Mách mẹ cách trị hăm tã 'dễ ợt' cho trẻ theo lời khuyên từ bác sĩ Nhi khoa

Hăm tã là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy bệnh khá vô hại lúc đầu nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của con.

Hăm tã hay còn gọi phát ban tã lót là một chứng bệnh ngoài da, xuất hiện ở vùng da trẻ tiếp xúc với tã. Biểu hiện thông thường tại vùng da tiếp xúc sẽ hơi đỏ khiến trẻ cảm thấy ngứa rát, khi tình trạng trở nên nặng hơn có thể sẽ bị nứt nẻ, đóng vẩy, nổi mụn mủ.

Trẻ khi bị hăm tã sẽ trở nên khó chịu, ngủ không ngon, hay quấy khóc. Tuy hăm tã là tình trạng khá vô hại lúc ban đầu nhưng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây nên các bệnh nhiễm nấm, nhiễm trùng.

Các cấp độ hăm tã ở trẻ. Ảnh internet.

Nguyên nhân trẻ bị hăm tã

Có rất nhiều lý do gây hăm tã cho trẻ nhỏ nhưng phổ biến nhất vẫn là do vùng da tiếp xúc với tã bị ẩm ướt và không được vệ sinh sạch sẽ. Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, khi phần nước tiểu của trẻ bị tồn đọng và tã không thể hút hết chất ẩm khiến da của trẻ phải tiếp xúc với tã bẩn quá lâu và từ đó xuất hiện các dấu hiệu hăm, tấy đỏ…

Ngoài ra, một số trẻ sau khi đi vệ sinh chưa được làm khô hẳn vùng bẹn thì cha mẹ đã bịt tã, gây nên tình trạng hăm.

Vùng da tiếp xúc với tã bị ẩm ướt là nguyên nhân hàng đầu gây hăm tã ở trẻ. Ảnh internet.

Dị ứng với tã hoặc các thành phần các chất bôi trước khi bịt tã cũng là một nguyên nhân khiến trẻ xuất hiện tình trạng hăm tã. Những hóa chất có trong bột giặt, nước xả vải sẽ làm ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của con.

Việc thử những thức ăn lạ, các loại nước trái cây khi mẹ đang cho con bú hoặc với trẻ bắt đầu tập ăn dặm cũng gây nên tình trạng hăm tã. Những thức ăn mới làm phân của trẻ bị thay đổi thành phần và trở nên chua hơn, khiến trẻ đi tiêu thường xuyên hơn. Trẻ bị hăm tã do dị ứng thực phầm thường sẽ xuất hiện một vòng mày đỏ xung quang hậu môn.

Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hăm tã, đặc biệt ở vùng hậu môn. Ảnh internet.

Trẻ khi dùng kháng sinh cũng có thể gặp tác dụng phụ của thuốc, nó khiến mất đi sự cân bằng của vi khuẩn, độ ẩm trên da gây ra hiện tượng hăm tã.

Chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách

Một điều khá may mắn là hăm tã ở trẻ tuy phổ biến nhưng lại rất dễ chữa trị và phòng ngừa. Như đã trình bày, các bà mẹ cần lưu ý các dấu hiệu ở trẻ và vấn đề tốt nhất trong phòng ngừa chính là vệ sinh cho bé thật sạch, thật đúng cách

Giữ cho vùng da bị hăm luôn kho ráo là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa hăm tã cho con. BS Khanh chia sẻ thêm, cha mẹ nên chú ý thay tã cho trẻ thường xuyên, tránh để vùng bẹn của trẻ bị ẩm ướt quá lâu.

Vệ sinh vùng tã cho con một cách nhẹ nhàng, sạch sẽ và đảm bảo chỉ mặc tã khi vùng bẹn, hậu môn của trẻ đã khô hẳn. Khi bịt tã cho con, cha mẹ nên tránh bịt quá chặt sẽ cản trở sự thông thoáng.

Cha mẹ hãy đợi vùng bẹn, hậu môn của trẻ khô hẳn rồi mới mặc tã. Ảnh internet.

BS Khanh cũng lưu ý với các mẹ rằng, khi trẻ bắt đầu tặp ăn dặm thì chỉ nên cho trẻ ăn một loại thực phẩm trong vài ngày và chờ xem trẻ có bị dị ứng hay không. Cách làm này cũng thực hiện tương tự với những loại thực phẩm tiếp theo. Mẹ nên theo dõi xem những thực phẩm nào làm phân trẻ chua hơn, dễ hăm hơn thì nên tránh.

Các mẹ cũng có thể thử bôi một số thuốc dạng kem để hỗ trợ điều trị cho con bằng cách dùng Thử nabica 500mg 1v pha 10ml nước sạch để bôi lên vùng da hăm tã cho con. Hoặc các mẹ có thể thay nabica bằng natribicarbonate, nabifar 5gr.

Thỉnh thoảng nên cho da trẻ tiếp xúc với không khí bằng cách không mặc tã. Ảnh internet.

Khi trẻ bắt đầu lở loét, rỉ dịch thì nên hạn chế bịt tã và có thể dùng milian để bôi cho trẻ. Thỉnh thoảng nên cho da bé thông thoáng bằng cách không mang tã, để da có thể tiếp xúc với không khí.

Nếu trẻ bị hăm tã kéo dài hơn 1 tuần và mẹ đã thử những phương pháp trên nhưng trẻ vẫn không bớt hăm và kèm theo sốt, nổi mụn mủ, vùng da hăm tã bị tấy đỏ, tiêu chảy… thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Phù Dung

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/mach-me-cach-tri-ham-ta-de-ot-cho-tre-theo-loi-khuyen-tu-bac-si-nhi-khoa-c21a294198.html