M-SHORAD có xứng đáng là đối thủ thực sự của Pantsir-S1?

Lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ và châu Âu trong tương lai gần sẽ tiếp nhận hệ thống phòng không tầm ngắn mới nhất M-SHORAD do General Dynamics phát triển.

Dự kiến một tiểu đoàn gồm 32 tổ hợp như vậy sẽ được triển khai tại Đức vào tháng 9 năm nay, trong khi đó Quân đội Mỹ sẽ nhận tổng cộng 4 tiểu đoàn. Lầu Năm Góc nói rằng M-SHORAD không thua kém gì so với Pantsir-S1, nhưng điều này có thực sự chính xác?

Vấn đề đầu tiên cần xét tới chính là xe bọc thép chở quân Stryker của Mỹ được lấy làm nền tảng cho hệ thống phòng không mới, trên đó có module vũ khí điều khiển từ xa với pháo tự động 30 mm, tích hợp 2 tên lửa chống tăng AGM-114L Hellfire Longbow và một bệ phóng cho 4 tên lửa phòng không FIM-92 Stinger.

Theo các nhà phát triển từ Tập đoàn General Dynamics, thiết bị điện tử của M-SHORAD không hề thua kém Pantsir-S1. Radar của Israel cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu kiểu máy bay chiến đấu ở khoảng cách 25 km, máy bay không người lái cỡ nhỏ sẽ bị nhìn thấy từ cự ly 3,5 km, trong khi đạn pháo và bom có thể nhận diện cách xa 5 - 10 km.

Bên cạnh đó, hệ thống vũ khí mới nhất của Mỹ sẽ "để ý" đến các phương tiện bọc thép mặt đất ở khoảng cách ít nhất 17 km và đủ vũ khí để tiêu diệt chúng từ xa, cụ thể là thông qua tên lửa Hellfire.

Ngoài radar, M-SHORAD còn nhận được một hệ thống ngắm bắn quang - điện tử đa phạm vi với hai kênh quang học và hồng ngoại có độ phân giải cao. Tất cả những điều này trông rất ấn tượng, nhưng theo đánh giá từ giới quân sự Nga thì sức mạnh của vũ khí trên vẫn chưa đủ.

M-SHORAD được coi là câu trả lời "đanh thép" từ Mỹ trước Pantsir-S1 của Nga

Đầu tiên, radar tích hợp trên "đứa con tinh thần" của General Dynamics có khả năng theo dõi mục tiêu di chuyển với tốc độ lên đến 1.485 km/h, trong khi đó khí tài trên Pantsir-S1 tự tin "nắm giữ" các vật thể bay với tốc độ 3.600 km/h.

Hơn nữa, tên lửa FIM-92C/E Block I Stinger vô dụng khi chống lại "mục tiêu lạnh" (bom, máy bay không người lái nhỏ...), và nó chỉ có khả năng bắn hạ những mục tiêu "nóng" bay ở tốc độ không quá 1.700 km/h, ngay cả khi chúng có sức cơ động thấp.

Nhìn sang Pantsir-S1, tên lửa 57E6 của Nga có thể bắn trúng các vật thể bay với tốc độ lên tới 4.680 km/h. Mặc dù đạn đánh chặn của Nga không tích hợp đầu tự dẫn và phải nhận lệnh từ đài chỉ huy nhưng điều này không quá quan trọng.

Khả năng chống thiết giáp hiện là điểm mạnh của M-SHORAD, nhưng Nga cũng đang nghiên cứu việc tích hợp thêm đạn tên lửa đa năng Hermes vào tổ hợp Pantsir-S1, khi đó hệ thống phòng không của Nga thậm chí còn diệt được thiết giáp từ khoảng cách lớn hơn nhiều.

Sau khi đánh giá một vài đặc điểm cơ bản, các chuyên gia Nga cho rằng nhìn chung, hệ thống M-SHORAD của Mỹ có những đặc điểm khá đáng nể, nhưng nó không thể được gọi là câu trả lời chính thức đối với Pantsir-S1.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/m-shorad-co-xung-dang-la-doi-thu-thuc-su-cua-pantsir-s1-3431891/