Mại dâm - Không thể xóa nhưng không nên hình sự hóa

Bà Khuất Thu Hồng: Tôi mong là hoạt động mại dâm được tiếp cận theo hướng phi hình sự hóa...không bị coi là tội hình sự và có những quy định pháp luật.

Mới đây, trong một hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm,vấn đề hình sự hóa hay phi hình sự hóa mại dâm, có nên coi mại dâm là một nghề vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Quan điểm nhất quán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn khẳng định mại dâm không được coi là một nghề ít nhất đến năm 2020.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội về vấn đề này.

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội

PV: Trong một hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm, câu hỏi quen thuộc tiếp tục được đặt ra là “có nên coi mại dâm là một nghề hay không?” Vậy theo bà “nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm”?

Bà Khuất Thu Hồng: Để trả lời nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Nếu xét về góc độ quyền con người và quản lý mại dâm một cách hiệu quả hơn, tôi nghĩ rằng coi mại dâm là một công việc và quản lý nó ở khu vực nhất định và làm việc đó một cách hiệu quả thì sẽ giảm được rất nhiều những hệ lụy xã hội.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể quản lý mại dâm một cách hiệu quả hay không, ngay cả khi chúng ta coi đấy là một công việc, đấy là một dịch vụ. Liệu chúng ta có thể thực thi luật pháp một cách nghiêm minh hay không? Liệu chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ những nhóm lợi ích mà lợi dụng mại dâm được phép tồn tại để ăn theo và kiếm lợi hay không?

Những câu hỏi này rất khó trả lời, căn cứ vào việc thực thi pháp luật của chúng ta hiện nay. Có những quy định luật pháp cho phép mại dâm tồn tại thì tôi e rằng là sẽ khó để thực thi nghiêm minh. Và lúc đó sẽ có sự lợi dụng quy định luật pháp đó để mà kiếm lợi. Vậy thì những lúc đó luật pháp không còn giá trị nữa.

PV: Như bà biết thì thực tế tại Việt Nam, mại dâm không chỉ ở các khu du lịch, mà cả ở những khu dân cư cũng rất phức tạp… Nhiều ý kiến cho là, nếu công nhận mại dâm là nghề thì rất khó, vì đã là nghề thì phải tuân theo Luật? Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ rằng gọi mại dâm là một nghề hay không thì không quan trọng, mà trong thực tế, mại dâm đang tồn tại như một công việc hay như một dịch vụ. Chúng ta đều hiểu rất rõ với nhau rằng dịch vụ đó tồn tại theo nghĩa là có người có nhu cầu thì có người cung cấp và có mạng lưới để dịch vụ đó tồn tại. Dù chúng ta có công nhận hay không thì thực tế nó đã và đang là như thế, rất nhiều năm nay rồi.

Vấn đề chúng ta gọi nó là gì không quan trọng bằng việc chúng ta ứng xử với nó như thế nào. Việc chúng ta không thừa nhận mại dâm trong nhiều năm qua, hệ lụy như thế nào chúng ta đều biết. Chúng ta cũng không biết thực tế có bao nhiêu người bán dâm, bao nhiêu người ăn theo mại dâm, từ buôn bán người, bóc lột, lợi dụng mại dâm để buôn bán ma túy, những băng nhóm tội phạm…Chúng ta không thể quản lý được, đó là thực tế.

Thực tế tại Việt Nam, mại dâm không chỉ ở các khu du lịch, mà cả ở những khu dân cư...

PV: Với thực tế như vậy thì phải chăng, chúng ta nên tiếp cận mại dâm theo hướng xây dựng các chính sách xã hội nhằm ngăn ngừa, phòng chống trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, bảo vệ và giúp đỡ người bán dâm?

Bà Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ rằng để giải quyết mại dâm hiệu quả nhất thì phải giải quyết nguồn gốc. Nguồn gốc ở đây là bất bình đẳng. Nếu xã hội tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới có cơ hội như nhau về công việc, về thu nhập, về chia sẻ tất cả các gánh nặng khác trong cuộc sống, có lẽ số phụ nữ lựa chọn đi làm mại dâm sẽ ít đi. Nhưng vấn đề là bất bình đẳng giới chúng ta chưa giải quyết được. Vẫn còn rất nhiều phụ nữ và số nhỏ nam giới không thể kiếm sống theo cách nào khác và buộc họ lựa chọn mại dâm như là phương kế để tồn tại.

PV: Thưa bà, dù áp dụng biện pháp nào, chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để giải quyết vấn đề mại dâm, các nước phải rà soát lại các điều luật, chính sách; thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; ngăn ngừa bạo lực cũng như tăng cường sức mạnh của cộng đồng. Xin hỏi ý kiến của bà về vấn đề này?

Bà Khuất Thu Hồng: Tôi được biết hiện nay Liên Hợp quốc và nhiều nước trên thế giới mong muốn tiếp cận cách gọi là phi hình sự hóa hoạt động mua bán dâm. Thế còn chứa chấp mại dâm hay kinh doanh mại dâm, bóc lột bị coi là tội hình sự.

Việc phi hình sự hóa mại dâm hoặc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với những người bán dâm, tạo điều kiện để họ không bước vào con đường mại dâm, hoặc khi họ đã làm mại dâm họ vẫn có thể bước ra, có cơ hội lựa chọn sinh kế khác. Đảm bảo nếu họ chưa thoát được mại dâm thì làm sao để họ làm công việc đó được an toàn về mặt sức khỏe, thể chất, tinh thần.

Tôi nghĩ rằng dù chúng ta chưa giải quyết vấn đề mại dâm được một cách rốt ráo thì chúng ta vẫn phải xây dựng khung pháp lý, chính sách theo hướng tiếp cận như vậy. Hợp pháp hóa mại dâm hay không hợp pháp hóa thì cái nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi còn nhiều sự thay đổi xã hội, những yếu tố văn hóa.

Chúng ta quản lý cách nào phụ thuộc vào ý chí của Quốc hội. Nếu tôi được tham gia ý kiến thì tôi mong là hoạt động mại dâm được tiếp cận theo hướng phi hình sự hóa và ít nhất như hiện nay, giữ nguyên hiện trạng là tội mua bán dâm không bị coi là tội hình sự và có những quy định luật pháp.

Nếu được nâng lên thành luật, có thể có tác động mạnh hơn, đó là những giải pháp, chính sách giúp cho ít người phải lựa chọn mại dâm làm sinh kế, những người đang làm mại dâm được an toàn.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà!

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/mai-dam-khong-the-xoa-nhung-khong-nen-hinh-su-hoa-746549.vov