Mách mẹ cách phòng bệnh cho bé khi đi bơi

Khi đi bơi trẻ cũng có nguy cơ mắc phải một số bệnh như: da liễu, tai mũi họng, mắt, bệnh về đường tiêu hóa và ngạt nước. Vậy làm cách nào để phòng bệnh cho trẻ?

Ngâm nước quá lâu khiến trẻ dễ bị cảm lạnh

Nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ khi đi bơi

Mùa hè đến, nắng nóng khiến nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con đi bơi ở các bể bơi, đi biển du lịch. Tuy nhiên, khi đi bơi trẻ cũng thường xuất hiện tình trạng ngứa ngáy hay các bệnh khác như: da liễu, tai mũi họng….

Nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị ngứa ngáy là do hầu hết các bể bơi công cộng đều quá đông đúc, trong khi đó công tác vệ sinh, xử lý, lọc nước ở bể bơi hiện nay chưa thực hiện tốt. Do đó, trong đợt cao điểm như mùa hè, mọi người khi đến bể bơi, nhất là trẻ em với làn da nhạy cảm rất dễ bị mắc các bệnh ngoài da như viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm; Các tổn thương da do chất khử khuẩn gây dị ứng, viêm nhiễm…

Ngoài ra, cha mẹ đưa trẻ đi bơi cần phải hết sức thận trọng với dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, đau mắt đỏ… Vì trẻ bị tay chân miệng trong quá trình vận động, bơi lội có thể khiến cho mụn nước trên tay bị vỡ làm phát tán mầm bệnh vào nước bể bơi hay trên các thang trượt, tay vịn, ghế ngồi. Đây có thể là nơi phát tán các mầm bệnh cho những trẻ khác.

Lưu ý trước khi cho trẻ đi bơi

Thời gian an toàn cho một lần bơi là không quá 1 tiếng. Với trẻ nhỏ chỉ nên tối đa 30 phút để tránh cảm lạnh.

Khi đi bơi, phụ huynh nên cẩn thận chọn lựa địa điểm phù hợp, tránh những khu vực nguy hiểm. Nên chọn những bể bơi có công tác khử trùng tốt, nước trong xanh, lượng người tham gia bơi vừa phải, nước không quá nặng mùi khử trùng.

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho trẻ. Để phòng bệnh từ bể bơi bạn nên chuẩn bị cho trẻ đầy đủ các vật dụng cần thiết như đồ bơi, phao bơi, mũ bơi, kính bơi, nút tai, khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc miệng...

Thời gian bơi phù hợp nhất đó chính là khoảng thời gian từ 9-11h sáng, lúc này nước vẫn còn khá ấm và không có gió độc. Không để trẻ bơi vào buổi trưa (11 giờ trưa đến 3 giờ chiều) vì khiến trẻ dễ bị cảm nắng. Sáng sớm và cuối giờ chiều là những thời điểm "lý tưởng" cho trẻ thoải mái vùng vẫy.

Trước khi bơi, phụ huynh cũng cần cho trẻ khởi động kỹ tránh các nguy cơ không đáng có. Đồng thời, tránh trường hợp trẻ ăn quá noi hoặc đói khi bơi. Các chuyên gia khuyến cáo, cho trẻ bơi khi đang đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ, hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức, dễ gặp các tai nạn đáng tiếc ở bể bơi.

Ngược lại, khi quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn… Nếu duy trì việc này lâu dài sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ các món chế biến từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.

Khi xuống hồ bơi, các mẹ nên dặn trẻ tránh để nước vào trong miệng. Ngay cả hồ bơi đã qua thanh lọc cũng không thể tiêu diệt hết 100% vi khuẩn. Vi khuẩn có thể thông quan khoang miệng, xâm nhập và hệ hô hấp, hệ tiêu hóa gây viêm nhiễm, đặc biệt khi sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu.

Không cho trẻ bơi quá lâu. Với trẻ nhỏ, chỉ nên bơi từ 30 - 45 phút, người lớn chỉ bơi khoảng 1 - 1,5 giờ. Sau khi bơi, bạn cần xì mũi nhẹ cho trẻ cho nước trong mũi ra sạch. Để đề phòng bệnh viêm tai khi đi bơi, các bác sĩ khuyến cáo, ngoài như sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm; sau bơi cần nghiêng đầu sang từng bên để nước chảy ra. Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu tai từng bị viêm, có một lỗ thủng hoặc đã có mổ tai thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi bơi.

Sau khi bơi cần tắm kỹ bằng nước sạch cho trẻ để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ và lau khô giữ ẩm. Lau khô vành tai và cửa tai. Đối với các bé gái, để phòng tránh viêm âm đạo một cách tốt nhất, sau khi bơi xong không nên mặc đồ ướt mà cần rửa sạch ngoài âm đạo, để bảo vệ vùng da và âm hộ sạch sẽ.

Cha mẹ lưu ý khi trẻ mắc những bệnh này thì không nên cho bé đi bơi:

- Trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm thì không nên đi bơi để tránh lây truyền bệnh xuống hồ.

- Trẻ đang bị cảm cúm, viêm tai giữa thủng màng nhĩ, viêm xoang mũi tái phát hoặc các bệnh hô hấp mạn tính (viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn…) cũng không nên đi bơi vì bệnh sẽ có nguy cơ nặng thêm.

- Trẻ bị hen phế quản: Trẻ bị hen phế quản không nên đi bơi vì khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh trẻ rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

- Trẻ bị viêm da dị ứng: Hóa chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Chỉ cho trẻ bơi trong thời gian vừa sức, uống nước đầy đủ. Khi lên bờ, tắm rửa sạch sẽ ngay với xà phòng, rửa mắt, mũi, tai với nước muối sinh lý. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường gì thì nên đi khám bác sỹ.

Thu Hằng tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/mach-me-cach-phong-benh-cho-be-khi-di-boi-509757.htm