M777 Mỹ - siêu lựu pháo số 1 thế giới?

Trong thực tế, siêu lựu pháo M777 Mỹ vẫn có không ít khiếm khuyết

M777 - siêu lựu pháo mới nhất thế giới…

M777 là lựu pháo 155 mm do Hệ thống chiến đấu toàn cầu của Tập đoàn BAE Systems sản xuất để thay thế lựu pháo M198 của Thủy quân Lục chiến và Lục quân Mỹ từ năm 2005. M777 khởi đầu có tên gọi là Lựu pháo Chiến trường Siêu nhẹ (Ultralight Field Howitzer - UFH), do Phòng Vũ khí của VSEL tại Barrow-in-Furness (Vương quốc Anh) phát triển, được Tập đoàn BAE Systems mua lại sau khi các nguyên mẫu được sản xuất và trình diễn, và được đặt lại tên là M777.

Ngoài 1.001 hệ có trong biên chế của các lực lượng vũ trang Mỹ, lựu pháo M777 cũng có trong trang bị của Lục quân Úc (54), Canada (37), Ấn Độ (145 hệ trong đó 25 hệ nhập nguyên bản từ Mỹ, số còn lại sẽ sản xuất tại Ấn Độ) và Ả Rập Saudi (70). M777 từng tham chiến tại Iraq, Afghanistan, chiến tranh Chechen lần hai, chiến tranh Syria, Yemen.... Nó cũng từng xuất hiện tại cuộc tập trận chung Kamandag 3 giữa Mỹ và Philippines ở đảo Luzon, trên Biển Đông và được trình diễn ở Nhật. Các ứng viên tiềm năng mua M777 gồm có Chile, Đan Mạch, Ý, Nhật Bản và Bồ Đào Nha.

M777 từng tham chiến tại Afganistan; Nguồn: wikipedia.org

M777 từng tham chiến tại Afganistan; Nguồn: wikipedia.org

M777 có khối lượng 4,200kg (hiện là pháo dã chiến 155mm có trọng lượng nhẹ nhất thế giới, nhẹ hơn 41% so với M198 nhờ sử dụng rộng rãi titan); thời gian triển khai: 2 phút 10 giây; thời gian thu pháo: 2 phút 23 giây; có chiều dài 10,7m khi tác chiến và 9,5m khi hành quân; kíp chiến đấu gồm 5-7 thành viên (so với 9 của M198). M777 có thể được vận chuyển bằng trực thăng, máy bay vận tải hoặc được kéo bởi các phương tiện vận tải có trọng lượng trên 2,5 tấn, có khả năng cơ động hơn rất nhiều so với các loại pháo tương tự của Nga - lợi thế trong tác chiến sơn cước, dễ triển khai tại khu vực bờ biển để chống đổ bộ.

M777 có thể bắn 2 viên đạn/phút, khi cần - 5 viên/2 phút với hệ thống khai hỏa điện tử; sử dụng được nhiều loại đạn để tấn công các loại mục tiêu khác nhau; tầm bắn ngắn nhất là 24km; với đạn tăng tầm (ERFB) - 30 km, và đạn thông minh M982 Excalibur dẫn đường gằng GPS - tới 40km. M777 là một trong số ít những dòng pháo có nòng được mạ crom (tăng thời gian khai thác đến 50%, dễ dàng lau chùi và tăng độ chính xác cho mỗi phát bắn trong điều kiện chiến trường ác liệt). Từ các kết quả thử nghiệm xuất sắc, quân đội và báo chí Mỹ coi đây là những khẩu "súng bắn tỉa" của lực lượng pháo binh.

M777 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tương tự lựu pháo tự hành M109A6 Palladin để dẫn hướng, chỉ điểm và tự định vị. Điện được cung cấp bởi một động cơ hybrid điện-quay mới, độc đáo do Liquid Piston thiết kế và chế tạo. M777 Canada sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số do Leonardo MW sản xuất. Năm 2014, quân đội Mỹ bắt đầu một số nâng cấp M777 bao gồm trang bị các màn hiển thị tinh thể lỏng, cập nhật phần mềm... và tiến tới trang bị màn hình cảm ứng, máy tính mới và radio kỹ thuật số. Tháng 5/2017, Quân đội Mỹ tiết lộ, đã mua đạn tiên tiến BONUS của Thụy Điển, kết hợp cảm biến quét mặt đất để tìm mục tiêu và tấn công xuyên phá từ trên không.

Dòng lựu pháo mới nhất của Mỹ và khối NATO này có các biến thể: M777 - có điều khiển hỏa lực; M777A1 - nâng cấp số hóa, bổ sung nguồn điện, định vị toàn cầu bằng vệ tinh, dẫn hướng bằng quán tính, radio kỹ thuật số…; M777A2 - nâng cấp phần mềm Block 1A, bổ sung ngòi cảm ứng di động pháo binh nâng cao (EPIAFS) để kích hoạt và tăng độ chính xác của đạn Excalibur; M777ER - sử dụng pháo có chiều dài bằng 52 lần cỡ nòng (thêm 1,8m nòng pháo và khoảng 450kg cho toàn hệ), nâng cự li bắn từ 30 lên 70km - đang là dự định.

M777A2 Australia trong một lần diễn tập; Nguồn: wikipedia.org

Loại đạn pháo mới nhất cỡ 155mm của Mỹ vừa được hoàn tất thử nghiệm dùng laser dẫn đường phép M777 bắn trúng các mục tiêu di động ở khoảng cách lớn không khác gì pháo phản lực. Trên lý thuyết, sai lệch mục tiêu của loại đạn pháo này chỉ vài mét ở tầm bắn bắn tối đa 40km. Hiện tại, quân đội Mỹ chỉ có duy nhất loại đạn pháo cỡ 155mm được trang bị hệ thống đầu dò tiên tiến bằng laser.

… nhưng “chưa được đánh giá đầy đủ”?

Theo các chuyên gia quân sự, điểm yếu chí tử của lựu pháo M777 là không có khả năng hạ góc nòng pháo. Cụ thể, khẩu lựu pháo 155mm này có khả năng nâng góc nòng lên tối đa 71,7 độ và chỉ có thể hạ nòng xuống tối đa 0 độ. Khi bố trí M777 trên cao điểm, nó sẽ chỉ có thể bắn cầu vồng xuống dưới chứ không thể bắn thẳng được.

Mấy ngày gần đây, các phương tiện thông tin Ấn Độ đề cập nhiều đến chất lượng của lựu pháo quân đội nước này tậu về. Trong các cuộc thử nghiệm dã ngoại tại một cơ sở huấn luyện ở Pokran, một trong hai khẩu M777A2 đầu tiên mới được bàn giao đã gặp sự cố - nòng bị vỡ, may là mà không ai bị thương. Các khẩu pháo chuyên dụng này được mua để bố trí dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và không thể thay thế, độ tin cậy của chúng ảnh hưởng lớn đến khả năng tác chiến của Ấn Độ tại khu vực.

Theo các thông tin của quân đội Ấn Độ bị rò rỉ, hiệu quả của M777A2 là “chưa được đánh giá đầy đủ”, và các lựu pháo không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo một số tiêu chí tối quan trọng trong các thử nghiệm dã ngoại trước đây. Hindustan Times đưa tin, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã có báo cáo rằng, M777A2 không hoạt động tốt, ví dụ, khi khai hỏa trực tiếp, việc đáp ứng các yêu cầu chính yếu về di chuyển bằng đường không có vấn đề - trong khi đây là lý do chính mà hệ lựu pháo này được chọn để mua.

Ngoài ra, còn có những hạn chế nghiêm trọng của nòng pháo, tầm bắn tối thiểu và một số vấn đề khác. Quân đội Mỹ yêu thích hệ thống pháo này chỉ vì M198 tệ hơn, và pháo tự hành "Paladin" M109A6, cũng không được người Mỹ coi là tốt. Các trường hợp bị vỡ nòng của M777 xảy ra khá nhiều và thường không liên quan đến việc trong một thời gian dài nòng pháo không được lau chùi, hay để đá hoặc đất rơi vào nòng mà không loại bỏ chúng trước khi khai hỏa. Năm 2011, tại Fort Bragg, M777 đã phát nổ và có 10 thương vong.

M777 không dễ dàng vận chuyển bằng đường không như vẫn tưởng; Nguồn: picuki.com

Tháng 2/2014, cũng tại Fort Bragg, một binh sĩ bị chết và hai binh sĩ khác bị thương nặng khi nòng M777 bị xé toạc trong khi khai hỏa. Một tháng sau, ba lính Úc bị thương nặng trong khi bắn pháo. Cũng có thương vong trong tình huống chiến đấu, ví dụ, ngày 12/8/2017, tại Iraq, trong cuộc bao vây Mosul, 2 binh sĩ chết và 5 binh sĩ bị thương vì nòng pháo vỡ (người Mỹ vẫn đang cố gắng thuyết minh vụ này là do máy bay không người lái gây ra).

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ mua vũ khí Mỹ và nghiệm thấy chất lượng và giá cả không tương xứng. Việc nước này tiếp tục mua các hệ thống vũ khí không hoàn hảo có thể làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chiến đấu và khiến các lực lượng vũ trang của họ phải trả giá trong chiến tranh. Thương vụ M777 đang là một chỉ dấu đáng báo động đối với chiến lược mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự của Ấn Độ. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ và một số chính trị gia đối lập - những người đang không làm ngơ trước vụ việc - hy vọng rằng, các kết luận và bài học cần thiết sẽ phải được rút ra từ lịch sử và thực tế./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/m777-my-sieu-luu-phao-so-1-the-gioi-1011761.vov