Mạch ngầm hội nhập văn hóa

46 năm sau ngày thống nhất, TPHCM đã và đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa của cả nước. Dấu ấn hội nhập thể hiện rõ nét qua sự tiếp biến văn hóa, tính kế thừa, sức sáng tạo mạnh mẽ và vai trò trung tâm của con người.

Lễ hội “Trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông, quận 8, được đưa vào chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lễ hội “Trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông, quận 8, được đưa vào chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Dấu ấn đậm nét

Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc Gia TPHCM), nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, hội nhập mang tính chất như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa dân tộc trên vùng đất này.

Ông khẳng định: “Đây vốn là một tính cách trong bản sắc văn hóa Việt Nam xưa nay - một nền văn hóa có bản lĩnh tiếp biến những giá trị văn hóa bên ngoài để biến thành sức mạnh nội lực của văn hóa dân tộc, đủ sức vượt qua mọi thử thách”.

PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng cũng cho rằng, ngay sau năm 1975, dù có những “va chạm” về hệ tư tưởng, lối sống, nếp sống… nhưng trên tổng thể vẫn có sự chủ động trong quá trình hội nhập giữa cái mới với cái cũ để tạo ra sự hòa hợp về văn hóa, nhằm mục tiêu phát triển theo hướng tích cực và có lợi cho sự nghiệp chung. Thông qua tiếp thu cái mới để tạo sự phát triển nhưng không quay lưng, vẫn kế thừa, phát huy những vốn cũ. Đây là nét nổi trội xuyên suốt trong quá trình hội nhập và phát triển văn hóa của TPHCM 46 năm qua.

Xã hội hóa văn hóa nghệ thuật là một trong những dấu ấn đậm nét tại TPHCM trong tiến trình hội nhập. Nhà hát, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, các đơn vị nghệ thuật, nhà xuất bản, kênh truyền hình… liên tiếp ra đời. Theo chị Xuân Hướng (ngụ quận 3): “Các loại hình và không gian văn hóa tại TPHCM hiện nay đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của các tầng lớp nhân dân. Người dân được quyền lựa chọn thụ hưởng văn hóa theo nhu cầu, điều kiện kinh tế của mình”.

Đặc trưng khác biệt trong hội nhập văn hóa tại TPHCM là tính hòa nhập rộng rãi các nền văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới. Điều này góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình và không gian văn hóa. Hệ thống bảo tàng với nhiều điểm tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh… ngày càng được công nghệ hóa theo hướng hiện đại, tăng tính tương tác.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến văn hóa di sản với hàng ngàn đình, chùa, miếu, nhà thờ, công trình kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu: Trụ sở UBND TPHCM, Nhà hát Lớn, Bưu điện TPHCM, Địa đạo Củ Chi… Năm 2014, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ) và Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa (quận 5) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ sau ngày giải phóng, các hoạt động hướng tới cộng đồng diễn ra sôi nổi. PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng dẫn chứng về chương trình văn nghệ chào mừng ngày thống nhất tại quận Bình Hòa (sau này là quận Bình Thạnh) tối 15-5-1975 gồm cả vạn công chúng tham gia, với hàng ngàn diễn viên quần chúng. Sau này, các hoạt động trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, lễ hội Áo dài, ngày hội Văn hóa đọc, Đường hoa, Đường sách… tạo nên không gian văn hóa sôi nổi, hứng khởi
cho người dân.

Con người là trung tâm

Chị Thanh Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Hiện nay, những giá trị văn hóa, đời sống ngày càng được chú trọng, thuận tiện để người dân có thể thưởng ngoạn, tiếp cận, tìm hiểu. Đặc biệt, các sân chơi văn hóa công cộng dần chuyển hướng sang phục vụ người trẻ nhiều hơn, giúp lực lượng này có cơ hội tìm hiểu đời sống văn hóa thực tế, hữu ích”.

Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, những thành tựu tích cực của quá trình hội nhập văn hóa TPHCM thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của tính cách người Sài Gòn - TPHCM. Đó là tinh thần chiến đấu, xả thân vì nhân nghĩa, bộc trực - phóng khoáng - nghĩa tình, luôn lấy đại cuộc làm trọng, nói đi đôi với làm, tiên phong, trí tuệ và sáng tạo, không khoan nhượng đối với những gì bảo thủ, trì trệ, lạc hậu...

“Giáo dục từ nhà trường kết hợp gia đình và xã hội trong thời gian tới nhất thiết phải được xem như là một chiến lược văn hóa, không phải chỉ dạy chữ, dạy nghề mà quan trọng hơn, đó còn là xây dựng con người phát triển toàn diện: trí - đức - thể - mỹ”, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, với nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu về văn hóa dân gian tại TPHCM, theo TS Mai Mỹ Duyên, “Điều đáng mừng nhất là hiện nay có không ít các bạn trẻ với lợi thế về ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin, ham học hỏi và đam mê đã nghiên cứu, tìm tòi được rất nhiều tư liệu quý liên quan đến văn hóa dân gian, dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước, giúp cho việc nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng và giá trị của từng loại hình được sáng tỏ. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy người trẻ không quay lưng với văn hóa dân gian, dù số lượng đó chưa nhiều”.

Trong tiến trình hội nhập, TPHCM đã và đang cho thấy năng lực, bản lĩnh hội nhập văn hóa mang tính chất “mở” rất mạnh mẽ.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mach-ngam-hoi-nhap-van-hoa-728557.html