Mắc kẹt giữa vòng xoáy lợi ích

Liên minh châu Âu (EU) đang sống trong nỗi sợ hãi về một cuộc khủng hoảng di cư mới, vốn từng ám ảnh 'lục địa Già' cách đây 5 năm với dòng người ồ ạt khi đó lên tới hơn 1 triệu người từ khu vực Trung Đông-Bắc Phi đổ về các nước tuyến đầu.

Chỉ vài ngày đầu tháng 3 này, Hy Lạp đã trở thành điểm nóng khi phải đương đầu với khoảng 13.000 người di cư, tập trung dọc đường biên giới dài 212 km giữa quốc gia thành viên EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng 24 giờ, lực lượng chức năng Hy Lạp đã chặn gần 10.000 người di cư tìm cách xâm nhập vào nước này qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đụng độ liên tục nổ ra tại biên giới, người di cư ném đá trong khi lực lượng an ninh Hy Lạp phải bắn đạn hơi cay. Dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng di cư vô tận đã thành hình.

Người di cư tập trung tại khu vực Pazarkule, Edirne, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, ngày 29/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư tập trung tại khu vực Pazarkule, Edirne, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, ngày 29/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Dòng người di cư đổ xô đến biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, hoặc đi thuyền cao su từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp, sau khi Ankara tuyên bố sẽ không ngăn cản những người muốn tới châu Âu và quyết định mở các cửa khẩu biên giới cho người di cư tràn sang châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ lấy lý do nước này không còn đủ sức để đối phó với làn sóng người di cư tràn sang từ Syria. Động thái mới của Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại thỏa thuận di cư mà EU và Ankara đạt được năm 2016, được xem như một cách gây áp lực với chính phủ các nước châu Âu về cuộc xung đột đang leo thang ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các tay súng phiến quân chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad.

Diễn biến thực địa ở Idlib hơn 1 tháng qua trở nên căng thẳng và phức tạp hơn sau khi Chính phủ Syria đẩy mạnh chiến dịch tấn công khủng bố và phiến quân ở khu vực Tây Bắc nhằm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước. Chiến thắng của quân đội Syria tại Idlib, tỉnh giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ, dường như mâu thuẫn với lợi ích của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ được cho đang "chống lưng" một số nhóm phiến quân tại Idlib, coi lực lượng này như "điểm tựa" để củng cố vai trò tại Tây Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ công khai phản đối chiến dịch của quân đội Syria ở Idlib, dẫn tới các cuộc tấn công, đối đầu trực diện giữa lực lượng hai bên. Chiến sự không ngừng leo thang ở Idlib gây thương vong lớn cho cả hai.

Có thể nói tình hình không thuận theo toán tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi Nga, được coi là "đồng minh tình thế" của Ankara trong vấn đề Syria, không ủng hộ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Sau những thiệt hại quân sự nặng nề tại tỉnh Idlib, có vẻ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rexep Tayyip Erdogan thấy mình "bị dồn vào chân tường" và phải quay sang các đồng minh phương Tây. Một mặt, Ankara gây áp lực đối với EU bằng việc "kích hoạt" dòng người tị nạn đến châu Âu, mặt khác Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi EU và cộng đồng quốc tế chia sẻ gánh nặng người di cư, đồng thời mong muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện sự đoàn kết thông qua hành động cụ thể.

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng "lá bài" người di cư để "mặc cả" với EU, mà thỏa thuận năm 2016 chính là "sự nhượng bộ bất đắc dĩ" của EU trước Ankara, song lần này, tình hình đang trở nên khẩn cấp hơn. EU đang trong giai đoạn khá nhạy cảm, liên minh 27 nước vừa chính thức "chia tay" Vương quốc Anh sau hơn 40 năm gắn bó, bởi vậy nhiệm vụ "chấn hưng nội bộ" để khẳng định sức mạnh của EU trở thành ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là bài toán hàn gắn sự chia rẽ, cân bằng lợi ích trong các vấn đề cốt lõi, chưa kể những vấn đề kinh tế và ngân sách ngày càng trở nên thách thức. Trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 lan rộng chưa thể kiểm soát tại "lục địa Già", mà Italy đang là mắt xích yếu nhất với gần 1.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 34 trường hợp tử vong tính đến ngày 2/3, khiến vấn đề người di cư từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang hóa thành "gót chân Achilless" đối với EU.

Theo thông tin của ông Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã có hơn 80.000 người di cư bất hợp pháp vượt qua biên giới phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu và con số này có thể còn tăng trong những ngày tới. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng EU phải có trách nhiệm bởi tình hình khủng hoảng nhân đạo, tình trạng mất nhà cửa do xung đột tại Syria không phải là vấn đề của riêng Thổ Nhĩ Kỳ mà của cả khu vực, châu Âu và toàn thế giới. Hai quốc gia láng giềng có biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ là Hy Lạp và Bulgaria đã phải gấp rút tăng cường lực lượng an ninh tới biên giới để không cho người di cư xâm nhập, song rõ ràng tình hình đang trở nên vượt tầm kiểm soát khi hàng nghìn người tị nạn, gồm cả người Syria, Iraq, Iran và Pakistan, vẫn tiếp tục đổ về tỉnh Edirne ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vào châu Âu. Hy Lạp đã đề nghị EU triệu tập cuộc họp ngoại trưởng khẩn cấp để tìm giải pháp.

"Lá bài" người di cư đầy hiểm hóc của Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy EU vào tình thế "mắc kẹt" trong cuộc đối đầu lợi ích giữa các bên tại điểm nóng Idlib của Syria. Lâu nay, EU hầu như không có vai trò đáng kể trong vấn đề Syria, kể cả trong các cuộc đối đầu quân sự lẫn trong tiến trình đàm phán hòa bình. EU cũng không tham gia trực tiếp "cuộc đấu" cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược tại khu vực này. Bởi vậy, dù bày tỏ thái độ quan ngại trước diễn biến leo thang căng thẳng tại tỉnh Idlib và yêu cầu các bên chấm dứt hành động tấn công quân sự, quay lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn Sochi, song dường như EU vẫn trong vai trò "khán giả". Thực tế thì Pháp và Đức đã cố gắng khởi động lại một hình thức gặp gỡ bốn bên, với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, để tạo cơ hội cho một giải pháp ngoại giao, nhưng EU không có chiến thuật phù hợp và không đưa ra được các lợi ích được cả hai bên chia sẻ.

EU chỉ thực sự tích cực trong việc đối phó với "các dư chấn" của cuộc xung đột ở Syria nói riêng hay Trung Đông nói chung, như trường hợp cuộc khủng hoảng làn sóng người di cư xuất phát từ khu vực bất ổn này tràn vào châu Âu, đồng nghĩa với đe dọa lợi ích của EU. Bằng quyết định "xé bỏ" thỏa thuận di cư năm 2016, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ muốn "ép" EU vào cuộc, buộc EU và các đồng minh NATO khác phải hành động trong một cuộc xung đột mà họ không muốn tham gia thêm.

Những rủi ro thực sự trước một làn sóng di cư lớn và sự dịch chuyển của các chiến binh thánh chiến sang châu Âu có thể buộc EU phải từ bỏ "vai trò khán giả" trong cuộc đối đầu lợi ích tại Syria. Tuy nhiên, bản thân EU có lẽ chưa thể tìm ra giải pháp hiệu quả và lâu dài để thoát khỏi "vòng xoáy đối đầu Idlib", khi mà liên minh 27 nước thành viên này vẫn đang "mắc kẹt" trong những mớ bòng bong khác, như câu chuyện thỏa thuận hạt nhân Iran chẳng hạn.

Kim Chung (PV TTXVN tại Liên minh châu Âu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/mac-ket-giua-vong-xoay-loi-ich-20200302164621685.htm