M&A gặp thời vì quỹ thoái vốn

Áp lực thoái vốn của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra nguồn cung dồi dào cho thị trường mua bán, sáp nhập (M&A).

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ VOF (thuộc VinaCapital), trong năm nay, quỹ này sẽ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển và tìm kiếm các cơ hội M&A tại Việt Nam.

Cụ thể, VOF sẽ tập trung đầu tư vào 5 lĩnh vực chính là hàng tiêu dùng và bán lẻ, ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Theo VOF, quỹ này dự kiến chi 100 triệu USD đầu tư vào 5 công ty.

Trong đó, 3 công ty thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, một công ty hoạt động trong ngành truyền thông và một công ty sản xuất thức ăn cho tôm.

VOF kỳ vọng, trong quý II/2013, sẽ hoàn thành 1 - 2 thương vụ, số còn lại sẽ kết thúc vào quý III/2013.

Tuy nhiên, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho hay, đến thời điểm này, VOF chỉ còn theo đuổi 4 khoản đầu tư và khoản đầu tư vào công ty sản xuất thức ăn cho tôm đã bỏ vì hai bên không hợp nhau về chiến lược.

“Khả năng thành công của những khoản đầu tư đang theo đuổi chỉ khoảng 20% và đây là tỷ lệ chúng tôi hài lòng trong bối cảnh này”, ông Andy Ho nói.

Được biết, vào Đại hội Nhà đầu tư thường niên sẽ diễn ra vào ngày 22/7 tới, VOF sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ thêm 5 năm. Lý do của sự điều chỉnh này là VinaCapital muốn hưởng lợi thêm từ các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tìm kiếm món hời từ các khoản đầu tư mới, các quỹ cũng bị áp lực thoái vốn vì sức ép lợi nhuận từ các nhà đầu tư và thời gian buộc phải đóng quỹ.

Cần phải nhắc lại là, trong vòng 2 năm qua, các quỹ của VinaCapital đã thoái vốn và đầu tư mới nhiều nhất trên thị trường Việt Nam. Năm 2012, các quỹ này đã thoái được 4 khoản đầu tư trong danh mục đang quản lý, với tổng số tiền hơn 85 triệu USD, trong đó có Dự án Savico Vinaland, 10% cổ phần trong Prime Group, Khách sạn Legend, Dự án Cảng biển Long An.

Cùng với VinaCapital, việc 2 quỹ Prudential Vietnam Assurance Private Ltd và PCA International Funds SPC thoái vốn là nhân tố giúp SCG Building Materials (Thái Lan) thâu tóm thành công 85% cổ phần của Prime Group. Đặc biệt, hai quỹ này cũng đã thu về 96 triệu USD khi thoái 40% vốn cổ phần từ Công ty cổ phần Việt - Pháp Proconco cho Masan Group.

Gần đây nhất, Quỹ Mekong Capiatal khá nổi tiếng với động thái thoái một phần vốn tại Công ty cổ phần Thegioididong (từ 32,5% xuống còn 25,8%) cho một công ty đầu tư tài chính, với lợi nhuận gấp 11 lần so với khoản đầu tư ban đầu vào năm 2007.

Hiện quỹ này đang quản lý 3 quỹ, với 15 khoản đầu tư. Dự kiến, trong vòng 2 năm tới, Mekong Capital sẽ thoái vốn tại 5 công ty thuộc danh mục đầu tư. Các khoản đầu tư mà Quỹ đang nắm giữ gồm: chuỗi nhà hàng Cổng Vàng, Thế giới Di động, phân phối Hóa chất Á Châu, Trường Quốc tế Việt Úc, DigiWorld - Thế giới số, nhà sản xuất thẻ MK Smart…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Quỹ Mekong Capiatal cho hay, thông thường, một quỹ đầu tư được thành lập có vòng đời khoảng 10 năm. Kế hoạch đầu tư vào một công ty kéo dài 7-8 năm. “Tất cả các khoản đầu tư này sắp hết vòng đời và quỹ buộc phải thoái vốn để mở tiếp một quỹ mới trong thời gian tới”, ông Chris Freund cho biết.

Khá lạc quan về tương lai của thị trường M&A tại Việt Nam, ông Chris Freund cho hay, kinh tế khó khăn, nhưng Quỹ Mekong Capiatal không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác để thoái vốn. “Điều này phụ thuộc vào các công ty mà chúng tôi nắm vốn và đa số các công ty đó đều đang có kết quả kinh doanh tốt, với hệ thống nhà quản trị giỏi”, ông Chris Freund tỏ ra lạc quan.

Ngoài ra, trong thời gian tới, M&A sẽ tăng mạnh, vì Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ lập cơ sở sản xuất tại đây để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong Hiệp định TTP như Mỹ. “Họ cần phải vào Việt Nam nhanh và cách nhanh nhất là mua lại cổ phần của một số doanh nghiệp đang hoạt động tại đây”, ông Chris Freund nói.

Tuy nhiên, theo ông Andy Ho, trong 2 năm tới, các thương vụ M&A tại Việt Nam sẽ giảm do thị trường bắt đầu phục hồi và giá các công ty tăng lên. “Giá tăng thì quy mô giá trị giao dịch sẽ tăng. Chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian để đàm phán”, ông Andy Ho nói và cho biết thêm, bí quyết để thoái vốn được mức giá hời trong thời gian nhanh nhất là có tiêu chí rõ ràng.

“Chúng tôi chọn những đối tác cùng ngành, hiểu thị trường và muốn phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam. Những đối tác ấy mới trả được giá cao và giao dịch nhanh nhất, để không bị ảnh hưởng bởi biến động lên xuống của thị trường”, ông Andy Ho nói và cho rằng, khi chọn đối tác để bán, phải hiểu mình đang bán cái gì, muốn gì? Nếu bán thương hiệu, hệ thống phân phối, thì chỉ có công ty trong ngành quan tâm, vì họ mua nhằm thu hẹp đối thủ.

Anh Hoa

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ma-gap-thoi-vi-quy-thoai-von-d3567.html