Mái ấm biến thành 'cánh đồng béo bở' cho Covid-19

Khuyến cáo người dân ở nhà là một trong những cách hữu hiệu được nhiều nước trên thế giới áp dụng để chống dịch. Thế nhưng, không phải ai cũng có nhà để về!

Roy Coleman, một người 69 tuổi sống tại một mái ấm cho người vô gia cư trên đảo Wards, New York - Mỹ, đã được xe cứu thương đưa đi ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng của Covid-19.

Những người khác sống cùng khu này đã thở phào nhẹ nhõm, cho đến khi ông Coleman được phép trở lại vào tuần trước sau khi xét nghiệm dương tính với virus tại Bệnh viện Harlem.

Giường kê san sát tới nỗi người nằm vẫn có thể nắm tay nhau

 Christian Cascone tự cách ly trong một khoang lưu trữ mà anh thuê để tránh bị nhiễm bệnh tại nhà tạm trú dành cho người vô gia cư ở Bronx. Ảnh: New York Times.

Christian Cascone tự cách ly trong một khoang lưu trữ mà anh thuê để tránh bị nhiễm bệnh tại nhà tạm trú dành cho người vô gia cư ở Bronx. Ảnh: New York Times.

Tại một nhà trú ẩn cho người vô gia cư khác, Alphonso Syville, 45 tuổi, nói rằng mình đã cố gắng nhưng không thể né tránh được những cơn ho không ngừng từ một người đàn ông cách đó vài mét.

Tại Delta Manor, một nhà trú ẩn ở khu vực Bronx, Christian Cascone nhớ lại việc người bạn cùng phòng anh góp ý với một người cùng nhà về việc không giữ vệ sinh và không rửa tay. Người kia đã nói điều gì đó như "Chà, nếu Chúa chọn cho tôi chết, tôi sẽ chết”, Cascone, 37 tuổi, kể lại.

“Bạn cùng phòng của tôi đáp, ‘Chà, Chúa cũng muốn những người còn lại khỏe mạnh’", anh nói.

Trong khi phần lớn người dân New York đang ở nhà chống dịch, một cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong cộng đồng những người vô gia cư khó có thể thực hiện cách ly xã hội: hơn 17.000 đàn ông và phụ nữ, nhiều người trong số đó có sức khỏe kém, ở chung trong khoảng 100 nhà trú ẩn tập trung cho người độc thân. Đây chính là những “cánh đồng màu mỡ” cho virus với giường kê san sát tới nỗi người nằm vẫn có thể nắm tay nhau.

Và thay vì khiến mọi người tránh xa những nơi đông đúc, virus lại đẩy họ vào với nhau.

Một số tù nhân được thả từ nhà tù đảo Rikers để ngăn chặn hình thành ổ dịch trong nhà tù đã bị thương trong các nhà tạm trú. Với mạng lưới an ninh ngoài đường lỏng lẻo, phòng tắm công cộng đóng cửa, nhiều bếp ăn cho người nghèo đóng cửa vì thiếu nguồn cung thực phẩm và tình nguyện viên, số người đến nhà trú ẩn hàng đêm đã liên tục tăng cao đến mức kỷ lục thường chỉ thấy vào những đêm lạnh lẽo nhất của mùa đông.

Hàng trăm người trong những nhà trú ẩn như vậy đã được ghi nhận dương tính với virus. Trong khi việc phòng ngừa toàn diện là không thể, thành phố đang nỗ lực để ít nhất là giảm rủi ro.

Trả chi phí trung bình ít nhất là 174 USD một đêm, thành phố đã thuê phòng khách sạn đang vắng khách du lịch để cách ly những người ở nhà trú ẩn có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính, cũng như những người có khả năng bị phơi nhiễm. Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố 2.500 người sống trong các nhà trú ẩn được chuyển đến khách sạn vào cuối tháng 4, ngoài 3.500 người đang trú tạm trong các khách sạn từ trước khi virus tấn công vì không còn phòng trong các nhà tạm trú truyền thống.

Những người từ 70 tuổi trở lên và một số người sống trong 10 nhà trú ẩn đông đúc nhất cũng đang được chuyển đến khách sạn dù có triệu chứng hay không. Một số gia đình vô gia cư trước đây ở trong khách sạn thì nay được chuyển đi để nhường chỗ cho những người mới đến.

Steven Banks, Ủy viên phụ trách các dịch vụ xã hội, cho biết thành phố cũng đã đầu tư thêm 24 trạm rửa tay và 36 nhà vệ sinh di động để lắp đặt tại 12 địa điểm trên đường phố cho những người vô gia cư không chịu đến nhà tạm trú.

Các nhà trú phải tạm thời bỏ quy tắc yêu cầu người dân rời khỏi cơ sở trong thời gian vệ sinh để giảm nguy cơ người dân ra ngoài nhiễm bệnh và trở về lây lan trong nhà.

Việc đóng cửa các nhà trú ẩn để ngăn chặn sự lây lan của virus không phải là một giải pháp khả thi.

Alfonzo Forney (trái) và Roberto Mangual (phải) đang sống trong một nhà trú ẩn cho người vô gia cư, nơi một người dân gần đây đã được trả về dù dương tính với virus. Ảnh: New York Times.

Số ca nhiễm đến từ các nhà trú ẩn ở New York được công bố không thể hiện hết được quy mô của mối nguy hiểm vì các số liệu này không bao gồm người ở trong các nhà trú ẩn của các tổ chức từ thiện hoặc các cơ quan khác.

Các thành phố khác có dân số vô gia cư lớn đã bắt đầu gặp những vấn đề tương tự. San Francisco đã xét nghiệm người ở trong các nhà trú ẩn lớn nhất thành phố tuần trước, và đến nay 81 người dân và 10 người làm việc tại các nhà này đã được xác nhận dương tính. Thành phố đã dỡ bỏ lệnh cấm dựng lều, miễn là các lều giữ khoảng cách an toàn.

Vấn đề người vô gia cư đã là thách thức từ lâu

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, tình trạng vô gia cư là một vấn đề khó giải quyết đối với Thị trưởng Bill de Blasio. Ông nhậm chức vào năm 2014, hứa hẹn sẽ làm giảm số người vô gia cư, nhưng nó chỉ tăng lên, đến nay ước tính 79.000 người, một phần do giá thuê nhà tăng cao vượt quá khả năng của các gia đình có thu nhập thấp.

Kể từ năm 2014, ngân sách cho các dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư đã tăng gấp đôi lên khoảng 3,2 tỷ USD, theo chính quyền thành phố ghi nhận.

Hệ thống nơi trú ẩn là một khu quy hoạch chắp vá 450 tòa nhà, bao gồm các phòng dành cho gia đình có trẻ em, phòng khách sạn có giường đôi, căn hộ tư hữu được bố trí nhiều giường ngủ.

Bản chất phi tập trung của hệ thống, và sự tạm bợ của những người lưu trú, đã làm cho việc áp dụng các chính sách này có phần rời rạc.

Một số người dân và nhân viên làm việc trong các nhà trú ẩn cho biết một số biện pháp phòng ngừa dịch chưa áp dụng hoặc bị người dân phớt lờ.

“Nếu đây là một đại dịch trên toàn thế giới, chúng ta nên có cơ hội công bằng để bảo vệ chính mình”, Roberto Mangual, 27 tuổi, ở tại nhà trú ẩn Clarke Thomas trên đảo Wards, nơi ông Coleman được trả về. “Thành thật mà nói, chúng tôi không có cơ hội đó trong một nhà trú ẩn cho nam giới thế này”.

Ông Coleman nói sau khi ngủ một đêm tại Clarke Thomas, các nhân viên đã đưa ông một thẻ MetroCard để đi đến một trong những khách sạn cách ly ở Long Island City, Queens.

Sau một cuộc điều tra của New York Times, bộ phận dịch vụ cho người vô gia cư đã lên tiếng với các nhà cung cấp nhà trú ẩn đề nghị bất kỳ ai xuất viện có triệu chứng của Covid-19 nên được cách ly và không sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào giữa tháng 4, ông Coleman nói ông nghĩ rằng mình đã nhiễm virus ở nhà trú ẩn. “Tôi đã ở gần rất nhiều người ho, nôn mửa, hắt hơi”, ông nói.

Ông cũng nói hiện giờ ông rất vui khi được cách ly và được chăm sóc y tế suốt ngày đêm. “Nếu tôi cần thuốc, tôi gọi cho họ và họ gửi đến một ít aspirin”, ông nói. Sau đó, ông đã được chuyển đến một khách sạn khác dành riêng cho người cao tuổi.

Stephen Mott, Giám đốc nhân sự của HELP USA, tổ chức điều hành Clarke Thomas, cho biết nhà trú ẩn đã bị quá tải nhưng cũng thừa nhận cần cần phải làm tốt hơn. “Chúng ta đang chống lại một kẻ thù rất lớn”, ông nói. “Những việc mà chúng ta đã ‘phiên phiến’ thì nay không thể ‘phiên phiến’ được nữa”.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mai-am-bien-thanh-canh-dong-beo-bo-cho-covid-19-post1073086.html