Mài củ dong riềng, cặp vợ chồng kiếm đều tiền tỷ

Ở Thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La, bà Đặng Thị Sinh (tiểu khu Tà Loọng) là cái tên được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ khi táo bạo chuyển đổi mô hình làm kinh tế, mở lò sản xuất dong riềng, cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

3 năm mày mò làm quen

Những ngày cuối năm 2017, gia đình bà Đặng Thị Sinh, người dân tộc Dao ở tiểu khu Tà Loọng, đang tất bật cho những đơn hàng dong riềng lên đến cả trăm triệu.

Ở Tà Loọng, người dân biết đến bà Sinh như một tấm gương dám làm, dám đương đầu với khó khăn và có ý chí làm giàu.

Hiện gia đình bà Sinh trồng 5 ha dong riềng, mở lò chế biến, đầu tư cả dây chuyền sản xuất; mỗi năm cho tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng. Trích một phần lợi nhuận, gia đình bà tiếp tục đầu tư 2 xe ô tô tải để làm dịch vụ vận chuyển nông sản cho bà con và đưa sản phẩm hàng hóa về Hà Nội và các tỉnh lân cận để bán.

Vợ chồng bà Đặng Thị Sinh bên những sản phẩm dong giềng

Vợ chồng bà Đặng Thị Sinh bên những sản phẩm dong giềng

Ngắm sản phẩm dong riềng mới ra lò, bà Sinh kể, để có kết quả như ngày nay, bao vất vả, gian truân bà cùng gia đình đã trải qua hết, từ thử nghiệm mô hình mới, lo đầu ra, tìm giải pháp để sản phẩm chất lượng tốt nhất,...

Bà nhớ lại, khoảng những năm 2000, vợ chồng bà quyết định đầu tư cho sản phẩm dong riềng. Hồi ấy mới phát triển nhỏ, chỉ dừng lại ở việc đi buôn bán, chở xe xuống các vùng xuôi, sau đó tính lãi sau những chuyến hàng. Giá củ dong lúc ấy chỉ 200 đồng/kg.

Làm lụng vất vả mà lợi nhuận không cao, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường và chất lượng sản phẩm nên vợ chồng bà quyết tâm thay đổi, tự mở lò chế biến dong để chủ động được nguồn hàng và cả phân phối.

“Khi chúng tôi chuyển đổi làm dong riềng, hầu hết mọi người đều phản đối và cho rằng sẽ thất bại. Họ nói làm nghề này mà không có kinh nghiệm thì sẽ chết, không có lãi. Cũng dễ hiểu, vì thời ấy điều kiện kinh tế ai cũng khó khăn, việc làm giàu từ nông sản là một điều xa vời” - bà Sinh nhớ lại.

Hai vợ chồng tỷ phú Đặng Thị Sinh khởi nghiệp từ con số không

Bỏ qua ý kiến phản đối, vợ chồng người Dao vẫn quyết tâm theo đuổi, chấp nhận rủi ro có thể xảy đến. Bà kể, thời gian đầu thật sự rất khó khăn khi hai vợ chồng thiếu vốn và kinh nghiệm. Phải mất đến 3 năm bà mới tự tin nắm được quy trình sản xuất và tạo ra sản phẩm đạt chuẩn thị trường.

Ngoài ra, một yếu tố quyết định thành công là thổ nhưỡng ở Mộc Châu rất phù hợp với phát triển mô hình sản xuất dong riềng.

“Khí hậu ở đây bốn mùa mát mẻ, cây dong phát triển rất tốt và cho năng suất khoảng 70 tấn/ha. Mỗi vụ, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 400 tấn dong riềng” - bà Sinh chia sẻ. Mỗi ngày, lò của gia đình bà có thể chế biến được 40-50 tấn nguyên liệu đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Hiện giá củ dong dao động từ 1.500-2.000 đồng/kg, còn khi thành phẩm, bột dong riềng có giá từ 12.000-21.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ việc phát triển kinh tế nhờ dong riềng đã thôi thúc nhiều bà con trong vùng chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững.

Nhiều người trong tiểu khu được gia đình bà Sinh hỗ trợ tiêu thụ dong riềng

Bà Sinh cho biết, nguồn bột dong của gia đình bà được các đại lý ở Hà Nội, Nam Định, Hà Nam,... đánh giá là nổi trội về độ tinh khiết, không bụi bẩn và không có chất bảo quản.

“Vợ chồng tôi luôn tâm niệm phải làm ra sản phẩm sạch, làm chân thật không lừa lọc. Trong quá trình phân phối, có những lô hàng thu mua bên ngoài, chúng tôi cũng nói rõ là hàng thu mua. Còn sản phẩm của gia đình thì luôn đảm bảo chất lượng, chưa nghe bất kỳ lời phàn nàn nào”, bà Sinh tâm sự.

Cả vùng làm giàu nhờ dong riềng

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Sinh cùng chồng tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân trong vùng làm giàu. Từ ngày có lò chế biến, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng củ dong, biến nơi đây thành vùng nguyên liệu rộng lớn. Bà Sinh trở thành đầu mối chính trong việc thu mua dong riềng với giá ổn định.

Anh Tuấn (ngồi giữa) được gia đình bà Sinh quan tâm thường xuyên và có mức thu nhập ổn định

Ngoài ra, bà còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Vì điều kiện làm việc tốt, lại được quan tâm đến đời sống tinh thần nên có những nhân công đã gắn bó với gia đình bà 16-17 năm.

Cô Lò Thị Dung (47 tuổi), một công nhân làm việc tại đây, chia sẻ: “Nhà tôi cách đây 140km, đời sống khó khăn. Tôi được một người cùng làng làm ở đây giới thiệu đến và xin làm công nhân. Ở đây, công việc không quá nặng nhọc, mỗi tháng tôi thu nhập 5 triệu đồng”.

Trung bình, mức lương của công nhân và kỹ thuật viên ở đây dao động từ 3-7 triệu đồng/tháng.

Anh Tuấn, người đã gắn bó với ông bà Sinh 17 năm, cho hay: “Làm ở đây tôi được đãi ngộ tốt, vợ chồng bà Sinh thường xuyên thăm hỏi, động viên, gia đình có việc ông bà đều hỗ trợ. Cuối năm vừa rồi, tôi cũng tích góp tiền để xây một căn nhà cấp 4 để có chỗ che nắng, che mưa”.

Hai vợ chồng bà Sinh nâng niu thành quả gần 20 năm gây dựng

Nhớ lại quãng thời gian hai vợ chồng lam lũ, ngược xuôi, người đàn bà người Dao trầm ngâm: “Giai đoạn đầu, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu đạt được vài trăm ngàn đến chục triệu chứ chưa bao giờ nghĩ có ngày thu nhập tiền tỷ”.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó chủ tịch HLHPN TT. Nông trường Mộc Châu, bà Đặng Thị Sinh là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, kinh doanh, để mọi người nói chung và chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng học tập.

Bà Hòa nói: “Mô hình sản xuất của gia đình chị Sinh được địa phương đánh giá rất cao. Chị còn giúp tất cả chị em trong tiểu khu vay vốn không lấy lãi, chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng phát triển, làm giàu”.

Giữa tiết trời sương mù của mùa đông Tây Bắc, vợ chồng bà Đặng Thị Sinh đứng sát cạnh nhau, nhìn ngắm những thành quả của gần 20 năm miệt mài, cần mẫn. Mặc dù kiếm được tiền tỷ mỗi năm, nhưng hai vợ chồng tỷ phú vẫn ăn mặc giản dị, gương mặt chân chất, thật thà, điềm đạm và hiếu khách.

An Phương

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/ty-phu-nguoi-dao-lam-giau-nho-san-xuat-dong-gieng-423897.html