Mai hoa… nan !

Hiện nay, nhiều chủ vườn mai ở xã Nhơn An và Nhơn Phong, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) đang lo sốt vó vì khó tìm lao động lặt lá mai. Trong khi đó, khoảng từ cuối tháng 11 đến 15 tháng Chạp (âm lịch) là thời điểm chính vụ lặt lá mai.

Người lao động lặt lá mai tại "thủ phủ" mai Nhơn An.

Những ngày này, nhiều chủ vườn mai ở "thủ phủ" mai vàng xã Nhơn An vừa vất vả chăm sóc cây, vừa chạy đôn chạy đáo tìm lao động lặt lá mai. Không chỉ tìm nguồn lao động tại chỗ, nhiều chủ vườn còn sang các địa phương lân cận như xã Phước Hưng (H. Tuy Phước), P. Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) thuê nhân công, nhưng "cung" vẫn không đáp ứng "cầu". Sở dĩ có tình trạng này là do đợt lũ cuối tháng 12-2018 vừa qua, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2018- 2019 tại nhiều địa phương bị hư hại, người dân tập trung vào việc gieo sạ lại nên không thể làm "nghề tay trái" là lặt lá mai.

Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ vườn mai ở thôn Háo Đức (xã Nhơn An), cho biết: "Gia đình tôi có hơn 7.000 chậu mai cảnh các loại, hiện cần khoảng 15 lao động lặt lá tốc hành từ mồng 4 đến mồng 10 tháng Chạp âm lịch để hoa nở đúng dịp Tết. Nhưng tìm mãi mới thuê được 6 người ở xã Phước Hưng, trả công mỗi người 160 ngàn đồng/ngày, tăng 50.000 đồng/ngày so với thời điểm bình thường. Người lặt lá mai cần nhanh nhẹn, nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận để không làm hư cành, nụ. Do vậy, tìm được người làm ưng ý rất khó".

Còn theo ông Tạ Hồng Sinh, chủ vườn mai ở thôn Trung Định (xã Nhơn An), nhà ông có hơn 5.000 chậu cúc mai (mỗi bông có khoảng 40 cánh), loại này từ mồng 8 tháng Chạp âm lịch trở đi mới bắt đầu lặt lá. Ông đang hối hả tìm nhân công nhưng chưa có nên khá lo lắng bởi nếu lặt lá không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng tới ngày mai nở. "Hầu như năm nào thời điểm cuối tháng 11 đến đầu tháng Chạp âm lịch cũng khó tìm lao động lặt lá mai; phải trả tiền công cao hơn ngày thường nhưng chưa chắc có người làm. Đặc biệt, năm nay ruộng đồng bị hư hại do lũ lụt nên người lặt lá mai càng khan hiếm", ông Sinh bộc bạch.

Ông Chế Anh Huy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nhơn An cho biết, trên địa bàn xã có hơn 97 ha đất trồng mai, với gần 765 ngàn chậu mai các loại. Vào mùa lặt lá, các làng mai tại xã thu hút hàng ngàn lao động tại chỗ và từ các địa phương khác. Mai kiểng có nhiều chủng loại nên thời gian lặt lá cũng khác nhau; ngoài ra, thời gian lặt lá còn tùy thuộc vào thị trường bán mai (miền Bắc, miền Nam, Tây Nguyên).

Do đặc tính này nên nếu không lặt lá mai đúng lúc sẽ ảnh hưởng đến thời điểm nở và chất lượng hoa. Việc khan hiếm lao động lặt lá mai khiến nhiều chủ vườn lo lắng, phải đến các địa phương khác thuê mướn nhân công và trả tiền cao hơn ngày thường. Tuy nhiên, lượng lao động chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các vườn mai.

Không riêng xã Nhơn An, hiện nay, nhiều chủ vườn mai ở xã Nhơn Phong cũng đang thấp thỏm trước tình trạng thiếu lao động lặt lá mai. Theo ông Trần Đức Thắng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phong, toàn xã có gần 100 ngàn chậu mai các loại. Hiện đang vào chính vụ lặt lá mai nên các chủ vườn rất cần người làm. Nhưng năm nay việc thuê nhân công khó khăn hơn rất nhiều; một số chủ vườn phải sang tận các xã ở H. Phù Cát thuê lao động.

Ông Phan Long Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho hay, nghề lặt lá mai giúp nhiều bà con nông dân có thêm thu nhập, trang trải và mua sắm dịp cuối năm. Năm nay, do tình trạng khan hiếm lao động nên tiền công lặt lá mai mỗi ngày cũng cao hơn. Dù cao nhưng các chủ vườn vẫn chấp nhận, miễn sao có người lặt lá đúng thời điểm để mai nở đúng dịp Tết. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, đây là cơ sở để mai vàng ở xã Nhơn An nói riêng, thị xã An Nhơn nói chung được mùa, được giá; giúp người trồng mai tăng thu nhập, có cái Tết vui vầy, sung túc. Nhưng việc khan hiếm lao động lặt lá là sự thật nan giải cho người trồng mai.

D.MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_201139_mai-hoa-nan-.aspx