Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Sự thật những vùng nguyên liệu trăm ha

Với lời quảng cáo có cánh về việc có vùng nguyên liệu từ hàng trăm, hàng nghìn ha tại Thanh Hóa, Lạng Sơn…, Công ty Cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đã huy động vốn của nhà đầu tư dưới chiêu trò chuyển nhượng cổ phần, trả lãi suất cao. Tuy nhiên, làm việc với chính quyền địa phương, người trồng mắc ca, nhiều sự thật được phơi bày khi Tiền Phong phát hiện vùng nguyên liệu mắc ca mà công ty này giới thiệu đều là 'ảo'.

Theo chủ khu vườn mắc ca tại Văn Lãng, khu mắc ca của Cty Macca Nutrition Việt Nam đang được rao bán và chưa thu hoạch được vụ nào. Ảnh: Đức Nguyễn

Theo chủ khu vườn mắc ca tại Văn Lãng, khu mắc ca của Cty Macca Nutrition Việt Nam đang được rao bán và chưa thu hoạch được vụ nào. Ảnh: Đức Nguyễn

Vẽ dự án mắc ca là chiêu lừa tinh vi

Trong vai nhà đầu tư mua đất trồng cây mắc ca, phóng viên gặp bà Đàm Thị Bư, chủ vườn mắc ca tại thôn Bó Mịn, xã Bắc Hùng (trước tháng 1/2020 thuộc xã Tân Việt, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Đây cũng chính là nơi mà Cty Macca Nutrition Việt Nam quảng cáo có 7 ha mắc ca và quay hàng loạt video “khách hàng tham quan vùng nguyên liệu của Macca Nutrion Việt Nam” để thu hút các nhà đầu tư.

Thấy có người về tìm hiểu cây mắc ca, bà Bư vồn vã dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn. Bà Bư cho biết, gia đình bà là hộ đầu tiên đưa cây mắc ca về trồng ở huyện Văn Lãng. Từ cuối năm 2014, bà mua lại 7 ha đất tại thôn Bó Mịn của ông Trần Văn Trang, ông Chu Văn Hưu để trồng khoảng 500 gốc mắc ca.

Năm đầu tiên, cây lác đác chỉ thu hoạch được 4 tạ hạt, nhưng các năm sau đó, lượng hạt tăng gấp đôi. Đến năm 2019, khi cây bắt đầu phát triển, Cty Macca Nutrition Việt Nam nghe tin nên lên tận vườn ngỏ ý mua lại.

“Lúc đó, bí tiền quá nên cô bán cho công ty 0,6 ha, với hơn 100 gốc, giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khu này chỉ là cây giống, phía công ty cũng chưa thu hoạch được vụ nào”, bà Bư nói.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề mua đất để trồng mắc ca, bà Bư lập tức chỉ tay về khu đất của Cty Macca Nutrition Việt Nam có treo tấm biển “Vùng nguyên liệu Cty cổ phần Macca Nutrion Việt Nam” nói: “Đây, công ty này đang bán với giá khoảng 1,5 tỷ đồng đấy. Rao từ đầu năm nay nhưng chưa có ai mua”.

Bà Bư cho biết, sau khi mua lại 0,6 ha, Cty Macca Nutrition Việt Nam đóng biển, quây thép gai kín khu đất. Cứ cuối tuần, công ty lại đưa từng đoàn người lên quay phim, chụp ảnh và quảng cáo rất rầm rộ.

“Ông Lê An Trung, Tổng giám đốc còn bảo sắp tới sẽ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở rộng trồng mắc ca và khu chế biến thu mua sản phẩm của bà con. Nhưng từ cuối năm ngoái, không thấy công ty lên lần nào nữa. Công ty nhờ tôi bán hộ miếng đất để lấy tiền về Thanh Hóa đầu tư”, cô Bư nói và tỏ ra buồn rầu vì chưa kịp hợp tác, công ty Macca Nutrition Việt Nam đã bỏ đi.

Hàng ngày có nhiều nhà đầu tư đến giao dịch, góp vốn đầu tư sau khi nghe những quảng cáo rầm rộ của Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam Ảnh: Đức Nguyễn

“Riêng Cty Macca Nutrition, có thời gian về cắm biển làm clip quảng cáo loạn hết mấy tỉnh khu vực Đông Bắc. Đến nay, chúng tôi cũng chưa thấy mặt mũi công ty này là công ty nào”.
Ông Đinh Long Xuyên,
Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng

Ông Nông Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Hùng cho biết, trên địa bàn xã, hiện chỉ có một số hộ dân trồng cây mắc ca tự phát, trong đó nổi bật gia đình bà Đàm Thị Bư với khoảng 7 ha. Đây là diện tích đất mà một số hộ dân tại thôn Bó Mịn chuyển nhượng lại cho bà Bư và được UBND xã chứng nhận quyền sử dụng.

Theo ông Tuấn, năm 2019, UBND xã cũng nhận được thông tin nhiều người lạ tụ tập về thôn Bó Mịn quay phim, chụp ảnh. Qua kiểm tra, UBND xã thấy có tấm biển của Cty Nutrition Việt Nam cắm ở một khu trồng cây mắc ca trong khu đất nhà bà Bư. “Công ty này chưa bao giờ liên hệ với chính quyền hay thông báo có dự án, đầu tư tại xã Bắc Hùng gì cả. Việc bà Bư chuyển nhượng lại đất cho Công ty Nutrition Việt Nam đến nay, UBND xã cũng chưa nhận được hồ sơ”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Long Xuyên, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết, theo quy định, đối với dự án đầu tư 1 ha trở lên, phải được sự cho phép của các sở, ngành. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Văn Lãng chưa có văn bản cho phép công ty nào trồng cây mắc ca trên địa bàn, cũng như chưa có công ty nào về huyện đặt vấn đề đầu tư cây mắc ca.

Chưa có dự án mắc ca nào được duyệt ở Thanh Hóa

Với thông tin vùng nguyên liệu mắc ca hàng trăm ha tại xã Thành Tân, Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa), chúng tôi tìm về xã Thành Tân, Thành Vân. Người dân tại đây cho biết, duy nhất gia đình ông Phạm Văn Hồ trồng thử nghiệm mắc ca từ những năm trước. Xung quanh chưa có hộ gia đình nào trồng mắc ca.

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm vào cuối đường của thị trấn Vân Du (Thạch Thành) nhưng cũng không thấy khu vực trồng cây mắc ca quy mô lớn nào.

Ông Vũ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Thành Tân khẳng định không có diện tích nào trồng mắc ca trên địa bàn xã Thành Tân. Ngay xã Thành Vân bên cạnh, nay đã sáp nhập vào thị trấn Vân Du - nơi có hộ gia đình ông Hồ trồng mắc ca, ông Lê Xuân Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du (Thạch Thành) khẳng định, chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc quy hoạch hay trồng cây mắc ca tại địa bàn.

“Là đơn vị quản lý hành chính tại địa phương, chúng tôi chưa nhận được hồ sơ hay dự án nào của doanh nghiệp đăng ký trồng cây mắc ca. Khu vực trồng mắc ca của gia đình ông Hồ trực thuộc đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành (Thanh Hóa) quản lý”, ông Dương khẳng định.

Dù Công ty Macca Nutrition “nổ” có dự án giai đoạn 1 lên tới 200 ha và hướng tới 1.000 ha trong tương lai tại Thạch Thành và đã được Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cấp phép song,, tại buổi làm việc với PV Tiền Phong ngày 16/6, ông Lê Quang Quyền - Chánh văn phòng Sở KH&ĐT Thanh Hóa sau khi kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án đăng ký đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khẳng định: đến nay, chưa có dự án nào của công ty Macca Nutrition.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ có dự án trồng thử nghiệm cây mắc ca của gia đình ông Phạm Văn Hồ tại Thạch Thành. Việc trồng cây mắc ca trên địa bàn mới mang tính chất thử nghiệm của hộ gia đình. Muốn nhân rộng dự án quy mô lớn, doanh nghiệp phải thành lập đề án, lấy ý kiến các cơ quan chức năng như Sở NN&PTNT sau đó trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mới được phép thực hiện.

Muốn triển khai dự án trồng cây mắc ca với diện tích vài trăm ha trở lên, doanh nghiệp cần xây dựng đề án phát triển cây chủ lực của địa phương để tránh việc phát triển ồ ạt. Bộ NN&PTNT đến nay cũng chưa có đánh giá về hiệu quả trồng thử nghiệm cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chưa khuyến cáo, chưa có định hướng để mở rộng.

“Doanh nghiệp nói như thế (tức quảng cáo vùng nguyên liệu rộng lớn ở Thanh Hóa -PV) nhưng chưa làm gì. Nếu muốn thực hiện, DN phải xây dựng đề án. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nếu khó khăn trong việc ra định hướng sản xuất có thể xin cấp bộ nhưng hiện nay chưa có bất cứ thông tin gì về dự án mở rộng trồng cây mắc ca”, một lãnh đạo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết.

(Còn nữa)

Nhóm PV KT-XH

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ma-tran-goi-von-da-cap-thoi-40-su-that-nhung-vung-nguyen-lieu-tram-ha-1691984.tpo