Mãi mãi một tình yêu Hà Nội

Ngày 7/10, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13, do báo Thể thao Văn hóa tổ chức. Mùa giải năm nay, Hội đồng Giám khảo quyết định hướng tới những nhân tố 'trẻ' hơn, nhưng đã có nhiều cống hiến cho Thủ đô yêu dấu.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Đại diện Ban tổ chức giải cho biết, Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 là sự hội tụ và cộng hưởng của những tấm lòng “vì tình yêu Hà Nội” rộng khắp. Có những gương mặt gần gũi, thân quen, đã trở thành biểu tượng bao nhiêu năm nay về Hà Nội. Lại có cả những gương mặt mới mẻ, xuất hiện hết sức bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Cụ thể ở giải thưởng lớn năm nay đã vinh danh nhạc sĩ Phú Quang. Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, không chỉ trong sáng tác, cuộc đời nhạc sĩ Phú Quang là một minh chứng cho thấy tình yêu Hà Nội “đau đáu”.

Có lẽ, bước ngoặt lớn nhất để một nhạc công, một nhạc sĩ phối khí trở thành một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp chính là khi Phú Quang “hành trình phương Nam” để rồi cứ quay quắt nỗi nhớ Hà Nội.

Cái nỗi nhớ ấy đã làm “tươi non” trở lại những câu thơ Phan Vũ qua ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Phú Quang viết như mê và cũng làm người Hà Nội say đắm anh đến cùng cực. Những giai điệu tạo dựng nên một “nét văn hóa” Phú Quang không lẫn vào đâu.

Phú Quang có thể “tả xung hữu đột” trong lãnh địa ca khúc, nhạc phim, nhạc giao hưởng để đóng đinh tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nỗi nhớ Hà Nội vẫn là nguồn năng lượng vô tận của anh trong hành trình khẳng định vị thế của mình trở thành “công dân ưu tú” của Hà Nội.

Cũng tại buổi lễ, Giải tác phẩm đã được trao Marko Nikolic, chàng trai trẻ sinh năm 1987 được tôn vinh với tiểu thuyết Phố nhà thờ. Nằm trong số những tác phẩm viết về chủ đề Hà Nội, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, Phố nhà thờ đơn giản chỉ là cuốn cẩm nang du lịch hay nhật ký ăn chơi của một ông khách nước ngoài. Nhưng không, thông qua một câu chuyện tình yêu, Marko Nikolic đã soi chiếu những va chạm Đông Tây, biểu đạt “cái chất” Hà Nội riêng không ở đâu có.

Lấy Hà Nội làm bối cảnh cho toàn bộ tiểu thuyết, Marko Nikolic đã tái hiện một Hà Nội rất đẹp, rất đời. Ở đó, đọc giả giật mình khi thấy được bản ngã, ngỡ ngàng trước những chiêm nghiệm mới, biết thưởng thức hơn, tự hào hơn về một thành phố qua ngàn năm tuổi.

Một số tác giả nhận Giải thưởng. Ảnh: Thanh Tùng.

Ở hạng mục Giải việc làm năm nay có 2 giải được trao. Đó là Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân do UBND quận Hoàn Kiếm triển khai với sự đồng hành của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, và được các nghệ sĩ thực hiện - một dự án đã biến một khu vực vốn là nơi tập kết rác của người dân địa phương thành con đường nghệ thuật.

Con đường ấy không chỉ được “làm đẹp” bằng cách trang trí thông thường, hay toát lên thông điệp bảo vệ môi trường từ việc sử dụng các vật liệu tái chế, mà trên hết đó là một tập hợp các tác phẩm nghệ thuật công cộng có giá trị nghệ thuật rất cao, bộc lộ sức sáng tạo dồi dào của một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp, giàu tình yêu đối với Hà Nội, trong đó có 2 họa sĩ nước ngoài. Đấy là một con đường hiển bày lịch sử, văn hóa sông Hồng bằng những tác phẩm vừa hiện đại, vừa gần gũi.

Giải thưởng Việc làm cũng được cho nhóm nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong cho các làng xã ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành cả nước. Nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm nhiều tác giả, họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng một số doanh nhân, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.

Đều đặn, trong 5 năm kể từ 2015 đến nay, họ vẫn lần lượt tìm kiếm và dâng tặng lại khoảng 150 đạo sắc phong cho các địa phương, trong đó có trên 80 đạo sắc phong cho các đình, đền... tại Hà Nội.

Và Giải thưởng đã được trao cho Ý tưởng thiết kế và xây dựng cột mốc Km0 tại Hồ Gươm, một mong mỏi của giới chuyên môn và những người yêu Hà Nội từ hàng chục năm qua.

Cuộc thi do UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến sư Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra trong hơn 1 tháng và đã chọn được các giải Nhất, Nhì, Ba cùng 2 giải Khuyến khích.

Trong khuôn khổ của Lễ trao giải đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Bùi Xuân Phái - Trăm năm một tình yêu Hà Nội” của Trần Chính Nghĩa, giới thiệu gần 30 bức ảnh chân dung danh họa. Cũng trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra Triển lãm tranh của Bùi Xuân Phái và 2 thế hệ “vẽ Phái”, trưng bày một số bức ký họa của Bùi Xuân Phái do “người học trò” Văn Dương Thành sưu tập, tuyển chọn, giới thiệu.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mai-mai-mot-tinh-yeu-ha-noi-509697.html