Mắc cùng lúc nhiều bệnh, người cao tuổi cần được điều trị tổng thể

Một người cao tuổi không chỉ mắc một loại bệnh mà thường mắc đa bệnh lý. Chính vì vậy trong việc điều trị, chăm sóc đòi hỏi khác với các đối tượng khác là phải tổng thể các biện pháp chứ không chỉ riêng một bệnh lý.

Đây là một trong những vấn đề được nhấn mạnh tại Tọa đàm “Hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc Người cao tuổi mắc một số bệnh nan y thường gặp” do Tổng cục DS-KHHGĐ, Báo Gia đình & Xã hội tổ chức ngày 7/11.

Các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng việc chuyên môn chăm sóc người cao tuổi cần điều trị tổng thể. Ảnh Chí Cường

Các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng việc chuyên môn chăm sóc người cao tuổi cần điều trị tổng thể. Ảnh Chí Cường

Người cao tuổi không chỉ mắc một bệnh lý

Đề cập đến những bệnh lý hay mắc phải ở người cao tuổi (NCT), PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết - Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết, theo số liệu thống kê ở nước ta, người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm có 10 bệnh hay gặp nhất là tăng huyết áp, tim mạch, bệnh lý mạch vành, rối loạn chuyển hóa, xương khớp, ung thư…

Đặc biệt cuộc sống phát triển, các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkison, sa sút trí tuệ, bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa khớp, loãng xương; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… cũng gặp nhiều hơn ở người cao tuổi.

Điều đáng quan tâm là những NCT mắc các bệnh lý này thường không riêng lẻ một bệnh mà đa phần mắc cùng lúc nhiều bệnh. Có những người mắc tới 5 – 6 bệnh cùng lúc. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vì vậy là lĩnh vực hết sức chuyên biệt. Với một bệnh để đảm bảo chăm sóc đã phức tạp, khi cơ thể NCT cùng lúc mắc nhiều bệnh, công tác chăm sóc đòi hỏi tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị khó khăn hơn.

Chẳng hạn, để chữa cụ thể một bệnh lý thì đưa ra phương án này là tốt nhất nhưng đem cân chỉnh trên cơ địa nhiều bệnh lý đó chưa chắc đã là cách tốt nhất mà phải tìm cách khác. Khi đó, đòi hỏi bác sỹ phải nắm vững một cách tổng thể điều trị, xem ưu tiên điều trị bệnh nào trước.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Lê Đức Hinh – Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam cũng cho rằng, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác. Đa phần là họ mắc đa bệnh lý. Bệnh lý thường gặp ở NCT là các bệnh lý về mạch máu não mà trong những biểu hiện cấp tính gọi là những cơn đột quỵ não.

Bên cạnh đột quỵ não cũng có cũng có những trường hợp khác rất nặng nề liên quan đến tuần hoàn não, rối loạn vận mạch não. Đó có thể chỉ là những cơn nhức đầu, chóng mặt, choáng váng…

GS.TS Lê Đức Hinh – Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam cho biết, người cao tuổi thường mắc đa bệnh lý. Ảnh chí Cường

Khi chăm sóc bệnh cho người cao tuổi không chỉ lo có 1 – 2 bệnh mà đòi hỏi phải nhìn tổng thể vì nhiều bệnh liên quan đến nhau. Cũng cần phải xem việc dùng thuốc của họ đã dùng thế nào bởi có một tình trạng là vì mắc nhiều bệnh, qua nhiều năm nên NCT sử dụng nhiều thuốc. Ngoài ra khi gặp những vấn đề sâu vào một lĩnh vực nào đó nên cùng trao đổi với đồng nghiệp. Trên cơ sở đó sẽ có những biện pháp điều trị cụ thể.

“Không chỉ điều trị bệnh lý được quan tâm mà cả vấn đề tâm lý NCT. Những người cao tuổi rất quan trọng về mặt tâm lý, họ rất cần tình yêu thương và sự quan tâm của con cháu và người bên cạnh, đây cũng chính là một trong những điều quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người già. Việc điều trị, chăm sóc tổng thể sẽ giúp người cao tuổi sức khỏe tốt hơn”– GS.TS Đức Hinh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trong quá trình chăm sóc các bệnh cho NCT ngoài thuốc men, tập luyện vẫn cần có sự chăm sóc định kỳ. Nhiều NCT mắc bệnh lại không tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị bệnh của các bác sĩ. Có những người bệnh vì tin mách bảo hơn tin bác sĩ nên hay có kiểu dùng thuốc theo người nọ, người kia. Việc làm này hết sức nghiêm trọng vì như nói ở trên người bệnh không phải chỉ mắc một bệnh lý. Do đó, NCT cần thay đổi thói quen “xấu” này . Không cùng nền bệnh, không thể dùng thuốc một cách tùy tiện.

Dinh dưỡng trong chăm sóc hết sức quan trọng

Các chuyên gia tham dự tọa đàm đã nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe NCT không phải là một việc đơn giản. Để chăm sóc tốt cho sức khỏe người cao tuổi bạn phải cần hiểu được những nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.

PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia tại buổi tọa đàm " Hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc Người cao tuổi mắc một số bệnh nan y thường gặp" ngày 7/11. Ảnh Chí Cường

PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, người xưa vẫn có câu“bệnh từ miệng mà vào”. Với những người bình thường, vấn đề ăn uống đã phải quan tâm, ở người cao tuổi càng quan trọng hơn. Người già thường thay đổi sinh lý, khả năng tiêu hóa, ăn nhai kém cho nên lựa chọn thực phẩm thực phẩm phù hợp với khả năng ăn nhai, tiêu hóa cần lưu tâm.

Trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trước một số bệnh lý cần chú ý:

- Thứ nhất, kiểm soát cân nặng: Một điều thường thấy ở NCT là có người rất béo, có người rất gầy. Cả hai đều không bình thường về mặt dinh dưỡng nên cần phải kiểm soát cân nặng. Với bệnh cơ xương khớp mà béo, thừa cân sẽ luôn luôn gây quá tải cho hệ cơ xương khớp. Người gầy lại phải tăng cân lên vì gầy quá không có khối cơ, đi lại không vững.

- Thứ 2, chế độ ăn cần quan tâm chất bột đường phức hợp. Người già thích ăn nhanh, tiện, lại tiết kiệm. Trong chất bột đường cần quan tâm đến chất xơ. Chất xơ không chỉ làm cho chỉ số đường huyết của bữa ăn giảm đi, kiểm soát gluco trong máu của người già được tốt hơn mà còn tránh tình trạng táo bón. Đôi khi chỉ vì điều này lại làm cho huyết áp của NCT tăng lên.

- Thứ 3, chế độ ăn của người già cần chú ý đến chất lượng chất béo làm sao cung cấp đủ axit béo không no cần thiết như axit omega 3, omega 6… Điều này liên quan nhiều đến sự tinh tường của đôi mắt, sức khỏe tim mạch, trí nhớ của người già.

- Thứ 4, người già cần có chế độ ăn ít muối. Hiện khẩu phần ăn của chúng ta là gấp đôi lượng muối quy định. Kiểm soát được lượng muối sẽ kiểm soát được bệnh huyết áp.

- Thứ 5, chú ý đến uống nước. Người già ít uống nước trong khi cơ thể cần có nước để mọi chuyển hóa trong cơ thể xảy ra bình thường.

- Thứ 6, ăn đủ rau vì có nhiều vitamin, chất xơ, chất khoáng thực vật giúp cho người già có thể tăng hệ miễn dịch, đỡ táo bón.

Cuối cùng người già cũng cần dành thời gian hợp lý trong ngày để vận động phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ưng thư các loại, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ. Đa số bệnh này đều ít nhiều liên quan tới lối sống và nói chung phải điều trị suốt đời.

GS.TS Lê Đức Hinh

Phương Thuận – Mai Thùy

Ảnh: Chí Cường

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/mac-cung-luc-nhieu-benh-nguoi-cao-tuoi-can-duoc-dieu-tri-tong-the-20181108095258979.htm