Mai Hắc Đế (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương V 'MAI HẮC ĐẾ'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã xây dựng tượng đài, quảng trường Mai Hắc Đế tại Khu du lịch biển Cửa Sót (huyện Lộc Hà), đồng thời xây dựng đền thờ Mai Hắc Đế tại xã Mai Phụ (huyện Lộc, Hà) - quê gốc của mẹ vua Mai Hắc Đế..

III-KỲ5

Mai Thúc Loan nói tiếp:

-Quý vị tướng quân đã làm quen với nhau. Về đây tụ nghĩa, một lòng vì nghĩa lớn thì chúng ta coi nhau như một nhà, như huynh đệ, vào sinh ra tử có nhau. Còn nữa, đây là sự nghiệp cứu nước, cứu dân, trên mỗi bước đi đều gặp hiểm nguy, hy sinh gian khó, cho nên chúng ta phải có ý chí kiên cường sắt đá, không đầu hàng trước khó khăn nguy hiểm và quân thù.

Mai thúc Loan ngừng lại uống ngụm trà rồi nói tiếp:

-Về lực lượng hiện nay về tụ nghĩa đã có 5 vạn quân, 5 vạn quân của Chân lạp, 5 vạn quân của Lâm Ấp. Tổng cộng có khoảng 15 vạn quân. Đó là một lực lượng lớn. Chúng ta đã giải phóng và làm chủ Diễn Châu, Hoan Châu và Phúc Lộc châu. Chúng ta sẽ được 5 ngày bắt đầu từ ngày mai các tướng quân phải chuẩn bị để chúng ta tiến quân ra Bắc, trước mắt là giải phóng Ái Châu và toàn bộ An Nam đô hộ phủ.

Tướng quân Phòng Hậu nói:

-Bẩm chúa công, tiến quân ra giải phóng miền Bắc là công việc cực kỳ trọng đại và khó khăn. Mạt tướng nghĩ việc đầu tiên mà chúng ta phải giải quyết là chúng ta đi chinh chiến thì phải ra lệnh cho tướng sĩ và bách tính. Muốn ra được mệnh lệnh thì danh phải chính thì ngôn mới thuận. Để lấy danh nghĩa và uy quyền ra mệnh lệnh cho tướng sĩ, hiệu triệu bách tính, thi hành quân kỷ trị nước thì phải có vua và đế. Cho nên vì lợi ích của dân, của nước, vì sự thắng lợi của công cuộc giải phóng, tại hạ thiết nghĩ chúa công phải lên ngôi hoàng đế để lấy hiệu lệnh điều hành việc quân và thiên hạ.

Phòng Hậu dứt lời, Thôi Thặng nói tiếp:

-Tướng quân Phòng hậu nói chí phải. Bẩm chúa công, chúng ta về đây tụ nghĩa là để thực hiện chiến tranh giải phóng đất nước, rồi thắng lợi thì phải trị nước, kinh bang tế thế. Muốn làm chiến tranh và kinh bang tế thế thì phải thực hành pháp lệnh. Muốn vậy phải có hoàng đế ban hành và điều hành pháp lệnh để quân đội và bách tính thực thi. Mong chúa công suy xét.

Thôi Thặng dứt lời thì tất cả đều đồng thanh nói:

-Mong chúa công quyết định công việc hệ trọng này.

Mai Thúc Loan nói:

-Tại hạ muốn giải phóng xong đất nước rồi hãy xưng đế cũng chưa muộn. Nhưng các tướng quân nói cũng phải, việc xưng đế có thể làm trước để lấy danh nghĩa hiệu triệu tướng sĩ và bách tính.

Mọi người đều đồng thanh:

-Chúng thần chúc mừng hoàng thượng, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế...

Do sự tôn phò của các anh hùng hào kiệt và các tướng sĩ, do nhu cầu điều hành cuộc chiến tranh giải phóng, ngày hôm sau, 15 tháng tư năm 713, Mai thúc Loan lập đàn tế trời đất, thánh thần, tổ tiên Lạc Hồng và lên ngôi hoàng đế trước tướng lĩnh và ba quân ở thành Vạn An, tuyên bố đế hiệu là Mai Hắc Đế, lấy Vạn An là Kinh đô. Sắc phong Đinh Ngọc Tô làm hoàng hậu, Phạm Thị Uyển làm cung phi, Mai Thị Câu làm Ngọc Chân công chúa, Mai Bảo Sơn làm thái tử, Mai Kỳ Sơn, Mai Thúc Huy làm hoàng tử.Tuyên bố xóa bỏ tất cả những sưu thuế, lao dịch, cống nộp phi lý nặng nề của Nhà Đường ở An Nam Đô hộ phủ, xóa bỏ những chính sách phân biệt đối xử mọi hạng người trong xã hội, đặc biệt giữa người Hán và người Việt, xóa bỏ chính sách đồng hóa văn hóa. Triều đình Vạn An tuyên bố giải phóng toàn bộ đất nước trong nay mai.

Việc Mai Thúc Loan lên ngôi hoàng đế, tuyên bố xóa bỏ những chính sách tàn bạo về kinh tế, văn hóa, xã hội của giặc Đường đã làm toàn dân An Nam nức lòng phấn khởi vui mừng. Hào kiệt anh hùng trai tráng trong toàn cõi kéo về tụ nghĩa ngày càng đông.

Một ngày sau lễ đăng quang, Mai Hắc Đế thiết triều chính ở gian đại điện giữa thành Vạn An. Mai Hắc Đế mặc áo chiến trận màu vàng, áo giáp đồng cũng màu vàng, đội vương miện vàng. Ngồi hai bên hàng ghế tả, hữu là những tướng lĩnh hôm trước. Nhưng hôm nay khi lên thiết triều họ phải cúi mình, chắp tay hành lễ:

-Chúng thần chúc mừng hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế,vạn vạn tuế.

Mai Hắc Đế nói:

-Ta miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

Các tướng lĩnh an tọa. Ngồi đầu tiên ở ghế đầu gần Mai Hắc đế là hoàng hậu Đinh Ngọc Tô. Bà áo màu vàng, giáp đồng màu vàng, cài trâm vàng trên mái tóc búi cao.Ngồi bên trái hoàng đế là cung phi Phạm Thị Uyển. Nàng cũng trong bộ áo vàng, giáp đồng vàng rực rỡ như tiên giáng thế, lại như một võ tướng oai phong. Việc Phạm Thị Uyển được phong cung phi không phải là điều bất ngờ. Việc này đã được Mai Hắc Đế và Đinh Ngọc Tô trao đổi bàn bạc với các tướng lĩnh và đặc biệt với Phùng Hạp Khanh, ông bác và thay mặt gia đình cung phi. Đó còn là do nghi lễ cần thiết của một cung đình phải có. Nhưng điều quan trọng là Phạm Thị Uyển dù mới gặp nhưng đã có cảm tình tốt đẹp với vị anh hùng Mai Thúc Loan tiếng tăm lừng lẫy, một lòng hy sinh vì nước, vì bách tính. Cho nên tình cảm và trái tim của nàng cũng đồng nhịp với tình cảm và trái tim Mai Hắc Đế trong cuộc hôn nhân này. Khi mọi người đã an tọa, Mai Hắc Đế nói:

-Nay ta vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng bách tính mà lên ngôi hoàng đế để gánh lấy trách nhiệm nặng nề. Nhưng việc nước là việc chung của các quần thần. Nay ta gia phong chức vụ cho các tướng lĩnh để cùng ta gánh vác trách nhiệm nặng nề này. Thái sư Phòng Hậu hãy tuyên đọc chiếu chỉ sắc phong.

Phòng Hậu đứng dậy:

-Thần tuân chỉ.

- Phụng Thiên thừa vận hoàng đế chiếu viết:

-Nay sắc phong Phòng Hậu chức Thái sư, Tổng quản các công việc triều chính, phong Tiết Anh làm Thị lang đại thần, phụ trách công việc bang giao với ngoại quốc mà trước mắt là với Lâm Ấp và Chân Lạp, phụ trách văn thư, chiếu thư, bố cáo của triều đình xuống cho các quan và bách tính trong nước, phong Thôi Thặng làm Đại tướng, Tả tiên phong, phong Đàn Vân Du làm Đại tướng, Hữu tiên phong, Phong Mao Hoành làm Đại tướng, Tả trung quân, phong Phạm Thị Uyển làm Đại tướng, Hữu trung quân, phong Tùng Thụ làm Đại tướng, Tổng trấn Ái Châu, phong Khổng Qua làm Đại tướng, Tổng trấn Hoan Châu, Phong Mai Bảo Sơn làm Đại tướng,Tống trấn Tống Bình, Giao Châu, phong Cam Hề làm Đại tướng, Tổng trấn Luy Lâu, Phong Bộ Tân làm Đại tướng, Tổng trấn Lục Châu, phong Phùng Hạp Khanh làm Đại tướng, Tổng trấn Phong Châu, phong Mai Thúc Huy làm Đại tướng, Tổng trấn Diễn Châu, phong Phạm Miễn Đại tướng, Tổng trấn Trường Châu, phong Ngọc Chân công chúa Mai Thị Câu làm Đại tướng, Tổng trấn Hồng Châu, phong Mai Kỳ Sơn làm Đại tướng, phó Tổng trấn Hồng Châu, Phong Hoắc Đan làm làm Đại tướng, Tổng trấn Phúc Lộc Châu, Phong Đinh Ngọc Tô làm Đại tướng, phụ trách Nội cung và quân lương, phong Tham Ninh làm Đại tướng cùng Đại Tướng Tùng Thụ giải phóng Ái Châu, phong Phạm Huy làm đại tướng, Tổng trấn Vạn An, Phong Chu Hưng làm Đại tướng, cùng Mai Bảo Sơn tiến đánh Tống Bình.

Các đại thần đứng dậy chắp tay:

-Chúng thần tạ ơn hoàng thượng. Hoàng thượng vạn vạn tuế...

-Miễn lễ.

Tạ ơn Hoàng thượng.

-Sáng ngày mai giờ Dần, toàn quân xuất phát tấn công giải phóng Ái Châu và miền Bắc. Bãi triều.

CVL

PGS - TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mai-hac-de-ky-5-74350