Mài cơm trong gió bụi

Chân bị cưa đến sát mông quá đủ thê lương để lết ra phố chợ ăn vạ cuộc đời. Nhưng Cụt Lợi thà mài dao đến chết trên đường trên sá và tan tành đôi bàn tay chứ quyết không ăn mày ai.

Đá

Tôi không hiểu bằng cách nào Cụt Lợi có mặt vừa tinh mơ ở những chợ bon, chợ xóm, chợ xã, chợ huyện vùng biên thế này. Người ta bảo cái ông mài dao đã ngủ qua đêm ở đâu đó trên huyện, lấy đó làm bản doanh để từ đấy tỏa đi các chợ nghèo miền cao nguyên M’Nông.

Chỉ Cụt Lợi mới biết khoảng cách tối đa là 35 cây số từ tâm đó, vì quá 70km xe máy đi - về mỗi ngày là cơ thể không đủ sức chịu, quỵ ngay. Cụt Lợi xuất hiện mỗi xã một ngày và cứ thế theo số lượng xã trên một huyện. Nghĩa là sau một ngày anh ta sẽ biến mất khỏi một địa bàn dân cư. Cao nguyên cho dù nghèo, nhưng chỗ nào có người là chỗ đó có dao, có chợ. Thế nên có nơi phải mấy mùa khô anh ta mới quay lại. Người ta ngóng Cụt Lợi, từ những cô hàng thịt, những bà hàng cá đến những nàng có tiệm uốn tóc... Dao kéo càng hữu dụng với từng tha nhân, tổ nhà, quán chợ thì đời Cụt Lợi càng mênh mông lao lực, mênh mông cơm cháo.

Quét sạch xong dao cùn ở một xóm núi nhỏ, Cụt Lợi lại tìm cách ngồi lên xe. Lấy chân phải làm trụ, chống cái nạng ở nách trái để đứng thẳng lên dần, Lợi lê khối mông của mình bỏ lọt vào yên xe. Chỉnh sửa tư thế như vậy mất cả hai mươi phút, cùng với các thao tác cho cái giỏ xách dựng đá mài, cột kẹp cây nạng xuôi theo chiều dọc của xe, chiếc loa, thùng để đựng nước mài, và cái chai nhựa chứa nước uống...

Lời ca từ thứ nhạc boléro lại vang lên sau khi Cụt Lợi bấm bấm gì đó ở cái điện thoại di động để rót nhạc từ thẻ nhớ qua chiếc loa gắn đầu xe: “Tôi ở miền xa/ Trời quen, đất lạ/ Nhiều đông, lắm hạ/ Nối tiếp đi qua...”.

Cụt Lợi lỉnh kỉnh phương tiện và đống dao nhận mài ở các xóm quê nghèo xa lạ

Cụt Lợi đến chỗ nào, chỗ đấy người tụ lại. Một đống dao, kéo đủ loại, cũ mới từ từ rơi lẻng xẻng xuống bên phía chân cụt của kẻ mài. Cụt Lợi mài xong cái này vớ lấy cái khác mà không ngước lên nhìn khách hàng vừa vứt xuống là ai. Người không mang dao ra mài cũng tranh thủ xem. Các ngã ba, ngã tư cần lao bỗng vui tưng lên. Chỗ này thành gánh xiếc chỉ có một người, biểu diễn chỉ có một màn. Cái chân còn lại của kẻ mài dao rất nhiều lông.

Cách kiểm tra độ sắc của con dao sau khi mài của anh ta là nghiêng lưỡi dao liếc thử một vạt lông. Trên bề mặt cái chân lỏi chỏi da beo chỗ còn chỗ nhẵn. Lông mọc không kịp để phục vụ thân chủ. Kìa, Cụt Lợi đưa cái kéo vừa mài lên cắt một chỏm tóc của mình. Tóc đứt ngọt xớt, khiến cô khách hàng là chủ tiệm uốn tóc gật đầu tỏ ra vừa ý. Nhưng cục đá mới là bí quyết để làm nên thương hiệu “Cụt Lợi”. Bởi không phải đá nào cũng có thể mài dao. Anh ta đã tìm ra nó ở đâu đó trong các hang đá, ngọn núi, con suối ở cao nguyên M’Nông này. Thứ đá tuyệt chiêu đó là bửu bối của Cụt Lợi.

Thế mà, Cụt Lợi khẳng định đá không quyết định độ bén của lưỡi dao, mà chính là cái hồn của người mài. Tập trung đến cực độ với cái mảnh sắt thép mà ta gọi dao đó, lướt từ sóng lưỡi đến từng chi tiết khuyết tật nơi mạch kim loại mỏng teo, cứ nhìn Cụt Lợi mỗi lần giơ con dao lên trời để soi ắt thấy cái nghề quái lạ này là cực kỳ nghiêm túc, đặc biệt. Mỗi ngày Cụt Lợi đẩy tới đẩy lui gom lại không dưới ba ngàn cây số như thế nhưng đêm về thì mắt là bộ phận cơ thể đau nhất, mông đùi xếp hàng thứ hai. Dĩ nhiên thế rồi, khi mà thị lực bao giờ cũng dồn vào vạch mỏng nhất của mảnh thép.

Đắt hàng nhất với Cụt Lợi vẫn là các lò mổ trâu, bò, heo, gà, vịt, dê, cá, chó. Ở lò mổ nào, sau vài giờ Cụt Lợi tạt vào thì y như rằng các ông chủ, bà chủ đều đưa ngón tay cái lên khen tài mài dao siêu hạng của Cụt Lợi khi anh ta tạm biệt.

Nghiệp

Trong những ngày theo nhau khắp bon cùng xóm tận, có đêm tôi gõ cái phòng trọ gỗ tồi tàn Cụt Lợi ở để hỏi một câu: “Ngài” có thấy mài dao cho người ta mổ bò, xẻ heo, chặt xương động vật là tiếp tay sát sanh không? Cụt Lợi trầm tư: “Nếu có, thì cũng là “cái nghiệp”. Nếu mình không mài thì người ta vẫn tìm cách để mổ cho được con heo, con bò. Có mấy người ăn chay trường đâu, trên xứ sở này!”. Hỏi thì hỏi vậy thôi, vì tôi cũng biết qua chút ít về tinh thần khai minh từ bi vô lượng của Phật giáo, chứ nếu sát sanh thì người cầm cuốc, cầm cây, cầm phấn, cầm luật pháp, đặc biệt là cả cầm bút thiếu gì kẻ sát sanh bằng ngay thứ mình có trên tay; thậm chí nhiều kẻ dùng miệng không thôi cũng sát sanh, kể cả giết người, hàng loạt.

Kiếp mài dao lắm phen rơi vào nghịch cảnh kỳ cục. Có những kẻ xăm trổ đầy mình, gọi Cụt Lợi vào nhà và đưa ra một lúc ba cái mã tấu to dài cho mài. Từ chối những kẻ như thế, Cụt Lợi biết là điều nguy hiểm. Lại có lúc xử lý bảo kiếm cho một lão khác, nhiều tháng sau mới nghe nói lão là một tay bán buôn cổ vật, và thanh kiếm ngoại giả kia mài cho nó thành nham nhở, nhuốm màu chinh chiến là để nâng giá trị nó lên. Nên mỗi sớm tinh mơ, trước khi lên đường, bao giờ Cụt Lợi cũng lạy trời đất hôm nay chỉ gặp những người dùng dao chân chính, cho việc lương thiện.

Lẽ ra anh ta sống trên đời với tư cách là Lê Đức Lợi - họ tên đầy đủ, là cậu bán mì gõ chứ không phải anh chàng mài dao. Cơn mộng trở thành thị dân Sài Gòn của anh ta gãy đổ sau ba năm đi gõ mì thuê cho đồng hương Quảng Ngãi ở thành phố lớn nhất nước. Bởi ít tháng sau khi sở hữu được một chỗ đứng bán trên vỉa hè, không cạnh tranh nổi với “đồng nghiệp” cùng giới, anh ta bị đoạt lấy chỗ bán. Thế là dạt lên Tây Nguyên, xin lái xe máy cày kéo rơ-moóc thuê cho một đại lý phân bón ở vùng Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.

Cụt Lợi đến đâu, tha nhân ở đó vây đến xem

Vào một ngày giữa mùa mưa, chiếc xe cày chở phân đi giao cho nông dân của Lê Đức Lợi đứt thắng, lao xuống dốc một con đường đất đỏ bazan trơn trượt, xúc bay chiếc xe máy đi ở lòng đường phía bên kia. Một trong hai người làm thuê nghèo khổ trên xe máy mất mạng tại chỗ. Đầu chiếc xe cày cũng bẹp dí vào vách vực, kẹp dập nát một chân của anh ta. Tòa kêu năm năm tù treo cho kẻ cầm lái xe cày kéo rơ-moóc, cùng tiền bồi thường 150 triệu đồng cho nhân mạng và 50 triệu đồng lo đám tang. Tù treo vì ngộ sát.

Khi trở thành Cụt Lợi, đời Lê Đức Lợi hết đường ra. Hàng ngày lết ra chợ xã Quảng Tín phụ rửa vật dụng cho một sạp thịt heo, có hôm thấy dao chủ sạp cùn, chặt không bén, anh ta bèn mài thử giúp. Từ cú mài đó, cả chợ ai cũng khen anh ta có năng khiếu mài dao. Thế là Cụt Lợi nghĩ ra nghề mài dao thuê. Mài ra cơm. Hai năm trôi đi, Cụt Lợi vẫn dằn vặt, không dám bước ra mộ của người lương thiện mình làm chết. Chỉ đủ can đảm đến nhà người ta xin thắp nhang. Ngay cái chân Cụt Lợi, vì ngồi mài trường kỳ và chạy xe máy quá sức, nên những ngày trở trời nhức chịu không nổi, muốn được chết ngay tức thì cho rồi.

Nhưng Cụt Lợi không thể chết, vì tài sản của gia đình chỉ có 250 cây cà phê, không đủ nuôi vợ cùng hai đứa con.

Khi Cụt Lợi mở những chuyến đi mài dao dài ngày ở xa như Bình Phước, Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Đắk Glong, Tuy Đức, Buôn Ma Thuột... là tù nhân này đang vi phạm pháp luật: rời khỏi nơi cư trú khi vẫn đang trong thời hạn thi hành án tù (treo). Người của chính quyền nhiều lần tới nhà nhắc nhở điều này. Mà với Cụt Lợi bây giờ đụng chỗ nào chả phạm pháp. Ví như cái xe máy hạng bét của Tàu kia dám độ chế cả cái dàn giũa sắt gắn vào lốc máy để phục vụ việc làm thẳng dao; như chuyện chỉ có một chân mà điều khiển xe hai bánh; không có bằng lái; xe máy không cà vẹt; và... không có giấy phép hành nghề mài dao...

Tôi nhớ cái đêm mưa bão bùng, nước trút xuống quốc lộ 14 thành một kiểu lũ quét, Cụt Lợi ngồi trên xe máy lên xuống đèo để quay về chỗ trọ cách xa 30 cây số như sự thách thức cho kiếp làm người. Và tôi cũng nhớ có lần Cụt Lợi tâm sự, rằng anh ta ao ước một ngày nào đó mở được một tiệm chuyên mài dao ở địa phương đang định cư, thôn I, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tiệm sẽ được đặt tên là “Cụt Lợi Danh Mài”. Nhưng thưa hiệp sĩ mài dao tuổi 42, ngồi một chỗ thì mài được mấy con dao quanh làng? Một con dân cày nghèo bên dòng sông Trà lưu vong, với mộng rực lửa là thành công dân Sài Gòn, làm chủ một xe hủ tíu gõ trên vỉa hè mà cũng gãy tanh bành, xa vời suốt đời.

May mà còn có “cục đá”, và những con dao cùn của tha nhân trên cao nguyên M’Nông bao dung. Đời anh ta có lẽ là một bi kịch đau và đẹp, xót xa và lộng lẫy, thất lương và chân chính. Cứ thành hiệp sĩ mài dao đi, trên núi lạ này, Cụt Lợi, để đi nốt bản án làm người...

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mai-com-trong-gio-bui-15284.html