Mặc Trung Quốc ra sức 'lấy lòng', Mỹ vẫn quyết tâm trừng phạt

Một tháng trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc từng đưa ra lời đề nghị tưởng rằng Washington không thể chối từ.

Bắc Kinh đề xuất rằng trong dịp gặp mặt, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng công bố kế hoạch mở cửa ngành công nghiệp tài chính khổng lồ của nước này cho các công ty nước ngoài, nhiều nguồn tin thân cận cho biết. Đây là động thái mà những đời chính quyền Mỹ trước đây từng theo đuổi.

Trước sự kinh ngạc của Bắc Kinh, Washington tỏ ra vô cùng thờ ơ. Đề nghị được đưa ra lần thứ 2 trong một cuộc họp của ông Trump tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc. Nhiều giờ sau khi vị tổng thống Mỹ rời đi, Trung Quốc đã phải công bố một mình.

Tổng thống Trump và phu nhân trò chuyện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình (góc phải) ở sân Tử Cấm Thành ngày 8/11.

Thái độ lạnh nhạt này phản ánh một thay đổi cốt yếu trong cách Nhà Trắng xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy con đường gập ghềnh phía trước bất chấp không khí xung quanh chuyến thăm Trung Quốc ngày 8/11 của ông Trump.

Chính quyền ông Trump phản đối việc Mỹ nhượng bộ Trung Quốc trong thương mại và vừa kết thúc một quá trình xem lại chính sách của cường quốc châu Á. Theo đó, Nhà Trắng đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt thương mại để chống lại Bắc Kinh.

Bắc Kinh ra sức "làm thân", Washington không thèm để ý

Để ngăn Washington trừng phạt, Trung Quốc nỗ lực chứng minh thiện chí và mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Hồi tháng 10, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu vui mừng thông báo với các quan chức Mỹ về kế hoạch mở cửa ngành tài chính tại một hội nghị ở Washington. Đáp lại, phía Mỹ tin rằng kế hoạch này chỉ nhằm mục đích "làm chúng tôi chịu ơn họ và không đối phó với họ trên những mặt khác".

2 nhà lãnh đạo Mỹ -Trung xem kịch ở Tử Cấm Thành ngày 8/11.

Ngày 8/11, ông Trump được tiếp đón vô cùng long trọng và thậm chí còn là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời ăn tối trong Tử Cấm Thành. Tiếp đến là lời mời cùng công bố quyết định mở cửa ngành tài chính Trung Quốc. "Trung Quốc nhận ra rằng nước này không thể tiếp tục từ chối vốn nước ngoài", giáo sư He Fan tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây vẫn hoài nghi với tuyên bố mở cửa này vì Trung Quốc có lịch sử "cam kết rồi để đấy". Mỹ cũng cùng chung quan điểm, cho biết nước này "không đàm phán 'những mẩu bánh vụn', không hoan nghênh những thỏa thuận nhỏ có tác động hạn chế".

Chiến tranh thương mại liệu có xảy ra?

"Hiện nay, Mỹ tin rằng chỉ có đe dọa hành động đơn phương mới có thể buộc Trung Quốc thay đổi", Scott Kennedy, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết.

Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc hàng loạt biện pháp trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm vào Trung Quốc và dự kiến đưa ra vào đầu năm tới. Một trong số đó là việc dừng nhập khẩu nhôm thép dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia hay tăng giá các mặt hàng như pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu "để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước".

Ông Trump gọi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là chuyện "đáng xấu hổ".

Ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump, bộ này thông báo tiếp tục coi Trung Quốc là "nền kinh tế phi thị trường". Động thái này nhằm cho phép Mỹ áp thuế cao hơn với hàng nhập khẩu từ nước này với lý do sản phẩm được trợ cấp bất hợp pháp hoặc "bán phá giá". Sau đó, Washington áp thuế lên đến 162% đối với lá nhôm Trung Quốc và 194% đối với ván ép gỗ cứng. Bắc Kinh đã đệ trình đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Hồi tháng 8, Mỹ cũng mở một cuộc điều tra về "hoạt động thương mại không công bằng” của Trung Quốc và cáo buộc nước này gây sức ép bắt các công ty Mỹ chuyển giao sở hữu trí tuệ nếu muốn vào thị trường.

Tuy nhiên, chiến lược Trung Quốc mới cũng mang một nguy cơ đáng kể. Một số chuyên gia chính sách lo ngại việc này có thể gây ra một cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Ngược lại, những người ủng hộ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lại sợ rằng ông Trump có thể sẽ không theo đuổi con đường này đến cùng nếu Bắc Kinh ra sức "lấy lòng" hoặc nhà lãnh đạo bị cuốn vào các vấn đề nghị sự trong nước mà quên mất.

Trang Hồ/ Theo Wall Street Journal

Nguồn NDH: http://ndh.vn/mac-trung-quoc-ra-suc-lay-long-my-van-quyet-tam-trung-phat-20171120113654123p145c151.news