Mách chị em cách giặt và bảo quản áo dài

Áo dài được may với rất nhiều chất liệu vải khác nhau, nếu phái đẹp không biết cách giặt và bảo quản sẽ rất dễ khiến cho tà áo bị hỏng, sờn và phai màu.

Bảo quản đúng cách để áo dài luôn đẹp như mới - Ảnh minh họa: Internet

Bảo quản đúng cách để áo dài luôn đẹp như mới - Ảnh minh họa: Internet

Cách giặt áo dài với từng chất liệu vải khác nhau

Áo dài nhung

Với loại vải “khó tính” này khi bị bám bẩn hay bị ố bạn hãy ngâm vải vào nước lạnh, sau đó, dùng bàn chải mềm cọ một ít bột giặt chà nhẹ nhiều lần cho đến khi sạch vết bẩn. Nếu bị dầu mỡ làm ố thì bạn dùng xăng nguyên chất tẩy sạch rồi đem giặt qua bằng nước lạnh.

Khi giặt xong bạn không nên vắt mạnh tay vì dễ làm vải bị nhăn nhúm lại, mất thẩm mỹ khi diện áo dài.

Sau khi đã giặt sạch, muốn ráo nước, không nên vắt mà chỉ nên ấn nhẹ.

Khi đã khô, dùng một que gỗ nhỏ đập nhẹ vào quần áo để lấy lại trạng thái phẳng phiu ban đầu cho nó tránh bị nhăn nhúm.

Khi đem treo trong tủ nên bỏ kèm vào 2 túi bột chống ẩm (không dùng long não). Và trong thời gian cất giữ, bạn hãy định kỳ lấy ra phơi vào chỗ mát, thoáng gió để vừa tránh được ẩm vừa giữ bền cho chiếc áo dài.

Áo dài lụa

Nhúng áo lụa vào trong nước ấm, có hòa xà phòng, tối đa trong 5 phút. Đảm bảo nước có độ ấm vừa phải. Nước quá nóng (quá lạnh) khiến đồ lụa bị giãn ra (hoặc co rút lại). Lấy xà phòng chà nhẹ vào vết bẩn trên áo. Tránh chà xát mạnh tay vì nó có thể làm hỏng áo.

Tráng lại đồ lụa với nước pha 40ml giấm trắng. Giấm pha nước giúp loại bỏ xà phòng và khôi phục độ bóng cho lụa.

Với lần giặt cuối, hãy dùng nước lạnh. Cho áo ra khỏi thau và bóp nhẹ đồ lụa. Sau đó, đặt áo dài lụa nằm thẳng trong chiếc khăn tắm to. Khăn tắm giúp hấp thu nước dư thừa và không làm quần áo bị nhàu do phải vắt.

Cuối cùng, phơi áo lụa ở nơi thoáng gió, không có ánh nắng trực tiếp.

Áo dài gấm

Đối với áo dài gấm, tuyệt đối không được sử dụng máy giặt mà nên giặt hoàn toàn bằng tay. Để tránh áo phai màu và bền đẹp, bạn có thể giặt tay bằng dầu gội đầu nhưng cách tốt nhất là giặt khô và dùng bàn ủi hơi nước.

Nếu giặt tay, nhiệt độ nước nên vừa phải, khoảng 30 độ. Không nên giặt quá nóng, sẽ bị mất độ bóng, còn quá lạnh sẽ làm vải bị co lại.

Khi phơi cần lộn quần áo phía trong ra ngoài. Chọn chế độ vải lụa khi ủi, nếu không có hãy trải một lớp vải mỏng lên và ủi như bình thường.

Áo dài phi bóng

Vải phi bóng thường không thấm hút mồ hôi, nhiều poly, bề mặt vải dễ bị trầy xước. Vì thế, bạn không nên tác động mạnh tới loại vải này.

Nếu giặt bằng máy nên giặt bằng dung dịch và xả nhiều nước. Nếu giặt bằng tay nên xả nhiều nước. Trường hợp áo dài của bạn có những vết loang, bạn có thể áp dụng một trong hai cách sau:

Dùng nước cốt chanh xát vào những chỗ bị loang vết bẩn rồi xả lại bằng nước.

Dùng cồn alcool 90 độ pha với nước rồi giặt bình thường.

Vài lưu ý khác

- Khi mặc áo dài, bạn nên giặt giũ ngay sau khi vừa mặc xong không nên để quá lâu. Vì áo dài bẩn càng lâu, vết bẩn càng bám dính vào áo dài, rất khó làm sạch hoặc khi làm sạch thì sợi vải dễ bị bào mòn, giảm độ bền. Đặc biệt nếu chất liệu áo là tơ lụa, bạn càng cần giặt ngay.

- Để tẩy các đốm thâm vàng trên áo do mồ hôi để lại, bạn có thể dùng chanh hoặc giấm.

- Tuyệt đối không dùng thuốc tẩy để giặt tẩy áo dài vì nó sẽ làm vải áo bị xơ, nhanh phai màu và giảm độ bền đẹp của áo.

- Sợi tơ tằm có kết cấu tương tự như tóc người, vì vậy bạn không nên phơi áo dài cách tân lụa nơi có ánh nắng trực tiếp, gay gắt sẽ làm áo nhanh phai màu, sợi vải giòn, khô và cứng.

- Lúc ủi cũng tương tự, bạn hãy dùng bàn ùi hơi nước hoặc ủi khi áo còn ẩm, cách khác đó là cho áo vào túi đậy kín và cho vào tủ lạnh một lúc rồi mang ra ủi sẽ tốt hơn.

- Khi không mặc đến, bạn hãy gấp áo lại và cho vào túi sạch để áo không bị bám bụi và luôn mềm mại.

Quỳnh Anh (t/h)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phai-dep-c-86/gia-dinh-thoi--c-151/mach-chi-em-cach-giat-va-bao-quan-ao-dai-97569.html