Mách mẹ những cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng

Tiêm phòng là việc cần thiết để bảo vệ trẻ nhỏ suốt cả đời tuy nhiên, trẻ sau tiêm thường hay sốt và quấy khóc. Vậy thì chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào cho đúng? hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Các gia đình có con nhỏ đã quá quen với lịch trình tiêm chủng thường xuyên của trẻ. Và sau mỗi lần tiêm phòng bệnh về thì bé lại đau, sốt, quấy khóc hoặc khó chịu khiến bố mẹ rất lo lắng.

Để tránh được những hiện tượng trên, bạn cần chuẩn bị những mẹo nhỏ để giúp trẻ giảm đau, hạ sốt dưới đây để chủ động giúp trẻ thích ứng tốt hơn với loại vacxin mới.

Vì sao trẻ sơ sinh bị sốt khi tiêm phòng?

Theo Bác sĩ Hoàng Ánh Quyết, Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng Hà Nội, tiêm chủng mục đích quan trọng nhất là phòng bệnh. Có thể có những phản ứng sau tiêm nhưng tuyệt đại đa số là những phản ứng bình thường, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng khi trẻ sơ sinh bị sốt khi tiêm phòng trong 24h, đau sưng tại chỗ tiêm.

Đó là phản ứng bình thường sau tiêm phòng vì cơ thể nhìn nhận vắc-xin như một tác nhân lạ và có phản ứng lại để chống nhiễm trùng.

Sưng tấy, sốt nhẹ thường là phản ứng bình thường của cơ thể sau khi tiêm phòng. (Ảnh minh họa)

Khi trẻ sốt, cơ thể khó chịu, lại có cảm giác sưng đau ở vết tiêm thì em bé quấy khóc là điều đương nhiên nên không có gì phải lo lắng quá mức.

Chính bởi vậy, những phản ứng như sốt nhẹ trong 24 giờ hay đau sưng tại chỗ tiêm cũng không cần xử trí gì. Tuy nhiên, sau khi tiêm xong bé phải được theo dõi sát sao tại cơ sở tiêm 30 phút. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải theo dõi bé trong vòng 24h-48h sau tiêm.

Ngoài ra, nếu con khóc thét, quấy khóc dai dẳng, sốt cao hay dị ứng mề đay (nổi mề đay là do cơ thể bị dị ứng với kháng nguyên đưa vào - PV) phải đưa bé đi khám sớm nhất có thể.

Cụ thể một vài triệu chứng khác sau khi tiêm vắc-xin:

Nổi nốt cứng hay nốt dưới da có thể xảy ra và tồn tại trong một hay vài tuần.
Nổi mẩn, ngứa, mề đay hoặc hồng ban.
Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mất ngủ dễ kích động, bứt rứt khó chịu.

Trường hợp sốt cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu:

Sốt cao trên 39 độ C và co giật. Tay chân lạnh, tím tái.
Thở khó, co lõm ngực.
Quấy khóc nhiều dù đã uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường.
Lừ đừ, bỏ bú.
Sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm.

Ảnh minh họa

Chăm sóc trẻ sau khi tiêm phòng

Tiêm phòng là việc hết sức quan trọng do đó, mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt, đảm bảo bé có sức khỏe đủ tốt để thực hiện mũi tiêm. Các chuyên gia khuyến cáo ngay sau khi tiêm xong mẹ và bé cần ở lại cơ sở y tế ít nhất là 30 phút để theo dõi tình hình.

Mẹ cần thường xuyên đo nhiệt độ cho bé để theo dõi thân nhiệt sau khi tiêm phòng.

Khi về nhà nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt bạn cần đo nhiệt độ cho bé thường xuyên, để bé nằm ở nơi tháng mát, mặc quần áo rộng rãi. Nhiều mẹ lo lắng khi thấy con bị sốt liền cho uống thuốc, tuy nhiên thuốc hạ sốt uống nhiều lại không tốt cho trẻ, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Do đó, mẹ cần thực hiện những cách đơn giản sau để giúp bé hạ thân nhiệt:

Lau người bằng khăn ấm đặc biệt là phần nách, bàn chân, bàn tay và phần bẹn của bé.

Tăng cường việc cho bé bú sữa mẹ, uống nước để bù lại lượng nước đã mất khi sốt hoặc, có thể dùng oresol hay cháo muối loãng.

Dùng đá lạnh chườm ngay chỗ viêm để giúp bé giảm bớt cảm giác khó chịu và đau nhức.

Tắm bằng nước ấm cũng là cách giúp bé hạ sốt và dễ chịu hơn. Lưu ý: Phải tắm thật nhanh và nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2 độ.

Với những bé bị sốt cao, cần hạ sốt nhanh thì chanh tươi là biện pháp hiệu quả. Chỉ cần cắt quả chanh thành lát mỏng rồi chà nhẹ lên người, dọc sống lưng.

Ảnh minh họa

Lá tía tô có công dụng hạ sốt rất tốt, trước khi tiêm 1 ngày người mẹ hãy ăn sống khoảng 1 nắm lá tía tô rồi cho con bú. Hoặc giã lấy nước, nấu với cháo cho trẻ uống.

Trường hợp trẻ tiêm phòng mũi 5 trong 1 bị sốt cao mẹ không nên tự ý cho bé uống thuốc hạ sốt mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Khi bị sốt hệ tiêu hóa sẽ hoạt động kém hơn vì vậy bạn cần cho bé ăn thức ăn ở dạng lỏng, dễ tiêu hóa.

Với những cách làm trên, nhiều phụ huynh đã có thể chủ động xử lý khi trẻ bị đau và sốt sau khi tiêm chủng và phòng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Thu Hà t/h

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/mach-me-nhung-cach-cham-soc-tre-sau-khi-tiem-phong--523483.htm