Mãi mãi là người bạn láng giềng tốt của nhau

Đến với Vương quốc Cam-pu-chia - đất nước tươi đẹp và giàu lòng mến khách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được đón tiếp hết sức trọng thị, thắm tình hữu nghị, láng giềng, gần gũi và thân thiết. Thành công của chuyến thăm mở ra một giai đoạn phát triển mới cho hai nước, tin cậy lẫn nhau, hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu và ngày càng bền vững lâu dài, vì sự phồn vinh của mỗi nước.

Từ sân bay quốc tế Phnôm Pênh, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được đón, tháp tùng về Hoàng cung trong tiếng nhạc ngân vang và rợp mầu cờ của hai nước. Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni đã chờ trước Chính điện Hoàng cung, ra tận xe, đón chào và mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên bục danh dự, tiến hành lễ đón chính thức. Trong nền nhạc hùng tráng, rộn ràng, mang âm hưởng dân ca của đất nước chùa tháp, Quốc vương và người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đi duyệt đội danh dự, giới thiệu cho nhau các thành viên dự lễ đón. Quanh khuôn viên Hoàng cung, từ những cây xanh, hàng đàn chim vỗ cánh như hòa theo nhịp điệu của tiếng nhạc, bay vào bầu trời trong xanh, tất cả tạo nên một quang cảnh trang nghiêm mà rất tự nhiên với bầu không khí trong lành giữa lòng thủ đô Phnôm Pênh.

Chuyến thăm Cam-pu-chia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni khẳng định chuyến thăm là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử, thể hiện sinh động tình cảm, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, mở ra một giai đoạn phát triển mới của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Cam-pu-chia. Nhân dân Việt Nam là người bạn vĩ đại và tin cậy của nhân dân Cam-pu-chia; nhân dân Cam-pu-chia mãi là người bạn láng giềng tốt, luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam.

Trong những cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Cam-pu-chia, qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, từng trang sử quan hệ giữa hai nước được lật mở, nhắc đến nhiều hơn, để khẳng định rằng, có những lúc hết sức khó khăn, nhưng nhân dân hai nước đã vượt qua, thì ngày nay, dù hoàn cảnh có đổi thay như thế nào, Việt Nam, Cam-pu-chia vẫn luôn tin cậy lẫn nhau, sát cánh cùng nhau để xây dựng mỗi nước phát triển phồn vinh.

Chuyến thăm Cam-pu-chia lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đúng dịp vừa kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng tập đoàn phản động Pôn Pốt (7-1-1979 - 7-1-2019). Dù trong sự kiện hoạt động nào của Đoàn, khi nhắc lại những ngày đau thương dưới chế độ diệt chủng ấy, cả hai bên đều thấu hiểu nỗi đau “nồi da nấu thịt” và xích lại gần nhau hơn. Trước thảm họa diệt chủng, đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Việt Nam đã giúp đất nước anh em đập tan chế độ tàn bạo này. Hàng nghìn quân tình nguyện Việt Nam hy sinh vì cuộc chiến ấy. Tại lễ mít-tinh kỷ niệm trọng thể 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Thủ tướng Hun Xen nhấn mạnh, chiến thắng 7-1-1979 đạt được chính là nhờ sự kết hợp chặt chẽ hai sức mạnh, đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Cam-pu-chia dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cam-pu-chia và sự giúp đỡ to lớn kịp thời của quân tình nguyện Việt Nam. Trong một dịp khác, Thủ tướng Hun Xen cũng khẳng định, không có sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam thì Cam-pu-chia không có ngày nay, dứt khoát là như thế. Ngày 23-2 vừa qua, ngay trước thềm chuyến thăm lịch sử này, Cam-pu-chia đã phối hợp Cơ quan Tùy viên quốc phòng Việt Nam và tỉnh Cra-ti tổ chức khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia tại địa phương. Đây là tượng đài thứ 14 trong tổng số 17 tượng đài được triển khai trùng tu, tôn tạo và xây mới tại Cam-pu-chia, để ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ của cả hai dân tộc đã hy sinh vì đất nước Cam-pu-chia.

Vậy là trong những cuộc chiến tranh vệ quốc của hai dân tộc, Việt Nam và Cam-pu-chia đều có “duyên nợ”, sâu nặng nghĩa tình với nhau, cùng chiến đấu, hy sinh xương máu, để chiến thắng kẻ thù chung, cùng kề vai sát cánh bảo vệ thành quả của cách mạng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong đáp từ tại Quốc yến của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, lịch sử đã gắn kết hai nước, mối quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, tài sản chung vô giá của hai dân tộc; truyền thống tốt đẹp đó cũng đặt ra yêu cầu hai nước phải cùng nhau vượt qua mọi thử thách, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng phát triển lên những tầm cao mới, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước; đó vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, vừa là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra với các thế hệ mai sau của hai nước.

Hơn 40 năm thoát khỏi thảm họa diệt chủng cũng là hơn 40 năm đất nước có 90% số dân là đồng bào Khmer này hồi sinh và không ngừng phát triển. Mức tăng trưởng kinh tế của Cam-pu-chia đạt hơn 7%/năm liên tục trong nhiều năm gần đây. Cơ cấu kinh tế đang chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 200 USD năm 2000 lên 1.563 USD năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 53,5% năm 2004 xuống 10% năm 2018.

Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia có những bước phát triển quan trọng cả chiều sâu lẫn chiều rộng, trở thành nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài. Đến nay, Việt Nam có 210 dự án đầu tư ở Cam-pu-chia với tổng số vốn đăng ký khoảng 3,033 tỷ USD, là một trong năm nước đầu tư lớn nhất vào nước này. Cam-pu-chia có 19 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 63,42 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 4,68 tỷ USD, tăng hơn 23,76% so với năm 2017. Về hợp tác giáo dục, từ năm 1995, Việt Nam giúp bạn đào tạo hàng nghìn học sinh, sinh viên trong hầu hết các ngành kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, y tế,… Hai nước cũng đã ký và thực hiện nhiều thỏa thuận phát triển giao thông vận tải, góp phần mở rộng giao thương. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe buýt chạy từ Việt Nam đi Cam-pu-chia và ngược lại trên các tuyến đường TP Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh, Cần Thơ - Phnôm Pênh, An Giang - Phnôm Pênh; rồi các tuyến hàng không Hà Nội - Xiêm Riệp, Hà Nội - Phnôm Pênh - TP Hồ Chí Minh và ngược lại…

Ông Lêng Rít-thy, Chủ tịch Hiệp hội đá Gra-nít Cam-pu-chia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cam-pu-chia, sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Tập đoàn Metfone (Công ty Viettel Cambodia, thuộc Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội Việt Nam Viettel) được Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đánh giá cao. Tập đoàn đã giúp Cam-pu-chia phát triển hệ thống viễn thông không kém quốc gia nào trong khu vực. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đã làm thay đổi nhiều vùng nông thôn của Cam-pu-chia, như các huyện khó khăn ở các tỉnh Kam-pong Thom và Cra-ti nhận được nhiều dịch vụ và cải thiện kết cấu hạ tầng nhờ các dự án trồng cao-su. Doanh nghiệp của chúng tôi đã học tập được nhiều điều ở các doanh nghiệp Việt Nam, từ định hướng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh đến các chế độ chính sách đối với người lao động - ông Lêng Rít-thy bộc bạch.

Hiện thực hóa chủ trương hợp tác toàn diện mà hai bên đã thảo luận thống nhất cao, ngay sau cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Hun Xen với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là lễ ký các văn bản hợp tác giữa hai Chính phủ về nhiều lĩnh vực, như vận tải đường bộ, đường thủy, xây dựng nhà làm việc của Ban Thư ký và các Ủy ban của Quốc hội Cam-pu-chia, thúc đẩy thương mại song phương, phát triển du lịch, mở rộng đường bay mới kết nối các điểm du lịch giữa hai nước,...

Kết thúc chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Phnôm Pênh trong không khí đưa tiễn đầy lưu luyến. Chúng tôi nhớ lại câu nói của Quốc vương Nô-nô-đôm Xi-ha-mô-ni: Mãi mãi chúng ta là những người bạn láng giềng tốt của nhau.

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân

BẮC VĂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39328402-mai-mai-la-nguoi-ban-lang-gieng-tot-cua-nhau.html