng tận dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu để sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, lưu giữ “hồn cốt” của nghề cha ông để lại”.

Xuân Vương

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/mai-mot-lang-moc-quang-cu-2188624/