Mại dâm - Hợp pháp hóa hay đặt 'ngoài vòng pháp luật'?

Mại dâm hiện vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Đa số các quốc gia đều coi việc này là bất hợp pháp và đưa ra những chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm. Trong khi đó, nhiều nước lại hợp pháp hóa ngành công nghiệp nhạy cảm này, cũng như đề ra những quy định để quản lý nhằm giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe, đời sống cũng như tăng thêm phúc lợi xã hội.

Theo trang tin Chartsbin, trên thế giới ước tính có 109 quốc gia xem gia mại dâm là bất hợp pháp, 11 quốc gia quy định hạn chế mại dâm, 77 quốc gia chấp nhận mại dâm là hợp pháp và 5 quốc gia chưa có luật về mại dâm.

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản vẫn coi mại dâm là bất hợp pháp. Đạo luật phòng chống mại dâm năm 1956 đã nghiêm cấm các hành vi mua bán dâm. Điều 3 của Đạo luật phòng chống mại dâm năm 1956 quy định: “Không ai được phép bán dâm hoặc trở thành khách mua dâm”, nhưng không xác định hình phạt cụ thể với các vi phạm. Thay vào đó, luật quy định các hành vi bị cấm và hình phạt liên quan như: lôi kéo vì mục đích mại dâm, chăn dắt một người để người này bán dâm, ép buộc bán dâm, nhận bồi thường từ việc bán dâm, xui khiến người khác trở thành gái điếm bằng cách trả tiền trước, cung cấp tiền bạc, nơi chốn, trang bị đồ đạc phục vụ mại dâm…

Trung Quốc

Trung Quốc đẩy mạnh truy quét mại dâm

Trung Quốc đẩy mạnh truy quét mại dâm

Luật Trung Quốc rất rõ ràng: mại dâm là bất hợp pháp; nhưng vẫn có rất nhiều người hành nghề bán dâm tại đây. Giới chức trách Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động truy quét để ngăn chặn mại dâm. Theo Luật pháp Trung Quốc, gái mại dâm bị bắt sẽ phải vào trại cải tạo lao động. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng như ép buộc người khác tham gia hoạt động mại dâm có thể phải chịu hình phạt tới 10 năm tù. Khách hàng mua dâm người chưa thành niên có thể chịu phạt tới 15 năm tù và 20 năm nếu tái phạm.

Thái Lan

Gái mại dâm đang mời chào khách tại Thái Lan

Tại Thái Lan, một quốc gia ở Đông Nam Á vốn nổi tiếng với “ngành công nghiệp không khói” (du lịch sex) mại dâm cũng bị coi là hoạt động bất hợp pháp cho dù đây là điểm đến của các khách du lịch “hám của lạ” từ khắp nơi trên toàn thế giới.

Đạo Luật phòng chống mại dâm năm 1960 quy định cấm các hành vi mua bán dâm. Mua bán dâm sẽ bị phạt 1 tháng tù và/hoặc 1.000 baht (khoảng 40 USD), mua dâm trẻ em có thể bị tù 6 năm, còn chủ chứa sẽ bị phạt tù 3-15 năm. Mua dâm vị thành niên dưới 18 tuổi bị phạt 4-20 năm tù và phạt tiền 80.000 - 100.000 baht. Năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan đã từng đề xuất thảo luận về việc hợp pháp hóa mại dâm. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của dư luận và những lo ngại về hệ lụy xã hội nên đề xuất bị bãi bỏ.

Mỹ

Tiểu bang Nevada là nơi duy nhất ở Mỹ hợp pháp hóa mại dâm

Ở Mỹ, mua bán dâm là bất hợp pháp, trừ ở Nevada - nơi nhà chứa được cấp giấy phép ở một số khu vực trong bang này.Theo phần lớn các điều luật thì mua bán dâm hay tham gia vào mua bán dâm ở Mỹ đều bị xem là có hành vi phạm tội. Luật của Mỹ trừng phạt việc thỏa mãn, trao đổi hay quảng bá mua bán dâm bằng hình thức phạt hoặc án tù khá nặng.

Canada

Mại dâm là ngành giải trí hợp pháp nhưng từ năm 2014, việc mua dâm đã bị coi là bất hợp pháp tại Canada. Người mua dâm sẽ phải đối mặt với mức phạt tối thiểu 500 USD và đến 5 năm tù. Chính phủ nước này đang nỗ lực thay đổi quan điểm của xã hội về gái mại dâm như nạn nhân của người mua thay vì kẻ dụ dỗ.

Na Uy, Thụy Điển

Thụy Điển chỉ xử phạt người mua dâm, trong khi người bán dâm không bị pháp luật “sờ gáy”

Ở Na Uy và Thụy Điển, mại dâm bị coi là nghề bất hợp pháp. Tuy nhiên, chỉ có đối tượng trả tiền mua dâm mới bị pháp luật xử lý còn người bán dâm không bị xử phạt gì.

Những công dân Na Uy bị bắt gặp mua dâm tại nhà hay ở nước ngoài đều phải đối mặt với một khoản tiền phạt lớn hoặc ngồi tù 6 tháng. Nếu mua dâm trẻ em sẽ có thể phải ngồi tù đến 3 năm. Các nhà chức trách ở Na Uy cho biết họ muốn dẹp bỏ tình trạng du lịch mua dâm và bán dâm trên đường phố bằng việc nhắm đến những "khách hàng", tức những người mua dâm, hơn là những người bán dâm.

Cảnh sát ở Na Uy thậm chí được sử dụng các thiết bị nghe trộm để thu thập bằng chứng cho các hành vi mua bán dâm. Những đối tượng được liệt vào danh sách thường xuyên hành nghề mại dâm ở Na Uy sẽ được tiếp cận giáo dục và điều trị y tế miễn phí, đặc biệt là những người có vấn đề với rượu hoặc thuốc phiện.

Việc tổ chức các ổ chứa mại dâm hay chăn dắt mại dâm đều bất hợp pháp. Điều luật cấm hành vi mua dâm chính thức có hiệu lực ở Na Uy từ ngày 1-1-2009.

Hà Lan

Quang cảnh phố đèn đỏ tại Amsterdam, Hà Lan

Hà Lan hợp pháp hóa mại dâm từ giữa những năm 1800 nhưng phải tới những năm 1980 thì nghề mại dâm mới được công nhận là một nghề hợp pháp.

Các quy định cấm nhà chứa và ma cô được xóa bỏ hồi tháng 10-2000 và nay ngành này hoạt động theo luật lao động. Người bán dâm đăng ký, các hội đồng thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy phép và tiến hành thanh tra nhằm bảo đảm điều kiện làm việc đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Mặc dù thuê người bán dâm đủ tuổi và đồng thuận làm việc là hợp pháp, mọi hình thức bóc lột trong lĩnh vực này bao gồm buôn bán và cưỡng bức mại dâm đều là phạm tội theo Luật hình sự của Hà Lan.

New Zealand

Mại dâm được hợp pháp hóa tại nước này từ năm 2003. Các nhà chứa tại đây thậm chí có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy đảm bảo an toàn sức khỏe và quỹ bảo hiểm lương hưu cho các cô gái. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng bình đẳng như bất cứ nghề nghiệp nào khác trong xã hội.

Bangladesh

Một nhà chứa tại Bangladesh

Ngoại trừ mại dâm nam, mọi thứ khác đều được công nhận hợp pháp tại quốc gia này. Tuy nhiên, hệ thống quản lý lỏng lẻo đã khiến quốc gia này trở thành điểm nóng của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Australia

Tại Australia, một số bang đã hợp pháp hóa mại dâm nhưng vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ngay chính các nhà lập pháp cũng giữ các quan điểm trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, nguồn thu du lịch tại các bang đã thực hiện dự luật luôn cao hơn trong khi hiện tượng mại dâm của các bang còn lại không có thay đối đáng kể.

Áo và Thụy Sĩ

Để đảm bảo việc hợp pháp hóa mại dâm không kéo theo nhiều nguy cơ cho xã hội, chính quyền Áo và Thụy Sĩ có quy định rất chặt chẽ cho các cô gái muốn hành nghề. Ba vòng kiểm tra sức khỏe, tuổi từ 19 trở lên, cam kết đóng thuế đầy đủ… là những tiêu chuẩn rất khó đáp ứng. Bởi vậy, dịch vụ mại dâm “lậu” tại đây vẫn tồn tại.

Bỉ

Nhà chứa Bỉ

Chính quyền Bỉ đã cố gắng loại bỏ sự kỳ thị, các nguy cơ và nỗi sợ hãi liên quan đến mại dâm bằng cách hợp pháp hóa và trang trí các nhà chứa theo nhiều phong cách nghệ thuật. Ngoài ra, các cô gái tại đây cũng quét vân tay hoặc dập thẻ để đăng ký giờ làm việc như nhân viên văn phòng.

Colombia

Hành nghề mại dâm tại đây được coi như một giao dịch dân sự thông thường nhưng bất cứ hoạt động dẫn mối hay nhận tiền hoa hồng môi giới nào sẽ bị bắt giữ với tội danh lừa đảo.

Đan Mạch

Không chỉ hợp pháp hóa, chính quyền tại đây thậm chí còn quy định các mức giá khác biệt dành cho những cô gái khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn.

Pháp

Chính quyền Pháp mong muốn biến mại dâm thành một loại giao dịch dân sự cá nhân thay vì ngành nghề. Vì vậy, trừ các cô gái hành nghề, các hoạt động môi giới hay kinh doanh nhà chứa đều bị cấm.

Đức và Hy Lạp

Khu phố đèn đỏ ở Đức

Các đối tượng hành nghề mại dâm tại hai quốc gia Đức và Hy Lạp sở hữu quỹ phúc lợi xã hội, chế độ bảo vệ sức khỏe, quyền lợi và lương hưu tương tự như mọi ngành nghề khác. Đây là động thái nhằm xóa bỏ các định kiến về nghề nghiệp nhạy cảm này.

Minh Nguyệt (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/mai-dam-hop-phap-hoa-hay-dat-ngoai-vong-phap-luat/781209.antd