Mad Mike – 'Ông vua của những tay súng đánh thuê'

Ngày 2/2/2020 vừa qua, một trong những lính đánh thuê kỳ cựu nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới là Mike Hoare qua đời tại Nam Phi ở đúng tuổi 100. Cuộc đời của Hoare được đánh giá là đầy những sự kiện mạo hiểm và sóng gió với nhiều năm chiến đấu vì quyền lợi của hoàng gia Anh, là kẻ tổ chức hàng loạt các cuộc đảo chính ở khắp nơi, kể cả âm mưu cướp máy bay.

Cùng tìm hiểu vì sao một kế toán viên bình thường như Hoare lại trở thành một nhân vật được mệnh danh là "Ông vua của những tay súng đánh thuê" có tên lóng là "Mad Mike" (Mike điên rồ), tham gia vào rất nhiều sự kiện đáng chú ý của thế giới trong thế kỷ XX…

Từ kế toán viên trở thành thủ lĩnh đánh thuê

Hoare sinh năm 1919 tại Ấn Độ (khi đó vẫn đang là thuộc địa của Anh) trong gia đình một hoa tiêu gốc Ireland. Khi ông ta còn nhỏ, gia đình đã chuyển về định cư tại Plymouth (Anh). Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hoare thi vào trường cao đẳng học nghề kế toán, tuy nhiên sau đó lại quyết định theo sự nghiệp quân ngũ.

Do không thể thi vào Học viện Quân sự Hoàng gia tại Sandhurst, Hoare quyết định vào phục vụ tại lực lượng dự bị của quân đội. Khi Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Hoare ở tuổi 20 đã là thành viên của trung đoàn bộ binh tình nguyện gồm các tay súng gốc Ireland tại London.

Trong suốt thời gian chiến tranh, anh ta đã kịp chiến đấu trong thành phần vài quân đoàn khác nhau, trong đó đáng chú ý có vai trò lính trinh sát trong một đơn vị xe bọc thép của Hoàng gia. Hoare đã kịp thể hiện mình là một tay súng xuất sắc, khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch tại Miến Điện (Myanmar) ngày nay, vào thời điểm phát xít Nhật tìm cách bành trướng tại khu vực Đông Nam Á.

Mike Hoare.

Mike Hoare.

Cũng trong thời gian này, Hoare làm quen với Bernard Fergusson, sĩ quan chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của quân Ấn Độ khi đó thuộc Anh. Tay trung úy trẻ chuyển sang phục vụ cho Fergusson, chiến đấu trong một đơn vị trinh sát tầm xa trong hậu phương quân Nhật.

Sau khi chiến sự tại đây kết thúc vào năm 1944, Hoare được phong quân hàm đại úy, trước khi thăng làm thiếu tá vào thời điểm chiến tranh thế giới kết thúc. Tài năng của Hoare đã được thể hiện xuất sắc trong thời gian này, khi ông ta nhận quân hàm thiếu tá lúc mới vỏn vẹn có 26 tuổi.

Chỉ một năm sau đó, Hoare quyết định xuất ngũ để quay trở lại với cuộc sống dân thường. Anh ta chọn nơi sinh sống tại Durban (Nam Phi), đồng thời mở một vài văn phòng kế toán tại đây. Dù vậy, viên thiếu tá về hưu không cam chịu với cuộc sống buồn chán của một kế toán viên.

Ông ta điều hành một câu lạc bộ thuyền buồm ở địa phương, tổ chức các cuộc thám hiểm săn bắn cũng như tham gia vào những chuyến phượt khắp châu Phi bằng môtô. Hoare còn tuyên bố, chỉ thực sự cảm nhận được cuộc sống, nếu như thường xuyên phải đương đầu với những mối nguy hiểm.

“Mike điên rồ”

Đến năm 1961, Hoare đã chán với cuộc sống của một thiếu tá về hưu, cho dù vẫn luôn tìm cách dấn bước vào những chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Cũng trong năm đó, ông ta đăng ký gia nhập quân đội của Moise Tshombe - một chính trị gia, thành viên của phong trào quốc gia ly khai Katanga ở phía nam Cộng hòa Congo (về sau là Cộng hòa dân chủ Congo). Hoare được thuê tới phục vụ tại tỉnh Katanga, khi đó đã tuyên bố độc lập tách khỏi chính quyền trung ương.

Với vai trò chỉ huy đơn vị cảnh sát "Commando 4", ông ta cùng đồng đội được giao nhiệm vụ ngăn cản những chiến dịch nhằm tiêu diệt quân ly khai của chính quyền, tuy nhiên sau đó đã quay trở về Nam Phi sau khi hết hạn hợp đồng. Sau thất bại của quân ly khai vào năm 1963, Katanga lại quay trở về dưới sự điều hành của chính quyền trung ương Congo.

Moise Tshombe - Thành viên của phong trào quốc gia ly khai Katanga ở Congo.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm đầu tiên của nghề lính đánh thuê đã không hề uổng phí đối với Hoare - khả năng và những thành tích của ông ta vẫn được Moise Tshombe nhớ tới. Khi chính trị gia này trở thành thủ tướng của Congo vào năm 1964, ông ta lại thuê Hoare. Lần này, Hoare được giao giúp chính phủ chống lại lực lượng khởi nghĩa Simba lúc đó đang được Liên Xô hậu thuẫn.

Để thực thi hợp đồng mới này, Hoare tập hợp một đội ngũ lính đánh thuê tinh nhuệ được biết đến dưới cái tên đơn vị "Commando 5", sau đó nhanh chóng trở thành bộ phận tác chiến hiệu quả nhất trong thành phần quân chính phủ. Đơn vị của Hoare - chủ yếu là những tay súng đánh thuê từ Nam Phi, Đức, Italy, Hy Lạp, Hà Lan và Bỉ - nổi tiếng với kỷ luật sắt và chế độ huấn luyện nghiêm ngặt.

Tuy nhiên nếu đáp ứng được yêu cầu, họ được trả lương hậu hĩnh từ 364 đến 1.100 đôla mỗi tháng tùy theo cương vị. Chiến công nổi bật nhất của "Commando 5" phải kể tới chiến dịch "Red Dragon" tại thành phố cảng Stanleyville, khi họ tham gia đánh chiếm lại hàng chục điểm dân cư tại đây khỏi tay lực lượng Simba, cứu được khoảng 600 con tin là người da trắng tại đây.

Chỉ trong 2 năm, các tay súng đánh thuê đã làm tiêu hao đáng kể lực lượng quân nổi dậy, ngăn chặn được vài cuộc tấn công của họ nhằm vào người châu Âu và cuối cùng đã dập tắt hoàn toàn cuộc khởi nghĩa của lực lượng này. Cũng trong thời gian này, Hoare được kẻ thù mệnh danh là "chó điên" hay "Mad Mike".

Sau khi Tshombe bị lật đổ vào năm 1965, Hoare đã tìm cách tổ chức bạo loạn tại Katanga nhưng bị đàn áp nhanh chóng. Tiếp đó, "Mad Mike" được thuê tham gia hàng loạt phi vụ tại Biafra (một quốc gia tự xưng tại Nigeria), rồi Angola, Mozambique và Rhodesia nhưng không có được thành công đáng kể nào.

Năm 1970, Hoare chuyển tới Singapore, hy vọng tập hợp một đội quân khoảng 5 ngàn người để ngăn chặn khả năng xâm nhập của quân Khmer Đỏ, nhưng không thể tìm được đủ người tình nguyện. Kết quả ông ta quay lại Durban, hài lòng với công việc tư vấn trong lĩnh vực lính đánh thuê.

Tại Nam Phi, Hoare mua một chiếc du thuyền 23 mét để trong lúc rảnh rỗi đi du lịch khắp nơi tại Địa Trung Hải với gia đình. Đến năm 1977, ông ta còn được mời làm cố vấn cho bộ phim "The Wild Geese" có đề tài về những cuộc phiêu lưu của một nhóm lính đánh thuê. Hoare cũng trở thành nguyên mẫu của nhân vật chính - đại tá Allen Faulkner do tài tử Richard Burton thủ vai. Hoare thậm chí còn trực tiếp tham gia vào bộ phim với vai của một tay súng đánh thuê.

Để quảng bá cho bộ phim, Hoare còn tham gia tới cả trăm cuộc phỏng vấn, cũng như tham gia vào một tua giới thiệu suốt 3 tuần trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, "kỳ nghỉ dưỡng" của Hoare nhanh chóng chấm dứt khi ông ta nhận được hợp đồng tổ chức một cuộc nổi dậy tại quần đảo Seychelles.

“Trùm” đảo chính và cướp máy bay

Cần nói thêm, ngay sau khi Seychelles được người Anh trao trả độc lập vào năm 1976, quốc gia này do chính trị gia thân phương Tây James Mancham đứng đầu. Sau khi nhân vật này bị lật đổ, chính trị gia thuộc phe xã hội France-Albert Rene lên nắm quyền. Chính quyền mới cho phép tàu chiến của Liên Xô thường xuyên cập cảng.

Hoare trong một chiến dịch di tản người da trắng tại Congo.

Chính vì vậy, các đại diện của Mancham thông qua Nam Phi đã liên hệ với Hoare (lúc này đã 61 tuổi), đề nghị ông ta thiết kế một cuộc đảo chính mới. Kết quả là "Mad Mike" đã tập hợp được một nhóm lính đánh thuê có kinh nghiệm khoảng 50 người.

Cuối tháng 11/1981, một chuyến bay từ Swaziland hạ cánh xuống sân bay Pointe La Rue của Seychelles. Trên máy bay là nhóm lính đánh thuê của Hoare ngụy trang dưới dạng các vận động viên của đội bóng bầu dục.

Trong hành trang của họ cất giấu tới 75 khẩu súng tiểu liên AK, 24 ngàn viên đạn, 40 lựu đạn và hàng trăm tên lửa cỡ nhỏ. Theo kế hoạch, các "vận động viên từ Nam Phi" sẽ nhận được sự hỗ trợ của lực lượng đổ bộ từ phía biển.

Tuy nhiên, kế hoạch của Hoare đã thất bại gần như ngay lập tức, khi một tay súng đánh thuê say rượu đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách, trước khi họ phát hiện được vũ khí trong hành trang của hắn.

Khi chiếc túi xách có chứa khẩu AK-47 bị phát hiện, tên này đã hoảng sợ khai ra hết đồng bọn. Sau một cuộc đọ súng, các tay súng của Hoare tổ chức cố thủ trong sân bay. Do dự định đánh chiếm một căn cứ quân sự gần nhất đã không thành, chúng quay sang chiếm một chiếc máy bay dân sự của Ấn Độ và dùng nó để quay trở về Nam Phi.

Dù sao do âm mưu lật đổ chính quyền của France-Albert Rene thất bại, Hoare cùng với đồng phạm đã phải ra tòa và phải nhận những bản án nghiêm khắc. Một vài kẻ trong số này còn bị kết án tử hình, dù sau đó đã được ân xá. Còn riêng Hoare nhận bản án 10 năm tù, nhưng được trả tự do sau 33 tháng.

Sau thất bại nặng nề này, Hoare cuối cùng cũng cảm thấy đã đến lúc phải thực sự nghỉ hưu. Được trả tự do, ông ta cùng với vợ chuyển tới sống tại một ngôi nhà nhỏ phía Tây Nam nước Pháp. Cũng cần nói thêm, đó đã là cuộc hôn nhân thứ hai của Hoare từ những năm 1960 trong thời gian còn làm việc tại Congo.

Năm 2009, Hoare quay trở lại Nam Phi. Tại đây, ông ta đã tập trung vào viết và xuất bản hàng loạt hồi ký về cuộc đời của mình như "Assassin", "The Road to Kalamata", "Congo Warriors", "The Seychelles Affair".

Cho tới những năm cuối cùng của cuộc đời mình, Hoare vẫn mang tư tưởng cực đoan với nỗi lo sợ Liên Xô. Ông ta luôn bày tỏ tâm huyết luôn sẵn sàng phục vụ cho Hoàng gia Anh.

Cậu con trai Chris nhớ lại cha mình thường hay nhắc đi nhắc lại một câu nói ưa thích: "Tôi muốn sinh ra vào thời của Francis Drake để có thể đánh cướp của người Tây Ban Nha và trình những chiến lợi phẩm của mình cho Nữ hoàng - bà sẽ phong cho tôi làm hiệp sĩ. Bằng cách đó, bạn có thể trở thành một nhân vật đáng kính, ngay cả khi là một kẻ trộm cướp".

Trên thực tế, ông trùm của các tay súng đánh thuê dù gặp phải không ít thất bại trong các sứ mệnh của mình vẫn nhận được sự coi trọng đặc biệt của Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, thành công đáng kể nhất của ông ta chỉ được gói gọn trong cuộc nội chiến mang tính địa phương tại Congo. Có điều báo chí phương Tây đã khiến cho Hoare trở nên nổi danh trên toàn thế giới với việc khuếch trương ông ta như một nhân vật hàng đầu trên chiến tuyến trong Chiến tranh Lạnh.

Đinh Linh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/mad-mike-ong-vua-cua-nhung-tay-sung-danh-thue-584562/