Mai Linh ra mắt xe ôm công nghệ: Khó thắng Uber, Grab?

Chuyên gia trong lĩnh vực vận tải không tin rằng xe ôm công nghệ của Mai Linh có thể cạnh tranh được với GrabBike và UberMoto.

Dự kiến, từ ngày 20/11, hãng taxi Mai Linh sẽ ra mắt đội xe ôm Mai Linh Bike hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Trước đó, để chuẩn bị cho sự ra mắt này, Mai Linh đã triển khai thử nghiệm dịch vụ Mai Linh Bike hơn một tháng và khách hàng thử nghiệm là nội bộ cán bộ nhân viên của công ty.

Trong thông cáo phát đi về dịch vụ này, Mai Linh cho rằng, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống, trong đó có Mai Linh, đang bị các hãng taxi công nghệ gây khó khăn trong một sân chơi không bình đẳng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ chấp nhận một sự lép vế và sự ra đời của Mai Linh Bike là một ví dụ.

Cũng như GrabBike và UberMoto, khách hàng sử dụng xe ôm của Mai Linh sẽ biết được các thông tin về lái xe như họ tên, hình ảnh, biến số xe và số điện thoại.

Nhiều tài xế Mai Linh chạy thử nghiệm xe ôm công nghệ. Ảnh: Tuổi trẻ

Trên website của Mai Linh Group, bên cạnh hướng dẫn cài đặt ứng dụng đặt xe Mai Linh Bike còn có thông báo tuyển dụng tài xế xe ôm (mà Mai Linh gọi là đối tác) với lời mời chào khá hấp dẫn như: thu nhập ổn định, chủ động về thời gian với mức phí dịch vụ chỉ 15% (miễn phí dịch vụ đến ngày 19/1/2018) và số tiền nộp lần đầu để duy trì tài khoản chỉ 100.000 đồng. Đặc biệt, 5.000 đối tác đầu tiên đăng ký sẽ được tặng áo thun, mũ bảo hiểm.

Trao đổi với PV, nhân viên hỗ trợ khách hàng của Mai Linh cho biết, khách hàng có thể cài đặt ứng dụng gọi xe Mai Linh Bike trên hai hệ Android và iOs. Mức cước phí được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo.

Trong khi đó, bàn về dịch vụ mới của hãng taxi Mai Linh, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội không tin rằng Mai Linh Bike có thể cạnh tranh được với GrabBike và UberMoto dù mức giá cước giữa các dịch vụ này ngang ngửa nhau.

"Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp vận tải mở ra các dịch vụ mới để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, mục tiêu mà Mai Linh đưa ra là để cạnh tranh với Uber, Grab. Về vấn đề này, thực ra Uber, Grab không cạnh tranh gì cả, họ tiến hành xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh vào thị trường Việt Nam được người dân và khách hàng ủng hộ.

Nếu đặt ra mục tiêu là cạnh tranh thì tôi không đồng tình mà phải là nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách.

Lĩnh vực kinh doanh truyền thống của Mai Linh là taxi, vậy tại sao họ không cạnh tranh với Uber, Grab trong đúng chuyên ngành của họ mà lại chuyển sang cạnh tranh về xe ôm? Đó là điều lạ.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất ô tô với một doanh nghiệp sản xuất máy bay mà cạnh tranh với nhau thì hoàn toàn không nằm trong quy chuẩn của cạnh tranh thị trường bởi đó là hai ngành nghề khác nhau. Tại sao Uber, Grab không vào Việt Nam cạnh tranh đầu tư bất động sản như Mai Linh?

Xưa nay, kinh doanh xe ôm không ai cấm quản, sao Mai Linh không làm từ trước mà đến bây giờ thấy Uber, Grab làm thì họ lại mở?

Chưa kể, việc thử nghiệm Mai Linh Bike do các nhân viên và tài xế công ty thực hiện, điều đó khác nào "vạch áo cho người xem lưng". Nhiều tài xế taxi Mai Linh thời gian qua bỏ ra ngoài chạy Uber, Grab nên giờ Mai Linh giữ lại lái xe, nhân viên của mình bằng cách chuyển họ sang làm xe ôm công nghệ? ", ông Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.

Từ đây, ông cho rằng, Mai Linh cần làm là tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng, dịch vụ taxi cũng như nâng cấp ứng dụng công nghệ để cạnh tranh với Uber và Grab hơn là mở thêm dịch vụ xe ôm bởi như vậy cũng chưa chắc đã thắng được.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/mai-linh-ra-mat-xe-om-cong-nghe-kho-thang-uber-grab-3347362/