Mặc cảm tội lỗi của người vợ khiến chồng phạm tội giết tình địch

Hà đã cam chịu tất cả, đã cố quên đi cảm giác dằn vặt và mất mát, một lòng dốc sức chạy vạy vay mượn anh em, bạn bè để có tiền đền bù cho gia đình người đã khuất, mong chồng được giảm án.

Bài 1: Đòn ghen của người chồng có vợ ngoại tình

Mặc cảm tội lỗi

Ngày hôm sau, người ta phát hiện một xác chết có nhiều vết chém trên người ở cánh đồng làng Gạch. Ngày tiếp theo nữa, vợ chồng Hà - Bính bị bắt. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bính nhưng cho Hà được tại ngoại vì cô đang nuôi con nhỏ.

Hà, người phụ nữ gày gò như ngã quỵ trước nỗi đau trong phiên xét xử. Trước khi ra tòa là những tháng ngày dài chị đối diện với phiên tòa dư luận và tòa án lương tâm. Sự phẫn uất của mẹ chồng, gia đình nhà chồng, những tiếng chì tiếng bấc của làng xóm luôn dồn nén, sẵn sàng đâm xỉa vào chị bất cứ lúc nào... Hà cam chịu tất cả, chị cố quên đi, một lòng dốc sức chạy vạy vay mượn anh em, bạn bè để có tiền đền bù cho gia đình người đã khuất, mong chồng được giảm án.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Bính nhận án 23 năm tù giam. Sau đó, anh được giảm án xuống còn 18 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm do Tòa án xét thấy người bị hại cũng có lỗi phần nào trong vụ án, gia đình Bính lại đã nỗ lực khắc phục hậu quả, đền bù cho gia đình bị hại.

Chồng đi tù, tình nhân thiệt mạng, bản thân mang tiếng xấu – với Hà vết thương lòng chắc chắn phải rất lâu mới liền miệng.

Những ngày cô đơn và cay cực, Hà đã nghĩ đến cái chết. Nhưng nghĩ đến 2 đứa con dại bơ vơ, người mẹ chồng già yếu giờ đây không ai chăm sóc, cô xác định mình phải sống. Hà biết mình phải sống để làm lụng nuôi con, tiếp tế cho chồng – đó cũng là cách duy nhất để vơi dần cảm giác dằn vặt vì lỗi lầm quá lớn.

“Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, sau bao năm lạnh lùng, mẹ chồng cũng đã tha thứ cho Hà. Bà thương người con dâu tần tảo, một vai gồng gánh kinh tế nuôi con thơ, mẹ già. Lẽ thường, cha mẹ - ông bà chẳng bao giờ bỏ được con, cháu, dù cho đó là đứa con đã lỡ lầm.

“Cảm ơn mẹ và anh đã tha thứ cho tôi. Cảm ơn lòng mẹ bao dung đã cho tôi có cơ hội ở lại gia đình này mà sửa chữa lỗi lầm của mình” – đó là câu nói mà Hà nhiều lần nhắc đi nhắc lại khi kể câu chuyện đời mình.

Hai người đàn bà đằng sau một bản án

Bi kịch sẽ không xảy đến nếu như ngày ấy Hà tỉnh táo hơn, biết làm chủ cảm xúc để không sa đà vào chuyện tình cảm bất chính; nếu như khi biết chuyện, anh Bính biết kiềm chế cơn ghen mù quáng... Nhưng điều tồi tệ đã xảy đến, nạn nhân đã thiệt mạng, người gây tội phải đền tội, chỉ còn lại phía sau là một gia đình với mẹ già, con mọn...

Luật sư Mai Ngọc, người nhận trách nhiệm bào chữa cho Hà tại tòa, đặc biệt ấn tượng về vụ án khiến vợ chồng Hà – Bính phải đứng trước vành móng ngựa. Bà vẫn nhiều lần quay trở lại ngôi nhà ở làng Gạch để thăm gia đình Hà sau khi vụ án đã khép lại.

Thời gian đầu, nữ luật sư cảm nhận rõ sự ghẻ lạnh của mẹ chồng với Hà. Trong ngôi nhà vắng đàn ông ấy, hai người phụ nữ một già một trẻ cứ lầm lũi như 2 cái bóng... Họ lặng lẽ trong nỗi đau riêng, trong những dằn vặt của riêng mình. Thế nhưng những lần gặp sau, càng ngày tình cảm của họ càng ấm dần. Sự bao dung của mẹ anh Bính đã đem đến cảm giác bình yên trong gia đình.

“Khi tôi về thăm gia đình, bà cụ vẫn ngân ngấn nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ. Nhưng người bà, người mẹ ấy thực sự có một tấm lòng vị tha rất lớn. Bà nói giận thì có giận con dâu, nhưng vẫn thương nó lắm. Vắng chồng, nó một mình lo mọi việc, tôi già yếu chẳng giúp được gì” – nữ luật sư kể chuyện.

“Những đứa trẻ vẫn lớn lên và cần có sự chăm sóc, yêu thương. Thật may là chúng vẫn được bà, được mẹ che chở. Tôi tin họ sẽ giữ được mái ấm yên lành, chờ người đàn ông chấp hành xong án tù trở về sum họp” – Luật sư Mai Ngọc chia sẻ.

(Bài viết dựa theo một vụ án có thật, tên các nhân vật và địa danh đã được thay đổi)

Phương Anh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/mac-cam-toi-loi-cua-nguoi-vo-khien-chong-pham-toi-giet-tinh-dich-d9905.html