Ma túy hoành hành bản Kẻ Nính (Bài 1: Về nơi 'bão trắng' đi qua)

Khi người dân tứ xứ kéo về Quỳ Châu khai thác gỗ, đàn ông ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, H. Quỳ Châu (Nghệ An) cũng đổ xô vào rừng làm thuê. Để có sức khỏe làm việc, các phu gỗ chuyền nhau hít, chích một thứ 'thần dược' chết người, đó là ma túy. Khi những cánh rừng ở xã Châu Hạnh nát bươm bởi nạn khai thác gỗ trái phép cũng là lúc Kẻ Nính tan hoang bởi 'cơn bão trắng' và đại dịch HIV/AIDS.

Khi người dân tứ xứ kéo về Quỳ Châu khai thác gỗ, đàn ông ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, H. Quỳ Châu (Nghệ An) cũng đổ xô vào rừng làm thuê. Để có sức khỏe làm việc, các phu gỗ chuyền nhau hít, chích một thứ “thần dược” chết người, đó là ma túy. Khi những cánh rừng ở xã Châu Hạnh nát bươm bởi nạn khai thác gỗ trái phép cũng là lúc Kẻ Nính tan hoang bởi “cơn bão trắng” và đại dịch HIV/AIDS.

Ông Hoàng Văn Thám - CA viên xã Châu Hạnh nhớ lại thời điểm HIV/AIDS hoành hành bản làng.

Ông Hoàng Văn Thám - CA viên xã Châu Hạnh nhớ lại thời điểm HIV/AIDS hoành hành bản làng.

“H” khắp bản làng

Chúng tôi tìm đến Kẻ Nính (xã Châu Hạnh, H. Quỳ Châu, Nghệ An) vào một ngày cuối tháng 10-2018. Vượt qua chiếc cầu treo xây dựng từ năm 2015, Kẻ Nính hiện ra sau bãi ngô, mía tít tắp. Ít ai ngờ rằng, nơi đây đã từng là nơi bị cô lập của H. Quỳ Châu khi cơn lốc ma túy và đại dịch HIV/AIDS tràn đến. Thời điểm đó, Kẻ Nính gần như là khu biệt lập với thế giới bên ngoài, khi “cơn bão trắng” tràn qua cũng là lúc Kẻ Nính tan hoang, xơ xác.

Trưởng CAX Châu Hạnh Lương Văn Thuận kể lại: Những năm 90 của thế kỷ trước, khi những cánh rừng già của xã Châu Hạnh còn bạt ngàn gỗ, người khắp nơi nườm nượp đổ về khai thác bất hợp pháp. Đó là những toán người ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định hay Nghĩa Đàn (Nghệ An)... tràn đến đem theo máy móc, phương tiện về khai thác gỗ như một đại công trường trên rừng. Máy móc, xe cộ ngày đêm ầm ào, họ thuê người dân địa phương vào bãi để vận chuyển gỗ ra khỏi bìa rừng. Thời đó, đàn ông, con trai trong bản đều kéo nhau đi làm gỗ hết. Để có sức khỏe làm việc, họ được chủ gỗ đưa ma túy cho dùng. Hít xong người lại khỏe ra, làm mọi việc cứ phăng phăng mà không hề biết đó là ma túy. Ban đầu chỉ hít cho vui rồi dần dần, các phu gỗ phải lệ thuộc vào nó. Khi liều lượng hít không đáp ứng được thì họ lại chuyển sang chích. Cả chục người chích chung 1 cái kim và lây truyền HIV từ người này sang người khác mà không ai hay biết.

“Khoảng thời gian từ 2004-2009, đàn ông đi rừng làm gỗ trở về nhà được một thời gian dần dần ốm đau, bệnh tật rồi chết đi. Cứ 1 - 2 ngày lại nghe tin một người trong bản chết, thậm chí có ngày 2-3 người chết. Thấy những người chết này đều cùng chung 1 triệu chứng nên mọi người mới đặt một dấu chấm hỏi về căn bệnh mà nhiều người mắc phải. Lo sợ, hoang mang, nhiều người đi bệnh viện khám mới hoảng hốt khi biết mình “có H” (nhiễm HIV). Bố truyền sang mẹ, mẹ lây sang con, có nhiều gia đình cả nhà đều nhiễm bệnh. Các con tôi không đứa nào nghiện, nhưng con gái thứ 3 lấy chồng mắc bệnh nên cũng bị lây”, ông Hoàng Văn Thám- CA viên bản Đình Tiến nhớ lại.

Cũng theo ông Thám, khoảng thời gian từ năm 2010 – 2012, người Kẻ Nính hoang mang tột độ. Người dân sợ hãi, tâm lý chán nản, không dám đi đâu, làm gì; ăn uống gì cũng sợ lây bệnh. Đặc biệt, thời gian đầu sự kỳ thị đối với người “có H” rất lớn, bản thân người có bệnh cũng tự ti, cô lập mình. Rồi nghèo đói, sinh ra trộm cắp, mất an ninh trật tự. Kẻ Nính trở thành một khu biệt lập, dù chỉ cách thị trấn Quỳ Châu chừng 10km.

Đường vào Kẻ Nính đã được bê-tông hóa.

Nghị lực của những người có “H”

Chị Lương Thị Nga- Trạm trưởng Trạm y tế xã Châu Hạnh, cho biết: Tính đến đầu tháng 10-2018, cả xã có 126 người đang uống thuốc điều trị ARV riêng 4 bản vùng Kẻ Nính có 80 người, 25 người đã tử vong vì AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV của 4 bản này giảm theo thời gian nhưng số người nghiện ma túy lại có xu hướng tăng lên. Năm 2015 có dự án Path của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tư thì công tác tư vấn, tuyên truyền, xét nghiệm, cấp phát thuốc... được đảm bảo, tỷ lệ người nhiễm “H” được kiểm soát. Từ năm 2017 đến nay, cả xã chỉ ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm mới.

Trong số 80 người có “H” ở Kẻ Nính, chị Lương Thị H. (1984, trú bản Đình Tiến, xã Châu Hạnh) là một ví dụ điển hình về ý chí, nghị lực kiên cường, sẵn sàng đương đầu, chống chọi với căn bệnh thế kỷ này. Chồng cũ của chị H. trong lần đi làm gỗ, chích chung kim tiêm với bạn ở trong rừng cũng vô tình nhiễm “H”. Năm 2010, sau trận ốm “thập tử, nhất sinh”, chị H. đưa chồng đi kiểm tra mới phát hiện mắc bệnh.

“Thời điểm đó, hai vợ chồng suy sụp lắm. Bác sĩ cũng khuyên hai mẹ con nên đi kiểm tra. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng khi cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, tôi không dám tin vào mắt mình. Cả hai mẹ con đã bị lây nhiễm từ bố. Buồn lắm, sốc lắm nhưng lúc đó nghĩ rằng nếu mình buông xuôi thì lấy ai để chăm sóc chồng, con. Cố gắng gượng dậy chăm lo cho chồng và 2 tháng sau anh ấy mất”, chị H. kể.

Mất đi người đàn ông trụ cột gia đình, chị H. đã cố gắng làm lụng, chăm sóc đứa con mới tròn 3 tuổi. Không chịu đầu hàng trước số phận, chị bỏ mặc mọi mặc cảm và lời đàm tiếu của dư luận. Chị tìm đến cơ sở y tế xã và huyện nghe tư vấn rồi lấy thuốc ARV uống đều đặn. Giờ đây chị H. đã có một gia đình hạnh phúc. Mặc dù, người chồng mới của chị cũng có “H” nhưng với chị chỉ những người cùng cảnh ngộ mới hiểu và thông cảm cho nhau. Gia đình chị chuẩn bị đón chào đứa con thứ 2 hoàn toàn khỏe mạnh –đứa con không có “H”.

(còn nữa)

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_197977_ma-tuy-hoanh-hanh-ban-ke-ninh-bai-1-ve-noi-bao-tra.aspx