Mãi là tấm gương mực thước

Nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (Năm Phiêu) qua đời, Đại tá, cựu chiến binh, Lương Văn Thượng (Ba Vũ) nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 không kìm nén được sự xúc động. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, dù đã 90 tuổi, nhưng những kỷ niệm một thời về đồng chí Năm Phiêu vẫn vẹn nguyên, nóng hổi, dần hiện về...

Năm 1978, để tăng cường lãnh đạo, chỉ huy cho LLVT Quân khu 9, Quân ủy Trung ương quyết định cùng với việc thành lập Bộ tư lệnh Tiền phương, trong đó có tiền phương các cơ quan quân khu. Đối với tiền phương Cục Chính trị Quân khu 9 lúc bấy giờ có khoảng 60 đồng chí, do đồng chí Lê Khả Phiêu làm Bí thư Đảng ủy Cục. Tháng 7-1981, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ tư lệnh 719 (Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) và giao đồng chí Lê Khả Phiêu làm Phó tư lệnh về chính trị. Lúc bấy giờ ông Ba Vũ là cán bộ của Đoàn 978 làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng cho bạn để cùng sát cánh với Quân tình nguyện Việt Nam. Đây cũng là thời điểm ông Ba Vũ có dịp gặp gỡ, làm việc nhiều hơn với đồng chí Lê Khả Phiêu trên chiến trường Campuchia.

 Đại tá, Cựu chiến binh Lương Văn Thượng (Ba Vũ), nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 kể chuyện về đồng chí Lê Khả Phiêu.

Đại tá, Cựu chiến binh Lương Văn Thượng (Ba Vũ), nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 kể chuyện về đồng chí Lê Khả Phiêu.

Tuy thời gian gắn bó không lâu, nhưng có rất nhiều điều mà ông Ba Vũ học được từ đồng chí Năm Phiêu. “Mỗi lần gặp gỡ, trao đổi đồng chí Năm Phiêu khi đó vẫn thường nhắc nhở: Trong mỗi trận chiến, người cán bộ chính trị không chỉ đơn thuần là động viên bộ đội mà cần phải vận dụng tư tưởng, đường lối quân sự phù hợp ở từng hình thức chiến thuật. Ví dụ như tư tưởng tiến công trong phòng ngự, người chiến sĩ không thụ động giữ vững trận địa mà còn phải sẵn sàng tiến công khi có thời cơ... Đồng thời, quân sự phải gắn với chính trị, bởi chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh quân đội. Chính trị không chỉ là đường lối, chính sách của Đảng mà còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu của bộ đội trên chiến trường. Đây là cái hay đầu tiên mà tôi học được từ đồng chí ấy”-Ông Ba Vũ nói.

Một điều nữa mà ông Ba Vũ học được ở đồng chí Năm Phiêu đó là tác phong công tác sâu sát, gần gũi với cấp dưới. Trong các lần đến đơn vị, đồng chí Năm Phiêu luôn trực tiếp kiểm tra nơi ăn ở của bộ đội trước tiên, rồi dành thời gian trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng từng cán bộ, chiến sĩ. Tuy nghiêm khắc nhưng luôn hiểu và tin yêu cấp dưới. Đồng chí Năm Phiêu luôn sẵn sàng đón nhận, lắng nghe cả những ý kiến “nghịch nhĩ”, thậm chí là ngỗ ngược của cán bộ thuộc quyền, bởi ông hiểu rõ đức tính và năng lực của từng người. Hay như cách sống của ông rất giản dị, ăn mặc gọn gàng, mỗi lần đi công tác thì luôn mang cơm theo chứ không ghé hàng quán. Trong công việc, ông luôn là người chủ động, tác phong làm việc khoa học, làm gì cũng có chương trình, kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như trong các cuộc họp, ông luôn tự mình chuẩn bị bài phát biểu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đều gắn với thực tiễn nhiệm vụ của từng cá nhân, tập thể, định hướng rõ ràng. Vì vậy, mỗi lời của ông luôn được cấp dưới nể phục và học tập noi gương.

Khi ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Năm Phiêu vẫn không quên ghé thăm những cán bộ dưới quyền một thời, trong đó có cả những đồng chí đã rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường. “Tôi cho rằng, tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là những mực thước mà các thế hệ cán bộ hiện nay và mai sau cần phải thường xuyên học tập, noi theo”-Ông Ba Vũ tâm huyết chia sẻ.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mai-la-tam-guong-muc-thuoc-631692