Mái ấm giữa lòng Sài Gòn và chuyện người phụ nữ đi gom các bà bầu, trẻ nhỏ bị bỏ rơi

Từ nhiều năm nay, người phụ nữ này đã duy trì hoạt động giúp đỡ người nghèo của mình dù cuộc sống đôi lúc còn gặp khó khăn. Hơn một năm qua, 'Nhà Từ tâm' đã trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều bà bầu bất hạnh và trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi khi vừa mới chào đời.

Chúng tôi tìm đến gặp chị Đoàn Thị Nga (35 tuổi, quê Quảng Nam) vào một buổi chiều cuối tuần. Từ cổng nhìn vào đã thấy người phụ nữ loay hoay một tay cầm bình sữa cho bé nhỏ bú, tay còn lại gỡ gói thuốc cho một bé lớn khác. Tiếng trẻ em chí chóe xen lẫn với tiếng cười vui của mọi người.

Chị Nga bên cạnh các con nuôi của mình.

Chị Nga bên cạnh các con nuôi của mình.

Duyên nợ với bà bầu, trẻ nhỏ

Ôm đứa bé còn đỏ hỏn trên tay, chị Nga cười tươi giới thiệu: "Đây là Khánh Tâm. Khánh Tâm hơn 1 tháng rồi. Mẹ em quê Trà Vinh làm phụ hồ ở Tây Ninh, sinh xong rồi không đủ khả năng nuôi. Mình biết chuyện qua khuyên nhủ nhưng không được.

Đành đợi ngày xuất viện rồi năn nỉ cô ấy không nuôi được thì chuyển cho mình. Chứ bỏ vô viện mồ côi tội lắm... Thằng nhóc dễ nuôi khỏe mạnh lắm, ú nu trắng trẻo như con gái vậy.

Còn kế bên là con của chị Thảo, mới hơn 10 ngày tuổi nên mình chưa biết đặt tên thế nào. Thấy thương lắm, mẹ nó còn 2 đứa nhỏ nữa, sinh xong cứ đòi bán con, phải theo sát sợ thằng bé có chuyện gì. Giờ chị ấy đi đâu mất biệt luôn rồi".

Bé trai vừa mới được người mẹ nuôi lo thủ tục khai sinh.

Đó là hai bé nhỏ nhất trong số 6 trẻ mà chị Nga đang nuôi dưỡng tại một ngôi nhà thuê nằm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM). Chị gọi tổ ấm mà mình gầy dựng cho các con là "Nhà Từ tâm".

Nói về lý do ra đời của ngôi nhà, chị Nga cho biết mong muốn này đã được ấp ủ rất lâu.

Chị Phương nhận nuôi trẻ hơn 1 năm nay.

Nhiều em ban đầu suy dinh dưỡng, thể trạng yếu nay đã khỏe mạnh.

"Hồi nhỏ nhà mình đông con, đến 11 anh chị em nên cuộc sống khó khăn lắm. Sau đó có một cô thấy thương mới sang đặt vấn đề với cha mẹ được nhận mình làm con nuôi. Mình lớn lên, nên người trong sự bảo bọc của 2 cha, 2 mẹ từ nhỏ nên khi thấy ai thiếu hơi ấm gia đình là mình thương lắm, luôn cố tìm cách giúp đỡ" - chị Nga tâm sự.

Hồi còn ở quê, người phụ nữ tập tễnh bước vào hoạt động thiện nguyện bằng những chuyến đi giúp đỡ đồng bào lũ lụt, hỗ trợ phương tiện mưu sinh cho họ.

Một trường hợp cậu bé bị não úng thủy cũng được người phụ nữ đưa về.

Chị Nga đã nhiều lần kết nối các mạnh thường quân khác để đưa bé bệnh nặng sang Singapore điều trị.

Khi công việc không còn thuận lợi, chị Nga vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng ước mơ được giúp đỡ những người bất hạnh vẫn luôn đau đáu trong lòng.

Hai mẹ con chị Sabin vui mừng khi mấy tháng nay có chỗ tá túc ấm êm.

Vừa mở shop kinh doanh quần áo vừa làm quản lý cho một công ty, chị Phương cố dành thời gian để vào các bệnh viện tìm hiểu và kêu gọi giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn. Dần dần, chị quen với nhiều người cũng đam mê việc thiện nguyện.

Cứ ca này vừa xong lại đến ca khác, chẳng biết từ khi nào chị Nga trở thành cứu cánh cho các trẻ em bất hạnh. Nghe có trường hợp nào bị chồng bỏ không có tiền sinh nở, chị Nga lại ba chân bốn cẳng tìm đến ngay vì cứ sợ người mẹ túng quẫn làm liều bán con.

Nhà Từ tâm cũng là nơi mở cửa chào đón các thai phụ bất hạnh.

"Một lần khi đi từ thiện ở Quảng Ngãi, mình vô tình chứng kiến một trường hợp bé sơ sinh bị bỏ ngoài đường, kiến cắn khắp người và không qua khỏi. Kể từ sự việc đau lòng đó, mình nảy sinh ý định sẽ phải xây một nơi cho các mẹ đang mang bầu, trẻ bị bỏ rơi tá túc.

Đó không phải là Trung tâm Bảo trợ xã hội mà sẽ ấm áp như một gia đình với đầy đủ tình thương yêu" - chị Nga xúc động kể.

"Cô ấy đòi đúng 15 triệu đồng mới chịu giao con ruột cho mình nuôi"

Nhà Từ tâm lập ra hơn 1 năm, ban đầu do chị Nga và hai người bạn khác chung tay. Bây giờ 1 người đi nước ngoài, người còn lại bận bịu công việc nên chỉ còn mình chị gánh vác.

Chị Phương cho biết, công việc thiện nguyện của mình luôn được chồng và con ruột ủng hộ.

Đó là động lực rất lớn giúp chị vượt qua khó khăn.

Từ chỗ ở quận 12, vì nhiều khó khăn chị Nga phải chuyển các bé về quận Gò Vấp, trong một ngôi nhà thuê với giá 13 triệu đồng/tháng. Tiền thuê, chị Nga tự bỏ tiền túi ra.

Chị cho biết sắp tới cũng cố gắng đưa bé An sang nước ngoài tìm con đường sống.

Ban đầu chị Nga nhận nuôi 8 trẻ xong vì không thể kham nổi, chị chuyển bớt hai trẻ cho một ngôi chùa nuôi dưỡng. Chị tâm sự chăm sóc 2 bé suốt mấy tháng trời coi như con ruột, ngày đem đi ai mà không khỏi ngậm ngùi.

Một năm qua, có những trường hợp mẹ hồi tâm chuyển ý, quay trở lại đón con khiến chị Nga rất vui. Nhưng, cũng có những trường hợp đọng lại nỗi buồn rất lâu trong lòng người phụ nữ.

Chị cũng tìm kiếm khắp nơi ai có vị thuốc hay thì tìm đến để mua về cho các bé bệnh nặng, bác sĩ đã trả về uống.

"Lần đó mình nhận tin một người mẹ ở Long An muốn bán con nên thu xếp xuống ngay để xin nhận nuôi. Nhưng cô ấy đòi đúng 15 triệu đồng mới chịu giao con ruột cho mình nuôi. Mình nói chuyện này cho bạn bè nghe thì được khuyên chỉ nên đưa 12 triệu thôi, 3 triệu còn lại để đó chờ người mẹ làm thủ tục khai sinh cho bé mới giao.

Ai ngờ khi đem bé lên Sài Gòn rồi, người mẹ gọi mình hơn 100 cuộc gọi đòi phải đưa tiền ngay mà không hỏi han gì việc bé đang bệnh phải nằm viện.

Sự việc ấy khiến mình buồn lắm. Chỉ mong cha mẹ khi sinh con ra thì hãy có trách nhiệm, hãy thương con cho tròn bổn phận của mình..." - chị Nga chia sẻ.

Không thể tự chăm sóc trẻ, chị Nga thuê 2 bảo mẫu thay phiên nhau làm công việc này.

Tuy nhiên số trẻ bị bỏ rơi ngày một tăng.

Nhìn những đứa trẻ từ đỏ hỏn đến khôn lớn nằm ngủ ngon lành trên chiếc nệm ấm mới thấy tâm huyết và tình thương mà chị Nga đặt vào lớn đến thế nào.

Tuy nhiên, mọi thứ bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân chị Nga hiện chỉ lo được cho ngần ấy đứa con nuôi. Nếu thêm nữa e rằng không nổi.

Chị Nga đang lo mình cầm cự không nổi.

"Mình mới lên phường chứng minh tài chính, nhân thân để làm thủ tục nhân nuôi bé Khánh Tâm theo quy định. Bé nhỏ nhất hiện vẫn còn đang đợi. Hiện một chị đang mang thai từ miền Trung vào cũng đang tá túc tại Nhà Từ tâm.

Ước muốn của mình là sẽ xây một mái ấm và đủ sức tiếp nhận hết tất cả các trẻ bị bỏ rơi, các mẹ bầu bất hạnh. Nhưng sức mình có hạn, vẫn phải cần sự chung tay của mọi người" - người phụ nữ tâm sự.

Hoàng Lê

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/mai-am-giua-long-sai-gon-va-chuyen-nguoi-phu-nu-di-gom-cac-ba-bau-tre-nho-bi-bo-roi-d99624.html