Mai Anh Tuấn - vị Tam khôi cầm quân bỏ mình giữ biên ải

Ở ven hồ Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội có con phố nhỏ dài gần một cây số tên là phố Mai Anh Tuấn. Con phố được mang tên một vị Tam khôi đầu tiên của triều Nguyễn, người có công đánh quân Thanh xâm lấn biên giới Lạng Sơn.

Ở ven hồ Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội có con phố nhỏ dài gần một cây số tên là phố Mai Anh Tuấn (ảnh: Tiến Tuấn)

Đệ nhất giáp đầu tiên của triều Nguyễn

Mai Anh Tuấn sinh năm 1815, tên chính là Mai Thế Tuấn. Quê ông ở xã Thạch Giản, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông tên tự là Lương Phu, hiệu là Chí Đường.

Tổ 8 đời nhà ông tên là Châu, vào thời Lê Trung hưng đã theo nghiệp võ tướng, được bổ làm Phụ quốc công thần, tước Toàn quận công, từ đó trở đi gia đình đều là công lao thế phiệt.

Ông cố của ông tên là Chuẩn, đỗ Tiến sĩ cập đệ niên hiệu Vĩnh Khánh, đời vua Lê Duy Phường, làm quan đến chức Binh bộ Thị lang, tước Hương lĩnh hầu. Ông nội tên Mông, làm Đồng bình chương sự (tể tướng). Cha ông là Mai Thế Trinh ẩn cư tránh quân Tây Sơn, đến thời nhà Nguyễn, năm Gia Long năm đầu (1802) ra ứng, lúc đầu được bổ chân dật sĩ, sau bổ làm Tri huyện Thanh Trì. Mẹ ông là bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào (Đống Đa, Hà Nội).

Sách Đại Nam liệt truyện, tập 4 chính biên, nhị tập, viết: “Thế Tuấn lúc nhỏ đọc sách qua một lượt là thuộc. Tuổi mới 20 đã có tiếng về văn. Năm Đinh Dậu (1837), trong kỳ thi Hương, ông được gia ân chọn đậu dự khuyết. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông 28 tuổi, đi thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (tương đương Thám hoa thời trước), lúc vào bái yết, vua cho đổi tên là Anh Tuấn, lại ban cho bài thơ để tỏ yêu dấu”.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Mai Thế Tuấn là người đỗ đệ nhất giáp đầu tiên của bản triều (tức triều Nguyễn)”. Theo gia phả dòng họ Mai, sau khi đỗ Tú tài lần thứ nhất ở trường thi Nam Định, lần sau ông vào đăng ký dự thi Hương ở Nghệ An, bài làm xuất sắc, nên ông đỗ thủ khoa Tú tài. Đến kỳ thi Hội, ông lại đỗ đầu khoa Cử nhân. Năm Quý Mão (1843), trong kỳ đình ông lại đỗ thủ khoa.

Bia Tiến sĩ ghi kết quả kỳ thi năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu trị thứ 3 (1843) tại Văn Miếu, Huế, cho thấy, tên Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh Mai Anh Tuấn xếp đầu danh sách. Xếp sau ông có Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Nguyễn Bá Nha (người Hoằng Hóa, Thanh Hóa), sau làm Tri phủ, và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân gồm có 5 người, trong đó có danh nhân Phạm Phú Thứ (1820-1880), quê Điện Bàn, Quảng Nam, sau làm quan to, trải qua rất nhiều chức vụ quan trọng như Thự Tổng đốc Hải Dương, Tổng đốc Hải An, Thượng thư bộ Lễ và bộ Hộ, Đại thần viện Cơ mật.

Bài thi của Mai Anh Tuấn khoa thi này được vua Thiệu Trị khen ngợi: “Trẫm biết bài văn của Mai Thế Tuấn hơn hẳn các bài của Tiến sĩ khoa này và nhiều khoa trước”.

Sau khi thi đỗ, Mai Anh Tuấn được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sung Nội các bí thư sở hành tẩu, chuyển làm Thị độc, rồi đổi Thị độc học sĩ sung biện công việc nội các.

Đến Tự Đức năm đầu (1848), nhân có việc thuyền tỉnh Quảng Đông nước Thanh dạt sang nước ta, vua cho quan quân cấp thuyền hộ tống người Thanh về nước, lại đem 2 vạn lạng bạc của công để sang mua hàng hóa, Mai Anh Tuấn cho rằng nhà vua mới lên ngôi, muốn ngăn cái mầm xa xỉ, dâng sớ thống thiết khuyên can.

Vua Tự Đức nhận sớ phật lòng, giao xuống cho bộ Lại luận tội, các đại thần đều liên tiếp dâng sớ xin khoan tha cho Mai Anh Tuấn. Vua bèn trách nhẹ, rồi đưa ra làm Án sát sứ ở Lạng Sơn.

Văn nhân cầm quân anh dũng

Mai Anh Tuấn ra nhận chức, mới một tháng, đã đánh được giặc ở Hữu Khánh, được vua ban chỉ khen ngợi. Nhân đó ông dâng sớ: “Xin đình việc lưu quan, bãi việc vận chuyển rèn tập thổ dõng để thư sức cho dân, và ngầm bài xích thế giặc”.

Năm 1851, quân thổ phỉ nhà Thanh Thanh do bọn Tam Đường cầm đầu lại tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên, xâm phạm xuống Lộc Bình. Mai Anh Tuấn cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đánh đuổi tới Yên Bác, giặc lùi về giữ Thiết Khê.

Lúc này ông bàn xin dừng binh để xem xét thế giặc, nhưng Nguyễn Đạt không theo, cứ đánh trống tiến lên. Mai Anh Tuấn sợ Nguyễn Đạc tiến một mình không có cứu viện, đành đem quân kế tiếp tiến theo.

Khi tiền quân đã vào nơi hiểm địa bủa vây trại giặc ở dưới núi, giặc bỏ trại lên núi. Nguyễn Đạc thúc quân tranh nhau tiến công lên. Quân giặc ở trên lăn đá ném loạn xạ như mưa, Nguyễn Đạc bị thương ở chân rồi tử trận.

Mai Anh Tuấn trong khi tiến lên, có tin báo về là tiền quân bất lợi mà Nguyễn Đạc đã chết, bộ hạ đều bảo rằng tiến lên cũng vô ích. Nhưng ông khảng khái nói rằng: “Dù Đạc chết, nhưng quân ta vẫn còn kẹt trên núi. Nếu ta không lên thì quân ta chết hết trong tay giặc”, rồi đưa quân tiến tiếp. Bại binh trong rừng rậm thấy cứu viện tới, dần dần kéo về tụ họp.

Quân giặc lúc đó rất đông, thừa thế đánh giết, quân ta không địch nổi nên vỡ chạy. Mai Anh Tuấn rút gươm đâm giặc thì bị chúng giết hại. Hôm đó là ngày mùng 6 tháng 4 năm Tự Đức thứ 8 (1855).

Tin báo về triều, vua cảm động thương xót, thân bảo thị thần vì đó thở vắn than dài chảy nước mắt, rồi truy tặng cho ông làm Hàn lâm viện Trực học sĩ, lại sai quan đến thăm hỏi người mẹ.

Vì dân được dân thờ

Triều đình cử hành tang lễ cho ông rất trọng thể và đưa thi hài ông về an táng tại nơi sinh quán là làng Hoàng Cầu. Bài văn tế do Khâm sai đại thần Nguyễn Đăng Giai đọc trong lễ an táng có đoạn: “Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡ người thân, đó là Hiếu. Ở Nội các, làm kháng sớ, xúc phạm kỵ húy, đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh, đó là Nghĩa. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn, đánh kẻ địch mạnh mà không sợ, đó là Dũng. Ôi! Vùng biên có biến động, giặc cường bạo kiêu căng, một mình cầm quân đánh giặc để giúp bạn, đem cái chết để báo đền Tổ quốc. Thật là Hiếu, Trung, Nghĩa, Dũng muôn thuở nêu cao!”.

Đốc học Nam Định, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có bài thơ cảm động bằng chữ Hán điếu ông, dịch nghĩa là:

Bậc thư sinh xông pha trận mạc,

Tấm cô trung phận bạc thương ôi!

Can vua đã chẳng được rồi,

Nói chi việc dẹp giặc ngoài biên xa.

Trời Thạch Giản sao nhòa khí uất,

Rừng Lạng Sơn xào xạc hơi thu.

Hán vương ý cũng mong chờ,

Mà rồi cấp ấm vẫn trơ cõi ngoài.

Mai Anh Tuấn là con do người mẹ kế sinh ra, nên mỗi khi ông được phong tặng quan chức, thì theo lệ xưa, vua vẫn chuẩn phong cho người mẹ cả. Sau khi Anh Tuấn vì nước bỏ mình, vua suy nghĩ sau cùng bàn phong thưởng cho cả người mẹ đẻ, còn con của ông thì cho ghi tên để bổ dụng về sau.

Sau khi ông mất, sĩ phu đều tưởng nhớ phong tiết, ở quê nhà Thanh Hóa và tỉnh thành Lạng Sơn cũng nhớ công, dựng đền thờ. Ông cũng được thờ phụng tại đền Trung Nghĩa ở kinh thành Huế.

Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại làng Hoàng Cầu, được dân làng, con cháu hương khói từ đó đến nay.

Để tưởng nhớ công ơn của ông, con phố ven hồ Hoàng Cầu được HĐND thành phố Hà Nội quyết định đặt tên phố Mai Anh Tuấn vào tháng 6.2008.

Tại quê gốc của ông ở Nga Sơn, Thanh Hóa, từ năm 1999, chính quyền địa phương cũng đã đổi tên Trường PTTH Nga Sơn 2 thành Trường THPT Mai Anh Tuấn.

lê tiên long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mai-anh-tuan-vi-tam-khoi-cam-quan-bo-minh-giu-bien-ai-598478.ldo