Mặc trừng phạt của Mỹ, Huawei phát triển mạng 5G tại Nga

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga để phát triển mạng 5G tại nước này trong năm tới.

TTXVN đưa tin, thỏa thuận trên được ký kết ngày 5/6 bên lề cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại Moskva trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tuyên bố của MTS cho biết thỏa thuận sẽ cho thấy "sự phát triển của các công nghệ 5G và sự tiên phong của mạng lưới thế hệ thứ 5 trong năm 2019-2020".

Tuyên bố dẫn lời Chủ tịch Hua Wei, ông Quách Bình cho biết ông "rất vui mừng" với thỏa thuận "trong lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược như 5G".

Động thái này diễn ra chỉ trong vòng 1 tháng sau lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei. Cụ thể, hôm 15/5, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ bán thiết bị công nghệ cao cho Huawei do nghi ngờ liên quan đến việc tập đoàn này làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Các chuyên gia cho rằng quyết định của Mỹ, sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần tới, có thể đe dọa đến sự "tồn vong" của Huawei, vốn phụ thuộc lớn vào các con chip của Mỹ trong mảng điện thoại thông minh.

Huawei và Mỹ đang chạy đua gắt gao trong cuộc chiến phát triển mạng 5G.

Huawei và Mỹ đang chạy đua gắt gao trong cuộc chiến phát triển mạng 5G.

Hôm 1/6, tờ Zing,vn có bài viết cho rằng chiến tranh 5G chính là lý do cho cú "búng tay" hủy diệt Huawei của chính phủ Mỹ.

Cụ thể, bài báo cho rằng, bị Huawei bỏ xa trong cuộc đua 5G cùng những lo ngại về an ninh, Mỹ và các đồng minh đang tìm mọi cách để hạn chế tầm ảnh hưởng của công ty công nghệ Trung Quốc này.

5G hay Thế hệ thứ 5 là tên gọi cho thế hệ mạng di động mới nhất. Nói một cách chuẩn xác hơn, đây là tập hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ sẽ điều chỉnh cách hoạt động của một mạng viễn thông, như các tần số vô tuyến, cách xử lý tín hiệu của thiết bị.

Mỗi thế hệ mạng di động sẽ tồn tại và bị thay thế trong khoảng 10 năm. Sau mạng 4G, đã được phổ biến tại hầu hết quốc gia, thế giới đang tiến lên công nghệ 5G. Tuy nhiên bước tiến lên 5G không chỉ là sự nâng cấp định kỳ.

Giống như những thế hệ trước, 5G mang tới sự cải tiến vượt trội về tốc độ kết nối mạng. Về mặt lý thuyết, tốc độ tối đa của mạng 5G sẽ gấp 100 lần 4G. Trong thử nghiệm thực tế của các nhà mạng, tốc độ 5G nhanh hơn khoảng 20 lần so với 4G.

Vì sao Mỹ lại "hiềm khích" với Huawei về vấn đề 5G?

Zing.vn cho rằng, thời điểm 10 năm trước khi nhà mạng Teliasonera của Thụy Điển bắt đầu xây dựng mạng 4G cho một loạt thành phố lớn tại Bắc Âu thì tại thành phố Oslo (Na Uy), Teliasonera lựa chọn công ty cung cấp thiết bị mà nhiều người chưa hề nghe tên: Huawei.

Theo Foreign Policy, nhiều chuyên gia trong ngành viễn thông nhận định 2009 đánh dấu vị thế mới của Huawei và thế giới lúc này biết đến Huawei như một công ty viễn thông với công nghệ vượt trội, cạnh tranh những đại gia châu Âu như Ericsson hay Nokia ngay trên sân nhà.

Thời điểm đó người Mỹ vẫn không mấy quan tâm đến Huawei. Đến năm 2012, đa số người Mỹ còn không biết Huawei là thương hiệu của lĩnh vực gì. Nhưng chỉ 7 năm sau, Huawei đã trở thành cái tên liên tục được nhắc đến.

Tháng 4/2019, trong một sự kiện công bố đấu giá băng tần cho mạng 5G, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:

Tốc độ phát triển 5G của Trung Quốc khiến Mỹ và nhiều nước đồng minh đau đầu.

“Với tốc độ này, năm sau Mỹ sẽ có nhiều dải băng tần 5G nhất trên thế giới. Đó là thông báo trọng đại, bởi, như mọi người biết, có một số người đã vượt chúng ta”.

Mặc dù không nhắc đến tên, có thể hiểu ông Trump đang ám chỉ Huawei, công ty đi đầu về thiết bị 5G trên thế giới. Việc một công ty Mỹ cho là có liên quan chặt chẽ tới chính quyền Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua công nghệ của tương lai khiến cho Mỹ và nhiều đồng minh đau đầu.

“5G là cuộc đua nước Mỹ buộc phải thắng”, ông Trump nói vào tháng 4/2019.

Mặc dù thực tế là, khi Huawei phát triển mạnh mẽ, ngành viễn thông Mỹ đã chững lại từ những năm 2000.

Ngày 15/5, ông Trump ký sắc lệnh đặc biệt, cấm các công ty bị coi là mối đe dọa an ninh bán thiết bị cho Mỹ, đồng thời chặn không cho những công ty này mua thiết bị thiết yếu từ Mỹ. Đây được coi là “vòng kim cô” gắn lên Huawei.

Chỉ trong 1 tuần sau, những tin xấu liên tiếp đến với công ty Trung Quốc. Google, Intel, Qualcomm, Xilinx, Micron đồng loạt lên tiếng ngừng hợp tác với Huawei. Không chỉ có vậy, ARM Holdings, công ty có trụ sở tại Anh cũng thông báo nội bộ về việc đình chỉ kinh doanh với Huawei.

Tuy nhiên, vẫn theo TTXVN, phản ứng về lệnh cấm trên, ngày 21/5, nhà sáng lập tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước, đồng thời nhấn mạnh "không công ty nào có thể đuổi kịp Huawei về công nghệ 5G trong 2-3 năm tới".

Ông cũng cho rằng Chính phủ Mỹ đang "đánh giá quá thấp các năng lực của Huawei".

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, người sáng lập kiêm CEO Huawei Nhậm Chính Phi đã đưa ra quan điểm của công ty trong bối cảnh bị Mỹ trừng phạt.

Nói với Bloomberg, người đứng đầu Huawei nói ông không mong đợi cũng như không hy vọng về một động thái “trả đũa” từ Chính phủ Trung Quốc để chống lại lệnh cấm của chính quyền Donald Trump.

“Thứ nhất, điều đó sẽ không xảy ra”, ông Nhậm khẳng định, “và thứ hai, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối”.

Huawei đã trở thành tâm điểm trên truyền thông cũng như trong lĩnh vực công nghệ suốt vài tháng qua khi các cơ quan an ninh Mỹ gọi công ty Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và kêu gọi người tiêu dùng tránh mua thiết bị Huawei.

Các cáo buộc khác về sở hữu trí tuệ và đánh cắp bí mật thương mại cũng làm tổn hại danh tiếng của công ty, mặc dù các bằng chứng về hành vi của công ty chưa được đưa ra.

Về phần mình, Huawei đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, đồng thời bày tỏ sự thiện chí trong việc cam kết không gây ra mối nguy hiểm đối với khách hàng.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mac-trung-phat-cua-my-huawei-phat-trien-mang-5g-tai-nga-a436912.html