Mặc cảm tội lỗi của cô gái nhiều năm bị người thân bỏ quên

Rụt rè và nói tiếng Kinh chưa sõi là hai đặc điểm nổi bật ở Vừ Thị Hoa, SN 1982, ở xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, người phụ nữ đang cải tạo bản án chung thân ở trại giam Ninh Khánh. Đi trại cải tạo đã 5 năm rồi nhưng Hoa chưa một lần được người thân thăm gặp, vì thế mà bên cạnh những tiêu chuẩn phạm nhân thường được phát trong những dịp lễ Tết, Hoa luôn có tên trong danh sách những phạm nhân được nhận quà riêng của trại giam. Hoa bảo đó là động lực để cô thấy mình không bị bỏ rơi và từ món quà đầy tính động viên khích lệ mà tự nhận thấy có trách nhiệm hơn với bản thân trên bước đường cải tạo.

Trả giá đắt vì xách thuê ma túy

33 tuổi bước chân vào trại giam, Hoa bỏ lại sau lưng một gia đình nhỏ vắng bàn tay người phụ nữ, ngày ngày chỉ có người chồng đi nương đi rẫy một mình chèo chống lo nuôi dạy hai đứa con nhỏ. Tâm sự với chúng tôi, nữ phạm nhân này bảo, xác định chuyến đi này của cô sẽ rất dài và chẳng hy vọng ngày trở về sẽ được người thân đón nhận. Hoa bảo đã đoán trước rằng chồng cô rồi sẽ đi lấy vợ khác vì không thể tiếp tục cuộc sống một mình vò võ nuôi con để chờ đợi người vợ ra đi không biết khi nào trở về. Ngay cả người thân của cô có lẽ cũng quên Hoa rồi, chẳng thế mà mấy năm không một lần xuống thăm cô. “Dù không được người thân ngó ngàng tới thì tôi cũng không trách ai cả, vì lỗi là do tôi gây nên. Cũng có thể bố mẹ, các anh chị có nghĩ tới tôi nhưng vì điều kiện nên không thể xuống thăm tôi được”, Hoa tâm sự.

Theo lời nữ phạm nhân này kể thì cô ta sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con và vì gia cảnh khó khăn nên gần một nửa trong số họ không được cắp sách tới trường. Ngay cả bản thân Hoa dù may mắn được theo học lớp văn hóa do bộ đội biên phòng tổ chức thì cũng chỉ được 2 năm là bỏ nên giờ chữ nghĩa cũng rơi rụng hết cả. Rồi cuộc sống quay cuồng với những lo toan thường nhật cho một gia đình nhỏ đã khiến Hoa lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền. Hoa bảo, hai đứa con may mắn hơn mình là được đi học, thế nhưng tương lai của chúng lại bị chính người mẹ như cô làm cho hoen ố. Nhắc tới hai đứa con nhỏ, Hoa tỏ ra ân hận rồi khẽ quay đi, giấu hai hàng lệ đang ứa ra không để người khác nhìn thấy. Hoa bảo, rất nhớ và thương các con, chỉ mong chúng khỏe mạnh và tha thứ cho người mẹ tội lỗi này.

Theo lời Hoa kể thì ban đầu cô cũng ao ước được sống yên ổn với ngôi nhà nhỏ của mình, nhưng cuộc sống ở mảnh đất có biệt danh là “rốn ma túy” Na Ư thì không tránh khỏi những cám dỗ vật chất khi mà hàng ngày đập vào mắt là cảnh nhiều người bỏ nương vào rừng xách thuê ma túy. Cảnh con nghiện vật vờ vì đói thuốc, rồi chết vì sốc, vì bệnh tật không khiến người ta sợ hãi bằng việc đói ăn, thiếu mặc. Nhất là khi thấy bên cạnh những con nghiện vật vờ ấy vẫn có nhiều người từ ma túy mà rủng rỉnh tiền tiêu, mua được xe máy, tậu được nhà nên dù biết là nguy hiểm thì những người như chị em Hoa vẫn cứ lao vào. Hoa bảo ma túy cho gia đình cô tiền để đong gạo, mua rượu cho chồng nhưng rồi cũng vì ma túy đã đẩy gia đình cô vào cảnh tan vỡ. Mẹ đi xách thuê ma túy rồi sau đó kéo theo hai người con là Hoa và anh trai. Trước khi Hoa bị bắt, mẹ bỏ đi đâu không rõ. Cô chỉ biết được có thế vì đã lâu không nhận được tin gia đình.

“Ngày ở nhà tôi không lo lắm đâu vì nếu không đi làm cửu vạn ma túy thì lại lên nương rồi vào rừng chặt củi, đào măng, làm gì có thời gian để mà nghĩ. Vào đây rồi, được học văn hóa, được cán bộ phổ biến kiến thức pháp luật mới thực sự hiểu hơn về tội trạng của mình mà thấy lo cho người thân”, Hoa nói. Bị bắt quả tang đang trên đường vận chuyển thuê ma túy từ biên giới về Điện Biên, Hoa bị TAND tỉnh Điện Biên tuyên phạt mức án chung thân. Cuối năm 2015, cô về trại giam Ninh Khánh cải tạo lao động ở đội trồng rau.

Các nữ phạm nhân trại giam Ninh Khánh đang cuốc đất trồng rau. Ảnh: N.Vũ

Các nữ phạm nhân trại giam Ninh Khánh đang cuốc đất trồng rau. Ảnh: N.Vũ

Quyết tâm cải tạo để sớm được xuống án

Là một trong số những phạm nhân có mức án dài đang cải tạo lao động ở đội trồng rau của phân trại, Hoa bảo đó là một đặc ân mà cô may mắn có được bởi đa số những phạm nhân có mức án dài và nhiều tiền án, tiền sự đều phải lao động trong rào vây. Ban đầu cô cũng làm việc trong nhà nhưng do mấy năm liền chấp hành tốt nội qui và chăm chỉ lao động nên mới được đưa về đội trồng rau. Hàng ngày cùng chị em phạm nhân vác cuốc ra đồng xới đất trồng rau, Hoa bảo công việc giống như ngày còn ở nhà khiến cô cảm thấy được an ủi phần nào.

Cô bảo ngày đầu mới ra đồng, thấy xung quanh có núi, có rừng thì nhớ nhà lắm nhưng lâu dần lại cảm giác nơi mình đang đứng chẳng khác gì mảnh đất đã sinh ra và lớn lên. Có khác chăng, theo lời Hoa là không nghe được tiếng trẻ con bi bô gọi mẹ. “Tôi xác định là sống trong trại cải tạo ít nhất cũng phải hơn chục năm nữa mới có cơ hội trở về. Chắc chắn lúc ấy con cái tôi đã trưởng thành cả hết rồi, không biết chúng có đón nhận tôi hay không nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải cố gắng để được ra sớm ngày nào hay ngày đó”, Hoa bộc bạch suy nghĩ của mình.

Hoa bảo cùng buồng có mấy người cùng quê Điện Biên, cũng gia cảnh khó khăn nên dễ thông cảm và hay tâm sự, chia sẻ với nhau trong sinh hoạt hàng ngày. Hoa bảo, tuy cô và những người bạn này không lao động cùng một đội nhưng sự quây quần bên mâm cơm mỗi buổi chiều đi lao động về khiến họ cảm thấy nỗi cô đơn trong lòng được vợi bớt. Thay vào cảm giác trống vắng, thiếu hụt sự quan tâm của gia đình, Hoa và những người bạn tìm thấy tiếng nói chung để vỗ về, chia sẻ, động viên nhau. Cô bảo tuy mỗi người vào tù vì các tội khác nhau và ai cũng có hoàn cảnh riêng nhưng đều có chung suy nghĩ là cố gắng cải tạo tốt để sớm được ra trại. “Có một quy tắc chung là chúng tôi không bao giờ nhận xét về tội lỗi của nhau mà chỉ nói lời động viên, an ủi nhau và giúp đỡ nhau mỗi khi đau ốm hay mệt mỏi. Vào đây rồi ai cũng có nỗi khổ riêng cả”, Hoa bày tỏ.

Cô bảo, nhiều khi thấy cuộc sống trong tù của mình có cơm ăn, áo mặc, được xem tivi, học văn hóa lại chạnh lòng nghĩ tới người ở nhà. Cô mong sao con cháu mình ở nhà đừng bước vào vết xe đổ của người đi trước, chịu khó học hành để tránh xa cạm bẫy. Cô cho biết, sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án và sớm trở về đoàn tụ với gia đình dù biết đó chỉ là hy vọng mong manh.

Nguyễn Vũ - Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mac-cam-toi-loi-cua-co-gai-nhieu-nam-bi-nguoi-than-bo-quen-211928.html