Mãi khắc ghi lời Bác dạy

Cách đây tròn 60 năm, ngày 7-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường Cán bộ Hậu cần, tiền thân của Học viện Hậu cần (HVHC) ngày nay. Những tình cảm sâu nặng, những lời căn dặn của Bác luôn là nguồn động lực to lớn để thầy và trò nhà trường phấn đấu vươn lên, vượt mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo tài liệu lưu trữ của nhà trường và các đồng chí cán bộ, học viên có may mắn được gặp Bác, kể lại: Sáng chủ nhật, ngày 7-9-1958, sau khi thăm cán bộ, nhân dân xã Gia Thượng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), Bác Hồ đến thăm Trường Cán bộ Hậu cần (từ tháng 10-1958, đổi tên thành Trường Sĩ quan Hậu cần). Là ngày nghỉ, Bác lại không cho báo trước, nên cán bộ, học viên khá bất ngờ. Khi được gặp Bác, ai cũng phấn khởi, rất xúc động. Bác giản dị trong bộ quần áo nâu đã bạc màu, chiếc áo len cũ khoác ngoài và đôi dép cao su. Bác đi lối tắt vào thăm trường từ cổng phía sau; cán bộ, học viên chạy ùa ra đón Bác.

Dáng đi nhanh nhẹn, Bác vào thẳng khu nhà nghỉ của học viên. Thấy ba lô, sách vở, chăn màn… sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, chính quy, Bác hài lòng và tỏ ý khen ngợi. Tiếp đó, Bác đi thăm nhà ăn của bộ đội. Trong nhà ăn, một số đồng chí vừa đi lao động về, đang ăn cơm. Một đồng chí vội đứng lên, nghiêm trang mời Bác. Bác vỗ vai, cho phép ngồi xuống và ân cần hỏi: “Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?”. “Dạ thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ”. Nhìn bát nước chấm với những lát ớt đỏ tươi, Bác hỏi: “Ớt các chú có trồng được không, hay phải đi mua?”. “Thưa Bác, ớt chúng cháu trồng được ạ”. Bác căn dặn: “Đúng, phải trồng ớt, trồng rau thơm để bữa ăn thêm ngon miệng, các chú ăn khỏe hơn nữa để có sức khỏe phục vụ quân đội”.

 Lễ báo công dâng Bác và gắn Huy hiệu Bác Hồ cho học viên tốt nghiệp, trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Học viện Hậu cần. Ảnh: THANH TUYỀN.

Lễ báo công dâng Bác và gắn Huy hiệu Bác Hồ cho học viên tốt nghiệp, trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Học viện Hậu cần. Ảnh: THANH TUYỀN.

Tiếp đó, Bác vào thăm nhà bếp, rồi ra khu chăn nuôi. Nhìn đàn lợn trong chuồng, Bác hỏi: “Các chú nuôi được bao nhiêu con lợn, trồng được bao nhiêu rau?”. Một đồng chí cán bộ thưa với Bác: “Thưa Bác, chúng cháu nuôi được hơn 100 con lợn, còn rau thì nhiều lắm, đủ ăn cho toàn đơn vị ạ”. Bác nghe xong, liền nói: “Như thế chưa đủ, các chú còn phải nuôi nhiều hơn nữa, không được tự mãn. Xung quanh các chú còn có các đơn vị bạn, các chú tăng gia được, nếu quý thì đem biếu, đem cho, cũng có thể đem bán”.

Lời Bác căn dặn thật gần gũi. Mọi người đứng vây quanh Bác như nuốt lấy từng lời. Nói về tăng gia sản xuất, chăn nuôi, Bác dặn mọi người trong lao động phải tiết kiệm, phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ; chứ không làm nhanh hóa chậm, làm nhiều hóa ít, rẻ thành đắt, tốt thành xấu… Nói xong, Bác nhìn cán bộ, học viên một lượt, rồi hỏi: “Bác nói thế, các chú có đồng ý không?”. Mọi người đồng thanh hô vang: “Đồng ý ạ!”.

Được biết, trong ngành hậu cần khi đó có người chưa thật yên tâm với nhiệm vụ, Bác động viên và căn dặn: “Trường các chú là Trường Hậu cần. Trước đây các chú cho hậu cần là không có tiền đồ, khó được huân chương, chỉchiến đấu mới có được huân chương, như thế là không đúng. Các chú phải đoàn kết hơn nữa, tiết kiệm và chịu khó học tập, tăng gia”.

Sau khi thăm nhà ở, bếp ăn tập thể, khu tăng gia, chăn nuôi, Bác dừng lại ở sân trường thân mật nói chuyện với cán bộ, học viên, nhân viên. Bác khen ngợi những cố gắng của nhà trường trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn vẫn thực hiện tốt nền nếp chính quy, ổn định và cải thiện đời sống. Bác căn dặn mọi người phải nắm vững, thực hiện tốt nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội; phải đoàn kết hơn nữa; học tập phải kết hợp nhuần nhuyễn với thực hành, chú trọng tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bác khẳng định, hậu cần là công việc rất quan trọng, rất tự hào, những người làm nhiệm vụ lái xe, cấp dưỡng… đều có tiền đồ nếu làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác căn dặn thầy và trò nhà trường: “Vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo cán bộ hậu cần”.

Thầy và trò nhà trường chia tay Bác trong niềm xúc động, niềm vui khôn xiết; ai cũng muốn giữ mãi hình ảnh của Bác. Những lời căn dặn của Bác vừa mộc mạc, giản dị, vừa dễ hiểu, dễ nhớ. Hình ảnh của Bác, những lời dạy bảo cụ thể, ân cần của Người, mãi là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ nhà trường trong quá trình giảng dạy, học tập và công tác.

Sau ngày Bác đến thăm, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường phát động Phong trào “Thi đua làm theo lời Bác”, động viên mọi người hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt, công tác tốt, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị; xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nhà trường cách mạng, chính quy; gắn nhà trường với chiến trường, hướng về đơn vị, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần và ngành hậu cần quân đội từng bước phát triển vững chắc. Cũng từ đó, hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường (7-9), cấp ủy, chỉ huy các cấp từ học viện đến các cơ quan, đơn vị đều tổ chức giáo dục, tuyên truyền để mọi sĩ quan, học viên, nhân viên, chiến sĩ trẻ được quán triệt, khắc sâu lời Bác căn dặn, khi Người đến thăm trường.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà trường, nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2011) và kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống HVHC (15-6-1951 / 15-6-2011), HVHC phối hợp với Thành ủy, UBND TP Hà Nội, cấp ủy, chính quyền quận Long Biên và phường Ngọc Thụy, tổ chức gắn bia lưu niệm sự kiện Bác Hồ đến thăm nhà trường. Trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống HVHC (15-6-1951 / 15-6-2016), với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên nhà trường đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo khuôn viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bia lưu niệm sự kiện Bác đến thăm nhà trường, để nơi đây mãi là "địa chỉ đỏ" giáo dục lịch sử, truyền thống có ý nghĩa sâu sắc đối với các thế hệ thầy và trò HVHC.

Khắc ghi lời Bác, những năm qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Phong trào Thi đua Quyết thắng…, Đảng ủy, Ban Giám đốc HVHC có nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường giáo dục, động viên cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ và sinh viên nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, dạy tốt, học tốt, công tác tốt, xứng đáng với sự quan tâm và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm nhà trường. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, các chiến sĩ thi đua và thủ khoa xuất sắc của các khóa học viên ra trường… được biểu dương, khen thưởng trong lễ báo công, sinh hoạt chính trị trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên nhà trường.

Tròn 60 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, những tình cảm sâu nặng và những lời căn dặn của Bác đối với nhà trường vẫn luôn là nguồn động lực to lớn để các tập thể, cá nhân và toàn trường phấn đấu vươn lên, vượt mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngược dòng lịch sử, một niềm vinh dự, tự hào nữa với nhà trường, ngày 15-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên của quân đội. Mở đầu thư, Người căn dặn: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp có đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội, thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Ngày 15-6 đã trở thành Ngày truyền thống của HVHC.

Từ lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên, đến nay HVHC đã trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính có uy tín của quân đội và đất nước, với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị tốt, trình độ năng lực cao, có cơ sở vật chất tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính của toàn quân, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm nhà trường: “Vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo cán bộ hậu cần”.

Trung tướng PGS, TS ĐẶNG NAM ĐIỀN, Nguyên Chính ủy Học viện Hậu cần

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/mai-khac-ghi-loi-bac-day-548173