Ma trận đa cấp

Với 6.053 người bị hại đến thời điểm xét xử vụ lừa đảo xảy ra tại Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) do Lê Xuân Giang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị là một trong những vụ án liên quan đến hoạt động đa cấp lớn nhất từ trước tới nay.

Để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Lê Xuân Giang cùng 6 đồng phạm dùng nhiều thủ đoạn để các bị hại tưởng rằng công ty do mình thành lập thuộc Bộ Quốc phòng, từ đó tin tưởng đầu tư, mua sản phẩm. Đặc biệt, nhờ những mánh khóe được ngụy tạo bằng các chương trình khuyến mãi, thưởng (trong đó có chương trình chỉ cần nộp 8,6 triệu đồng sẽ được hưởng lãi lên tới 409 triệu đồng), Công ty Liên kết Việt đã lôi kéo được hơn 68.000 người tham gia với tổng số tiền lên tới gần 2.100 tỉ đồng, để chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.

Vụ việc trên một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của “vòi bạch tuộc” đa cấp biến tướng. Không phải là loại hành vi phạm tội mới, nhưng thủ đoạn lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp với nhiều vỏ bọc phức tạp, chiêu thức mới lạ, vẫn đang tiếp tục đưa hàng trăm nghìn người vào bẫy với số tiền rất lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình kinh doanh đa cấp tự bản chất của nó không hề xấu, không hề gian dối. Vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình ứng dụng mô hình này vào việc phân phối sản phẩm, chính người sản xuất đã chi phối đã tính toán ngay từ đầu hòng để trục lợi, biến nó thành đa cấp biến tướng với rất nhiều hình thái khác nhau như lợi dụng chất lượng sản phẩm, nâng khống công dụng sản phẩm, bán những sản phẩm ảo, huy động vốn trả lãi ngay...

Tuy nhiên có thể nhận thấy, đa cấp biến tướng thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, lòng tham, hám lợi trước mắt của nạn nhân, biến người tiêu dùng thành người phân phối sản phẩm, lôi kéo khách hàng để hưởng lợi.

Đáng lo ngại là thủ đoạn lừa đảo đa cấp qua hình thức đầu tư bất động sản, doanh nghiệp du lịch, tổ chức tín dụng, hãng bảo hiểm, sàn thương mại điện tử và gần đây là công ty “khởi nghiệp sáng tạo” đang là chiêu thức phổ biến, được nhiều đối tượng áp dụng để dụ dỗ “con mồi”. Các đối tượng hoạt động thông qua nhiều hình thức như mua cổ phần, huy động vốn, mua phân quyền kinh doanh, đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, dự án... Đa số lập nhóm kín để hoạt động theo hình thức online, rất khó phát hiện.

Thế nên, không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn đổ tiền vào những tập đoàn lừa đảo đa cấp trá hình xuyên quốc tế qua các website, đại lý trung gian. Nguy hiểm hơn, nhiều người sẵn sàng tham gia đầu tư vào các mặt hàng đa cấp bất hợp pháp hoặc chưa được Nhà nước Việt Nam quy định như: tiền kỹ thuật số, vàng ảo, các sàn giao dịch Forex Liber, AFGold, Bitomo...

Trước viễn cảnh hào nhoáng cùng lời mời gọi bùi tai, nhiều người không ngần ngại bỏ hết vốn liếng, huy động tiền bạc của gia đình, người thân, thậm chí vay nặng lãi để dồn tiền vào những hợp đồng vô giá trị. Ðến thời điểm nhất định, khi đã chiếm dụng được số lượng tài sản theo ý đồ, kẻ lừa đảo mới tìm cách tẩu tán bằng cách tuyên bố phá sản, chuyển đổi mô hình công ty, dừng hoạt động, hoặc bỏ trốn.

Dư luận cho rằng, hàng vạn người sẽ tránh được cạm bẫy của các công ty “siêu” lừa đảo như Liên kết Việt, Alibaba, nếu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng hoặc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép.

Thiết nghĩ, trước biến tướng phức tạp của lừa đảo kinh doanh đa cấp, trước mắt, Nhà nước cần xiết chặt việc cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp; xử lý nghiêm các hình thức đa cấp biến tướng thông qua mạng xã hội.

Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép để người dân sớm nhận diện và phòng tránh, bản thân mỗi người dân, nhà đầu tư phải thận trọng, không chạy theo các lợi ích mơ hồ, phù phiếm để rồi bị những kẻ “kinh doanh lòng tham” lợi dụng.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ma-tran-da-cap-post436143.html