Mả Lạng thành khu đô thị phức hợp hiện đại: Còn không ít băn khoăn

Hơn 1.400 căn nhà, gần 10.000 người dân đang sinh sống trên khoảng 70.000m2 đất tại khu 'tứ giác vàng' sẽ phải di dời đi nơi khác.

Việc di dời này để chuẩn bị cho cuộc “cách mạng”, biến “vùng đất dữ” thành khu đô thị phức hợp hiện đại. Tuy nhiên, việc cuộc “cách mạng” ấy vẫn còn đó nhiều trăn trở, băn khoăn.

Còn nhiều băn khoăn

Khu Mả Lạng được bao trọn bởi các cung đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu và Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM), từng được ví là “vùng đất dữ”. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này đang trên đà chuyển mình, khi các bên liên quan đã có những động thái bước đầu, để biến khu này thành một khu đô thị hiện đại, sau gần 20 năm “quy hoạch treo”.

Ngày 19/7, PV tìm đến khu vực này để ghi nhận thông tin. Phía mặt tiền các cung đường như: Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi hay Trần Đình Xu hoạt động mua bán, kinh doanh… vẫn diễn ra nhộn nhịp. Riêng đường Cống Quỳnh, ngoài ngôi chợ Thái Bình, tại góc đường giao với Phạm Ngũ Lão, nhiều du khách người nước ngoài ra vào tấp nập càng làm cho con phố trở nên tất bật hơn.

Tuy nhiên, đi sâu vào bên trong các con hẻm nhỏ, có nơi chỉ đủ cho một người đi bộ là chi chít nhà dân. Nơi đây chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh, tường rêu ẩm mốc, tối đen,... khiến không gian càng chật chội, tù túng.

PV hỏi về kế hoạch di dời khi dự án triển khai, nhiều người tỏ ra vui mừng, cũng không ít người lo lắng.

PV hỏi về kế hoạch di dời khi dự án triển khai, nhiều người tỏ ra vui mừng, cũng không ít người lo lắng.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bức xúc về việc dự án bị “treo” trong nhiều năm nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Hoàng Tính, người dân sống trong hẻm, đường Cống Quỳnh (quận 1) cho biết: “Hơn 10 năm, dự án làm lỡ nhịp cuộc sống của người dân khu Mả Lạng nói riêng và sự phát triển của TP. nói chung mà chẳng có cán bộ, công chức nào bị kỷ luật. Chuyện này có nên xem là chuyện bình thường?”.

Trước những bức xúc trên, trong cuộc họp với người dân để phổ biến thông báo thu hồi đất tại dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) vừa qua, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM đã xin lỗi về sự chậm trễ này.

Ông Hải cho biết: “Thay mặt lãnh đạo, chính quyền quận 1, tôi gửi lời xin lỗi đến toàn thể bà con ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh vì đã để dự án bị treo nhiều năm. Từ đây đến tháng 9/2017, quận và chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ”.

Ông Hải cũng khẳng định, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án đúng tiến độ, quận sẽ đề nghị TP. loại nhà đầu tư này ra khỏi dự án. Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2000, TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng để thực hiện quy hoạch chỉnh trang thành khu đô thị và giao cho tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Tuy nhiên, dự án vẫn nằm yên. Do đó, đến năm 2007, UBND TP.HCM lại giao cho công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thực hiện.

Về phía chính quyền quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải cũng cho biết: “Dự kiến, cuối năm 2017 sẽ công bố mức giá đền bù cho người dân cụ thể. Việc thẩm định giá đền bù sẽ tính theo giá thị trường, dựa trên giao dịch mua bán nhà trong khu vực và có cơ quan chức năng chứng nhận. Công việc này sẽ thực hiện minh bạch, công khai cho người dân nắm”.

Từng "nổi tiếng" về nhiều tệ nạn xã hội

Về địa danh Mả Lạng, PGS.TS Lê Trung Hoa, chuyên gia về địa danh học tại TP.HCM cho biết: “Mả Lạng có dạng gốc là Mả Loạn. Những ngôi mộ bị bỏ hoang, những cái giếng không dùng nữa thì gọi là mả loạn, giếng loạn. Khu dân cư tại phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), có trên 10 ngôi mộ không ai chăm sóc nên gọi là khu mả loạn. Sau này, 2 từ này bị nói và viết chệch thành Mả Lạng. Nơi đây từng “nổi tiếng” với việc mua bán, sử dụng “cái chết trắng” và nhiều tệ nạn xã hội khác”.

Thanh Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ma-lang-thanh-khu-do-thi-phuc-hop-hien-dai-con-khong-it-ban-khoan-a333405.html