Macbook Pro/Air từ đời 2014 trở về trước có nguy cơ 'hỏng không sửa được'

Như thường lệ, mỗi năm, Apple lại bổ sung sản phẩm vào danh mục 'cổ điển', đồng nghĩa rằng nhiều dịch vụ liên quan sẽ không còn được bảo đảm như trước đây.

Nhiều người dùng vẫn ưa chuộng và trung thành với thế hệ Macbook 2013-2014.

Trong lần này, “Táo” đã chính thức đưa Macbook Air và Macbook Pro đời giữa 2013 và giữa 2014 (mid-2013 và mid-2014) vào nhóm nói trên. Đáng chú ý, đây là các dòng máy có độ phổ biến cao nhất, nhì từ trước đến nay.

Nhiều người dùng tới nay vẫn trung thành với các dòng máy nói trên không chỉ bởi chúng vẫn chạy tốt hệ điều hành macOS Catalina mới nhất, mà còn hiện diện đầy đủ các cổng giao tiếp cơ bản (như USB Type-A và khe cắm thẻ nhớ SD) thay vì chỉ có cổng USB-C như các thế hệ mới hơn. Ngoài ra, đây cũng là những máy cuối cùng còn sở hữu bàn phím kiểu truyền thống thay vì bàn phím cơ chế bướm thường xuyên gặp trục trặc và khó thao tác.

Đối với những máy bị xếp vào nhóm “cổ điển”, Apple sẽ không cung cấp cập nhật phần mềm theo định kỳ và không bảo đảm có thể sửa chữa mọi hỏng hóc ngay cả ở hệ thống dịch vụ chính hãng. Khi các loại linh kiện thay thế không còn sản xuất, đồng nghĩa rằng chuỗi dịch vụ (cả chính hãng và không chính hãng) sẽ chỉ còn lượng dự trữ nhất định để thay vào các máy gặp trục trặc. Một khi những linh kiện này cạn kiệt, đương nhiên việc sửa chữa máy hỏng trở nên bất khả thi. Một số dịch vụ “ngoài” có thể tận dụng linh kiện còn hoạt động trên các máy hỏng để thay thế sang, nhưng đương nhiên, chất lượng dịch vụ sẽ không thể bảo đảm, khả năng rủi ro về lâu dài cũng cao hơn.

Ngoài máy tính xách tay Macbook, Apple cũng đưa iPod thế hệ thứ 5 (Gen 5) vào danh sách “cổ điển” trong lần này. Dù vậy, đây là điều không quá ngạc nhiên vì mẫu iPod này đã không được nâng cấp phần mềm từ iOS 9.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/967232/macbook-proair-tu-doi-2014-tro-ve-truoc-co-nguy-co-hong-khong-sua-duoc