Mã QR tại Trung Quốc: Từ doanh nhân đến ăn xin, hát rong đều ưa chuộng

Mã QR thực sự bùng nổ tại Trung Quốc khi đủ mọi thành phần kinh tế, xã hội đều ưa chuộng hình thức này cho thanh toán và các dịch vụ khác.

Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang tăng cường sử dụng smartphone để mua mọi thứ, từ túi xách thiết kế đến món ăn đường phố. “Trái tim” của cuộc bùng nổ thanh toán di động tại đây chính là mã QR, những hình ảnh hai chiều được tạo ra từ vô số ô vuông nhỏ đen trắng.

Tại Mỹ và châu Âu, mã QR (viết tắt của ‘quick response’ – phản ứng nhanh) chưa bao giờ thực sự cất cánh. Chúng chỉ dần phổ biến trong ứng dụng mạng xã hội như Snapchat, Facebook và Spotify khi yêu cầu người dùng quét mã vạch để mở khóa bộ lọc, kết bạn hay truy cập danh sách chơi nhạc.

Song, tại Trung Quốc, QR có mặt khắp nơi, chúng được dùng bởi đủ mọi thành phần, từ nhà bán lẻ lớn, chợ vỉa hè hay thậm chí cả ăn xin và hát rong. Theo Sen Wei, Phó Giám đốc một viện nghiên cứu về mã QR, thị trường QR ở đây vô cùng khổng lồ và vẫn đang tăng trưởng. Ông ước tính năm 2016 có hơn 1,65 nghìn tỷ USD giao dịch dùng mã QR, chiếm khoảng 1/3 tất cả thanh toán di động ở nước này.

WeChat Pay của Tencent và Alipay của Aibaba là các ứng dụng thanh toán di động thống trị. Mọi người dùng chúng để trả tiền mua hàng bằng cách quét mã QR hay trưng mã cá nhân cho thu ngân. Tiền được rút từ ví di động liên kết với tài khoản ngân hàng.

“Nếu không làm, bạn sẽ thua cuộc”

Nhà kinh tế học Pan Helin cho biết do mã dễ tạo và sử dụng, chúng được các cửa hàng bán lẻ và người buôn bán nhỏ lẻ - vốn không chấp nhận thẻ tín dụng - ưa chuộng. Mã QR được ứng dụng theo vô số cách khác nhau.

Hồi tháng 4/2017, truyền thông Trung Quốc đăng tải những bức ảnh về một phù dâu tại Bắc Kinh, người đeo một mã QR quanh cổ để thu thập quà mừng cưới cô dâu chú rể. Theo truyền thống, khách mời sẽ tặng phong bì đỏ chứa tiền cho cặp đôi mới cưới nhưng phù dâu nói rằng đeo mã QR giúp cho những ai quên mang theo tiền mặt.

Dù vậy, nó cũng có nhược điểm khi quá đơn giản và dễ truy cập. Nó trở nên yếu ớt hơn trước những kẻ lừa đảo, cố lừa người dùng quét mã vạch để cài virus được thiết kế để trộm tiền hoặc thông tin cá nhân.

Trong khi đó, chủ doanh nghiệp đơn giản là không thể không dùng mã QR. Alan Wong, một doanh nhân người Mỹ đang sở hữu 15 nhà hàng Nhật Bản tại Thượng Hải và Bắc Kinh, nói: “Nếu không làm, bạn sẽ mất doanh thu”. Wong thêm tùy chọn thanh toán bằng mã QR cho nhà hàng chưa đầy 2 năm trước và dự báo chúng chiếm khoảng 70% giao dịch trong tương lai gần.

Ngoài thanh toán, mã còn được dùng cho đủ loại dịch vụ khác ở Trung Quốc, chẳng hạn trao đổi danh thiếp hay cho thuê xe đạp. Nhà chức trách cũng không đứng ngoài cuộc. Tại Hàng Châu, nơi Alibaba đặt trụ sở, chính quyền địa phương đã kết nối một vài dịch vụ công với Alipay. Người dân từ nay có thể quét mã QR để trả tiền vé giao thông công cộng, hóa đơn tiện ích, tiền khám bệnh. Các thành phố lớn khác cũng đang đi theo hướng này.

Ở tầm quốc gia, Bộ Công nghệ thông tin và công nghiệp Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào mã QR. Các chuyên gia dự đoán sau cùng, nó có thể được dùng cho các văn bản chính thống như giấy khai sinh, visa và thẻ căn cước.

Du Lam (Theo CNN)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/ma-qr-tai-trung-quoc-tu-doanh-nhan-den-an-xin-hat-rong-deu-ua-chuong-158857.ict