Mách mẹ tuyệt chiêu vỗ rung long đờm đúng cách cho trẻ sơ sinh

Mẹ nên học cách vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh khi con bị ho hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp khác.

Vỗ đờm cho trẻ sơ sinh khi mắc bệnh hô hấp có tác dụng gì?

Thao tác vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh là kỹ thuật quan trọng giúp bé tống lượng đờm tồn đọng khỏi đường hô hấp. Khi trẻ bị ho, viêm phổi, mắc các chứng viêm phế quản, viêm phế quản phổi, hen phế quản hoặc giãn phế quản đều có thể áp dụng phương pháp này.

Vỗ rụng long đờm cho trẻ sơ sinh sẽ giúp bé thông thoáng đường hô hấp - Ảnh minh họa: Internet

Theo các bác sĩ, nguyên tắc của hoạt động vỗ đờm ở trẻ sơ sinh là thao tác dùng tay vỗ nhẹ vào ngực hoặc lưng nhằm tạo nên các sóng xung lực truyền đến cơ quan hô hấp. Hoạt động này sẽ giúp các cục đờm dính vào vùng phế quản bị bong ra. Khi trẻ ho sẽ tống khứ đờm ra ngoài.

Mẹ có thể vỗ vùng sau lưng và trước ngực để tống đờm cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Phương pháp này chống chỉ định đối với những trẻ sơ sinh mắc các bệnh:

- Chấn thương lồng ngực.

- Trẻ bị tim mạch.

- Trẻ bị tràn dịch, tràn khí màng phổi.

- Trẻ bị ung thư phổi.

- Trẻ bị dị tật đường thở.

Cách vỗ đờm cho trẻ sơ sinh

Để vỗ đờm đúng cách cho trẻ sơ sinh khi bị ho hoặc những bệnh hô hấp khác, cha mẹ cần thực hiện theo các bước:

Bước 1: Mẹ đặt trẻ nằm nghiêng trên giường hoặc mặt phẳng cứng.

Bước 2: Phía dưới mông trẻ kê khăn bông mềm sao cho mông tạo với đầu một góc khoảng 15 độ.

Mẹ có thể cho bé nằm trên mặt phẳng hoặc nằm vào lòng khi thực hiện vỗ rung long đờm - Ảnh minh họa: Internet

Bước 3: Mẹ chụm bàn tay lại, vỗ nhẹ liên tục lên vùng lưng trẻ khu vực từ đáy phổi hướng về cổ. Mẹ lưu ý thực hiện động tác chụm tay và vỗ rung, không dùng bàn tay đập vào lưng trẻ. Thực hiện tao tác này trong vòng 3 phút. Lực tác dụng lên lưng trẻ vào khoảng 2/3 bàn tay nghiêng về phía các ngón tay.

Thao tác bàn tay hợp lý khi vỗ rung cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Bước 4: Sau hoạt động vỗ rung đờm, mẹ bế trẻ trên tay và bắt đầu kích ho bằng thao tác dùng ngón tay day nhẹ vùng cổ trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ ho, đờm sẽ được tống ra ngoài.

Khi thực hiện vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần lưu ý nên thực hiện trước bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút, tổng thời gian vỗ rung không kéo dài quá 30 phút. Nếu các dấu hiệu hô hấp xấu đi, mẹ nên tạm ngưng thao tác này.

Thời điểm trước và sau khi vỗ rung, mẹ cần hút sạch đờm dãi khỏi mũi họng trẻ. Trong quá trình vỗ rung long đờm cho bé, mẹ nên tháo bỏ trang sức (nhẫn, đồng hồ đeo tay) và không nên vỗ trực tiếp lên người nếu trẻ cởi trần mà nên phủ một tắm khăn mỏng lên người con.

Hồng Ngân (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/mach-me-tuyet-chieu-vo-rung-long-dom-dung-cach-cho-tre-so-sinh-c21a289088.html